| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới

Đổi thay từ một miền quê 'đất cày lên sỏi đá'

Thứ Tư 17/03/2021 , 15:22 (GMT+7)

Xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã được Trung ương, tỉnh đầu tư 690.863 triệu đồng, huyện và xã đầu tư 23.507 triệu đồng và nhân dân đóng góp gần 14 tỷ.

Trụ sở UBND xã Nghĩa An. Ảnh: Hồ Quang

Trụ sở UBND xã Nghĩa An. Ảnh: Hồ Quang

  Tôi về xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An thăm anh bạn cùng thời lính xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, những kỷ niệm buồn, vui chúng tôi kể mãi không nguôi. Trưa, vợ bạn cười tươi đưa lên một mâm cỗ cao lương mỹ vĩ vun đầy.

Nguyễn Văn Thanh, bạn tôi bảo: Thời ta đi chống Mỹ cứu nước, hy sinh, gian khổ, đói khát không thể nào kể hết. Đến khi thống nhất đất nước rồi, ta trở về, vẫn cảnh “ quê hương anh nước mặn đồng chua / Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”.  Nói đâu xa, ở xã mình cách đây chưa đến mười năm vẫn là một xã đói nghèo. Làng quê đường sá chật hẹp lầy lội. Ruộng đồng manh mún bờ thấp bờ cao. Đa số các hộ dân áo quần chưa đủ ấm, cơm gạo chưa đủ no, nói chi đến mâm cao cỗ đây.

Vậy mà bây giờ quê hương đổi thay đến ngỡ ngàng. Lứa thanh niên bây giờ áo quần thay liên tục cho hợp mốt với thời trang. Ngày ba bữa ăn của các gia đình cũng phải được đổi món ngon, để cho hợp khẩu vị.

  Buổi chiều Thanh dẫn chúng tôi đi thăm mấy đồng đội cùng ở trong xã này. Làng trên xóm dưới, đi đến đâu cũng thấy đường bê tông thoáng đãng. Cảnh quê thanh bình núp bóng dưới những rặng cây xanh hoa trái trĩu cành. Từ những mái ngói đỏ tươi các nhà văn hóa xóm, tiếng loa phóng thanh của xã đang phát đi những bản tin gương người tốt việc tốt trong sản xuất chăn nuôi, rồi khuyến cáo nông dân tập trung chăn sóc lúa, tiêm phòng cho đàn gia cầm, gia súc…Đan xen giữa các tin là những bản tình ca ngợi ca quê hương đang đổi thay từng ngày.

Làng quê Nghĩa An đổi thay như phố thị. Ảnh: Hồ Quang

Làng quê Nghĩa An đổi thay như phố thị. Ảnh: Hồ Quang

 Gặp các bạn tôi, sau những kỷ niệm về một thời gian khó vào sinh ra tử, rồi anh nào cũng say sưa kể về thành tích của xóm thôn mình trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Xây dựng NTM là một quá trình thực hiện đồng bộ các giải pháp để cho quê hương đổi mới đi lên dân giàu nước mạnh. Khi mới bắt tay vào thực hiện chương trình, xã Nghĩa An vẫn đang gặp phải muôn vàn khó khăn. Nhưng khi Đảng ủy và UBND xã thông báo chương trình đến từng thôn xóm, thì Hội Cựu chiến binh đã đảm đương công việc nặng nhọc nhất. Trong công tác tuyên truyền vận động, Hội đã phân tích xây dựng NTM là việc của tất cả mọi gia đình cùng đồng tâm hợp lực.

Đường giao thông liên gia liên xóm còn chật hẹp thì các gia đình phải hiến đất để cho xã phóng tuyến mở mang ra cho thẳng và rộng, đến khi Nhà nước cấp xi măng về là dân đưa xe trâu xe bò đi chở cát sỏi, rồi mọi nhà cùng ra đường để đổ bê tông. Dân làm, dân hưởng lợi. Đường đẹp là nhà nào cũng đẹp. Ruộng đồng cũng vậy, các gia đình hoán đổi cho nhau để xã quy hoạch, làm bê tông hóa kênh mương và thi công các tuyến đường giao thông nội đồng.

Tiếp chuyện tôi tại trụ sở làm việc, Chủ tịch xã Nghĩa An Đặng Thế Sinh mừng vui tâm sự: Xã đã hoàn thành 19 tiêu chí, về đích NTM từ trong năm 2020. Kể ra thì cũng muộn so với các xã khác, bởi vì trước khi bắt tay vào thực hiện chương trình, xuất phát điểm của Nghĩa An là một xã miền núi nghèo, ruộng đồng manh mún, đất đai khô cằn. Dân số có tới 1.825 hộ, bao gồm 8.081 nhân khẩu.

