| Hotline: 0983.970.780

'Đối thoại 2045' - Doanh nhân, trí thức hiến kế phát triển đất nước

Thứ Bảy 06/03/2021 , 22:34 (GMT+7)

Chiều 6/3, tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt với hơn 50 doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề 'Đối thoại 2045'.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc 'Đối thoại 2045' với các trí thức, doanh nghiệp tại Dinh Thống Nhất (TP.HCM) chiều 6/3. Ảnh: Quang Hiếu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc "Đối thoại 2045" với các trí thức, doanh nghiệp tại Dinh Thống Nhất (TP.HCM) chiều 6/3. Ảnh: Quang Hiếu.

Tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong khoảng 100 triệu dân người Việt Nam

Tham dự có Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, TP.HCM và 50 doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu…

Phát biểu khai mạc "Đối thoại 2045", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, doanh nhân, trí thức đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước. Do đó, đối thoại này nhằm lắng nghe tiếng nói từ giới tinh hoa, từ các trí thức, các doanh nghiệp.

Bác Hồ có nhiều mong mỏi đối với Đảng, với đất nước, trong đó, Thủ tướng nhắc đến hai di nguyện của Người trước khi qua đời là: Tổ quốc sẽ thống nhất hai miền Nam, Bắc để dân tộc Việt Nam là một và một Việt Nam trở nên vẻ vang, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Do đó, lý do chọn Hội trường Thống nhất lịch sử này để tổ chức “Đối thoại 2045” bởi nơi đây đã chứng kiến giây phút đất nước thống nhất, dân tộc Việt Nam là một. Và thời điểm năm 2045 cũng chính là dấu mốc để di nguyện lớn nhất của Bác trở thành hiện thực.

Chúng ta có niềm tin vững chắc rằng di nguyện lớn thứ hai của Người về một Việt Nam vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu cũng sẽ trở thành hiện thực. Mục tiêu to lớn, xuyên suốt của chúng ta là xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, muốn dân giàu, nước mạnh, chúng ta phải chú trọng phát triển quốc kế dân sinh. Muốn vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu, đặc biệt có nguồn nhân lực xuất sắc để đảm đang những công việc lớn của đất nước.

Để hiện thực hóa ý định này, chúng ta cần giải phóng mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong khoảng 100 triệu dân người Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta phải biết thu hút, đón nhận và phát huy những nguồn lực quốc tế từ hội nhập toàn cầu hóa, từ đầu tư trực tiếp, gián tiếp đến nguồn lực về công nghệ, về tri thức, về đổi mới sáng tạo. Niềm tin là chất xúc tác lớn nhất cho mọi quyết tâm cũng như mọi mục tiêu phải đạt tới. Phải có niềm tin mạnh mẽ hơn vào tương lai tươi sáng của dân tộc ta.

Bác Hồ đã từng nói “mỗi người tin ở sức mạnh của dân tộc, tin ở sức chịu đựng của mình, kiên quyết vượt mọi khó khăn thì tương lai mới vẻ vang".

“Chính phủ và bản thân tôi mong mỏi tất cả chúng ta, từ cán bộ đảng viên đến người dân, doanh nghiệp, đến những tri thức đều thấm nhuần điều này và có tinh thần như đầu nhiệm kỳ tôi đã báo cáo, chúng ta phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Đó cũng chính là tinh thần tuyệt vời của chúng ta trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Vì vậy, Thủ tướng đã khởi xướng chương trình “Đối thoại 2045”, qua đó lắng nghe để cùng nhau hành động, cùng nhau hiện thực hóa di nguyện của Bác về một Việt Nam hùng cường, vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu vào năm 2045 như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu.

Thủ tướng nêu rõ, “Đối thoại 2045” sẽ được tổ chức định kỳ, trực tiếp và cả trực tuyến, bao gồm nhiều chủ đề từ kinh tế xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, kể cả an ninh quốc phòng, dưới sự chủ trì của các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để lắng nghe các tầng lớp tinh hoa phát biểu.

“Hôm nay chỉ là mở đầu, còn tiếp theo sẽ có nhiều cuộc đối thoại khác. Tôi tin rằng những doanh nhân Việt Nam, trí thức Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào cái tinh thần hướng tới một Việt Nam 2045”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng. Ảnh: Quang Hiếu.

