Có khi từ một khoảnh khắc cũng bừng lên những tia sáng, từ một bước chân cũng gợi mở những ý tưởng. Xin chia sẻ đôi điều cảm nhận, suy ngẫm từ chuyến đi công tác ở ba nước châu Âu vừa qua.
Cảm nhận đầu tiên, đó là đâu đâu người ta cũng nhắc đến đổi mới, sáng tạo, về giá trị của nghiên cứu khoa học công nghệ, về chuyển đổi số. Những thuật ngữ đó được nêu ra trong các cuộc hội đàm cấp cao, trong các cuộc gặp gỡ song phương, cho đến phát biểu của các lãnh đạo cơ quan Nhà nước, tổ chức, viện, trường.
Đặc biệt, qua các nội dung trình bày, đổi mới, sáng tạo không chỉ được đề cập ở lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, mà còn được phân tích, ứng dụng cả trong đời sống văn hoá, xã hội, quản trị quốc gia, giáo dục, nghệ thuật,…
Thật ra, những thuật ngữ này, chúng ta đã bắt đầu tiếp cận trong các nghị quyết, kế hoạch phát triển, nhưng ít nhiều còn dè dặt và chưa được xác định thành các phần việc cụ thể.
Cảm nhận thứ hai đến từ tư duy tích hợp, tổ hợp. Với tư duy đó, mọi vấn đề xã hội, mọi nghiên cứu khoa học, mọi quần thể công trình đều được quan sát, nhìn nhận trong tổng thể của sự kết nối, của tính đa công dụng, đa chức năng, đa giá trị,...
Hình như tư duy tích hợp chính là nền tảng cho sự sáng tạo, từ đó kích hoạt những giá trị vô hình tiềm ẩn, sâu sắc. Và chính tư duy đó tạo nên giá trị gia tăng vượt bậc cho nền kinh tế nhờ tầm nhìn bao quát, hệ thống. Ngược lại, theo một chuyên gia, tư duy đơn giá trị, chỉ xoay quanh một yếu tố duy nhất, thì sẽ dễ lướt qua, lãng quên những giá trị còn lại, những cơ hội khác - vốn có giá trị cao hơn nhiều lần.
Một khu rừng không chỉ có giá trị từ ngành khai thác, chế biến gỗ mà còn được xem là một nguồn lực thiên nhiên, với tính “đa dụng” của nó.
Bên cạnh giá trị từ cây gỗ thô, rừng còn là không gian bảo tồn các động vật hoang dã, là nơi trải nghiệm cảnh quang thiên nhiên, là nơi gìn giữ tính đa dạng sinh học, hấp thụ khí carbon. Những giá trị gần như vô hình đó tạo ra không gian sống hài hoà, thân thiện giữa con người với thiên nhiên. Cân bằng hệ sinh thái giúp con người được tận hưởng những “món quà” thiên nhiên ban tặng.
Ngoài ra, còn vô số những những loài thảo mộc tự nhiên, dược liệu có giá trị dinh dưỡng cao. Khái niệm “rừng vàng” mà ông cha ta gửi gắm với nhiều hàm nghĩa sâu sắc, chứ không chỉ đơn thuần là cây rừng hay thuỷ điện theo tư duy “đơn giá trị”.
Tư duy tích hợp, tổ hợp sẽ gợi mở cho chúng ta phát huy những giá trị sẵn có, để kích hoạt, tổng hợp tính đa dụng, đa mục tiêu, đa giá trị vào những công trình hồ đập, thuỷ lợi, cảng cá,…, vào những khu bảo tồn biển, rừng đặc dụng, khu sinh quyển, ramsar – vùng đất ngập nước,…
Cảm nhận thứ ba là về yếu tố con người. Con người luôn được xem là trung tâm của các vấn đề nghiên cứu từ khoa học kỹ thuật cho đến khoa học xã hội. Những lĩnh vực nghiên cứu “khoa học về sự sống” của muôn loài được nhiều viện, trường quan tâm, suy cho cùng, là nhằm phục vụ cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người, chứ không chỉ là lợi nhuận mang lại. Con người với đa dạng nhu cầu, cảm xúc, các mối quan hệ, ước muốn sẽ quyết định mục tiêu của từng kế hoạch phát triển, từng đề tài nghiên cứu khoa học, từng giải pháp công nghệ.
Chúng ta vẫn hay nhấn mạnh: “con người làm trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội”, “học sinh làm trung tâm trong đổi mới giáo dục”, tuy nhiên hình như yếu tố con người vẫn chưa rõ nét trong hoạch định chính sách phát triển hay nghiên cứu khoa học,...
Cảm nhận thứ tư gắn với giá trị “xanh”. Giá trị “xanh” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở mọi diễn đàn, mỗi phát biểu: kinh tế xanh, nông nghiệp xanh, tiêu dùng xanh,... Không dừng lại ở đấy, người ta còn chú trọng đến xu thế chuyển từ “xanh lá cây” sang “xanh lam”, cho thấy sự vận động liên tục từ nhận thức đến hành động của thế giới.
Khái niệm tăng trưởng chỉ nhằm vào năng suất, sản lượng dần nhường chỗ cho những khái niệm tăng trưởng mới, mang tính tổng hoà, bền vững hơn. Nền “kinh tế xanh lá cây” dựa trên các trụ cột “thông minh, bền vững và công bằng”, hướng tới tạo ra chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người trong giới hạn sinh thái của Trái Đất.
Trong khi cách thức tiếp cận này còn mới mẻ với chúng ta, thì giờ đây, thế giới đang tiếp tục vận hành theo mô hình “nền kinh tế xanh lam” - thân thiện nhất với thiên nhiên, dựa trên những giá trị đang có trên hành tinh với quy luật tuần hoàn tự nhiên.
Bên cạnh giá trị “xanh”, phát triển bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, hay tăng trưởng bao trùm,... luôn là những thông điệp được gửi gắm như những yêu cầu tất yếu.
Cảm nhận thứ năm là sự lan toả nghiên cứu khoa học vào nền kinh tế. Mặc dù không phải là người chuyên môn, nhưng qua tiếp xúc, trao đổi và cũng có phần suy đoán, cảm nhận rằng luôn có dấu gạch nối giữa các nghiên cứu và ứng dụng.
Một đề tài nghiên cứu lại mở ra những vấn đề cần nghiên cứu tiếp đến và cứ thế tạo ra chuỗi những sản phẩm, chuỗi giá trị gắn kết cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và lan toả rộng khắp xã hội.
Từ đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp bắt đầu hình thành trong các trường đại học, được tạo điều kiện hoạt động về cơ sở, thiết bị thí nghiệm, nghiên cứu, với sự hỗ trợ của đội ngũ các nhà khoa học.
Việc tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp khởi nguồn từ các viện trường, khuyến khích nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành và phát triển. Đó cũng chính là lý do cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp nhanh chóng vươn tầm, đóng góp vào sức bật cho nền kinh tế của các quốc gia. Mỗi nhu cầu thực tế, phong phú của con người, của xã hội đều là gợi ý cho những ý tưởng, dự án sáng tạo khởi nghiệp.
Cảm nhận thứ sáu gắn kết với tinh thần hợp tác quốc tế. Qua những cuộc tiếp xúc song phương với các đối tác, càng nhận thức rõ hơn về xu thế hợp tác của thế giới, đem đến lợi ích cho các bên tham gia.
Không chỉ trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, mà hợp tác còn được xúc tiến trong tư vấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học, công nghệ và những bài học kinh nghiệm chắt lọc xuyên suốt quá trình phát triển. Sắp tới, những chương trình hợp tác quốc tế về nông nghiệp, nông thôn, nông dân có thể giới thiệu, vận dụng những giá trị cốt lõi để lan toả phù hợp với điều kiện của đất nước, của địa phương.
Không nên mang tư tưởng sính ngoại, luôn xem những gì của người khác là tốt nhất, hoàn thiện nhất. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Quốc gia đã có vài trăm năm phát triển, khác với quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Song, cần nhớ rằng, người đi sau có lợi thế của người đi sau - đó là rút ra những bài học để tận dụng thời gian, thu gần khoảng cách.
Vấn đề là không nên đánh giá mức độ hiệu quả các chương trình hợp tác quốc tế chỉ bằng nguồn kinh phí tài trợ, mà còn qua những quan điểm tiếp cận mới, những giá trị mới có sức thẩm thấu vào định hướng phát triển của chúng ta.
Một chuyến đi gợi lên nhiều cảm nhận, suy nghĩ. Những ngày đàng ở các vùng đất mới, càng thêm trăn trở về sự phát triển của ngành, của quê hương, càng thôi thúc trở về, chia sẻ thông điệp tích cực, chung tay thực hiện “điều gì đấy” thiết thực, ý nghĩa. Nào chúng ta cùng “mần” nhé!