Trong đó đồng bào dân tộc Thổ chiếm 54,4%, đồng bào theo đạo Thiên chúa 23,79%. Trình độ dân trí ở đây còn thấp, chưa đồng đều. Bởi vậy, khi xã đưa chủ trương xây dựng NTM tới các thôn xóm để cho dân thảo luận thì cũng gặp muôn vàn trắc trở. Tiếp đến là công việc phóng tuyến mở đường, chỉnh trang đồng ruộng, khi dân chưa thông thì còn lắm chuyện nhiêu khê.

Rằng việc đang yên đang lành thì xã đừng có dắt miểng sành vào thân, ruộng đồng đường sá giao thông cứ để vậy cũng có chết ai đâu mà bày chuyện. Thế cho nên trong công tác tuyên truyền, Đảng ủy và UBND xã đã phải thường xuyên có mặt ở trong dân, các tổ chức chính trị, đặc biệt là Hội cựu chiến binh đã gương mẫu trong cuộc vận động và đi đầu trong thực thi từng tiêu chí…

 Xác định nút thắt, điểm nghẽn lớn nhất làm cho sản xuất nông nghiệp bị yếu kém trì trệ là tư liệu đất đai manh mún, nhỏ lẻ, vì vậy công việc đầu tiên của xã là dồn điền đổi thửa. Tiếp theo là quy hoạch, phân vùng cho dân canh tác trên những cánh đồng lớn, rồi đưa cơ giới hóa vào. Cùng với đó, xã đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất cây, con giống mới có năng suất chất lượng cao để cho dân áp dụng vào xản xuất đại trà.

Từ đây, ngoài vùng lúa, ngô, lạc đậu ra, xã đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh như: vùng dưa lưới, vùng cây ăn quả, vùng rau màu. Trong chăn nuôi, ngoài việc chú trọng công tác thú y, xã còn hướng dẫn cho dân biết cách chọn giống, làm chuồng trại và thực hiện chế độ chăm sóc đúng theo khoa học, để cho đàn gia súc, gia cầm phát triển. Đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Song hành với việc chỉnh trang đồng ruộng, xã đã tập trung nguồn vốn để tu bổ các công trình thủy lợi, hoàn thiện bê tông hóa kênh mương, mở mang các tuyến đường giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho dân sản xuất và thu hoạch nông sản bằng xe cơ giới.

  Liên tiếp trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã Nghĩa An luôn được tăng lên, năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2020 tổng giá trị sản xuất đạt gần 300 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,07%. tổng sản lượng lương thực 1.164 tấn. Thu nhập bình quân 36,23 triệu đồng/người/năm.

 Bàn về công tác giao thông nông thôn, Chủ tịch Sinh nhấn mạnh: “Nhờ có tinh thần đoàn kết và sức mạnh của toàn dân, tính đến nay tất cả các tuyến đường liên xóm, liên thôn đi tới trung tâm xã đều đã được đổ bê tông đạt tiêu chuẩn cấp Quốc gia. Tổng kinh phí thực hiện lên tới gần 60 tỷ đồng.”

 Với sự nỗ lực không ngừng trong xây dựng NTM, Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa An đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Bộ mặt nông thôn đã đổi thay toàn diện. Cơ sở hạ tầng từ trụ sở làm việc đến trường học, trạm y tế, nhà văn hóa các xóm đều đã được xây dựng bề thế khang trang. Đời sống vật chất của toàn dân đã được nâng lên rõ rệt. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rộng khắp đến tận từng thôn xóm.

Chúng tôi vào thăm chợ Nghĩa An, thấy ngỡ ngàng bởi, ở một vùng nông thôn miền núi vùng sâu vùng xa của huyện mà có một khu chợ rộng lớn khang trang. Chợ tọa lạc trên khu đất 4.000m2, được phân vùng bán buôn cho từng chủng loại.

Đình chợ xây dựng kiên cố có 40 ki ốt bán hàng bách hóa tổng hợp, xung quanh đình có 36 ki ốt bán buôn đủ loại. Khu bán thịt gia súc gia cầm có 32 sạp hàng, khu bán cá tươi có 16 sạp. Vui vì ngày thường mà chợ quê tấp nập cảnh bán, mua, người đông như trẩy hội.  

  • Tags:
Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.