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng. Ảnh: Quang Hiếu.

Chính phủ là bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi ý tưởng của doanh nghiệp

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng khẳng định, hơn lúc nào hết đất nước Việt Nam, từng người dân cần chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường.

"Vào mùa xuân độc lập đầu tiên (1945), Bác Hồ muốn Việt Nam sánh vai cường quốc năm châu và chúng ta hôm nay “Đối thoại 2045”, 100 năm sau, chúng ta mong Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Việt Nam có thể phát triển với tốc độ 12,5% đến 13%/năm như một số nước đã từng đạt được không hay là với chúng ta 8%/năm là tuyệt vời lắm rồi. Cộng đồng doanh nghiệp phải làm gì để chia sẻ khát vọng đó. Các doanh nghiệp có sẵn sàng tăng trưởng liên tục trong nhiều năm với tốc độ 20%- 30%/năm hay không. Và cộng đồng doanh nghiệp chưa đủ, đó phải là khát vọng của từng người dân, cả dân tộc.

Ông Trương Gia Bình kiến nghị về chính sách, trong chiến lược Việt Nam phải tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số... Đồng thời, ông cũng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Để có khát vọng đó chúng ta cần một niềm tin lớn của người dân vào Chính phủ, niềm tin của Chính phủ với người dân. Chính phủ làm ra chính sách và việc lớn, còn việc cụ thể để doanh nghiệp làm. Chúng tôi mong muốn Chính phủ tin tưởng vào cộng đồng doanh nghiệp, là bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi ý tưởng”, ông Trương Gia Bình nêu quan điểm.

Bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk. Ảnh: Quang Hiếu.

Bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk. Ảnh: Quang Hiếu.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ

Theo bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk, Việt Nam đang phát triển và năm 2045 sẽ là một quốc gia phát triển, văn minh, môi trường được bảo vệ, xã hội an lành. “Nền tảng con người phải có trí tuệ với sức khỏe, do đó, phải có ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người.

Một lợi thế khác của Việt Nam là an ninh chính trị tốt, con người cần cù, hiền hòa, với nhiều đặc sản, nhiều thảo dược ở các vùng…, đây là cơ hội để tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Một hướng đi khác rất tiềm năng là du lịch chữa bệnh, kết hợp đông y và tây y, cùng với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử”, bà Thái Hương nhận định.

Chủ tịch TH True Milk kiến nghị, cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, bà mong muốn Chính phủ tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển.

Chủ tịch Hiệp hội Macca Việt Nam Dương Công Minh. Ảnh: Quang Hiếu.

Chủ tịch Hiệp hội Macca Việt Nam Dương Công Minh. Ảnh: Quang Hiếu.

Đến 2045, Việt Nam trồng 300.000 ha macca, giá trị xuất khẩu 5 tỷ USD

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Macca Việt Nam cho biết, để hướng tới cột mốc năm 2045, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực, hình thành nhiều ngành nghề mới có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến kinh tế, trong đó có ngành macca.

“Nông sản Việt Nam luôn trong tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, do đó, nông sản cần phải hình thành chuỗi cung ứng khép kín, nhất là nông sản có lợi thế như cây macca”, ông Dương Công Minh nói.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Macca Việt Nam, cây macca vừa là cây rừng, cây lâm nghiệp, công nghiệp, môi trường, bởi lượng xử lý CO2 của cây này rất lớn. Cùng với đó, cây macca cũng là cây xóa đói giảm nghèo, cây phục vụ an sinh xã hội và an ninh quốc phòng, bởi cây trồng này mang lại giá trị kinh tế cao cũng như thích hợp trồng ở các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên.

Trong khi đó, hiện nay, nguồn lực phát triển cây macca còn rất lớn, với 1 triệu ha có thể trồng ở các tỉnh khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Macca Việt Nam thì chi phí đầu tư 300 triệu/ha, 5 năm người trồng đã có thu hoạch và hồi vốn. Từ năm thứ 6 thu được 300-500 triệu/ha.

Để phát triển mạnh được cây macca trong thời gian tới, ông Dương Công Minh đề xuất Chính phủ có chính sách đất đai để phát triển cây macca, với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trồng được 300.000 ha có giá trị xuất khẩu khoảng 5 tỷ USD.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất