Theo lời mời của Bộ trưởng Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc (KFS) Nam Sung-hyun, ngày 27/12, đoàn công tác Bộ NN-PTNT tới nước bạn làm việc, trực tiếp trao đổi về khả năng thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Hàn Quốc có 6,3 triệu ha rừng, độ che phủ 64%; rừng cung cấp phúc lợi công cộng với giá trị 221 triệu tỷ Won (khoảng 195 tỷ USD), chiếm khoảng 11,7% GDP. Do đó, các chính sách và luật lâm nghiệp có tầm quan trọng ở Hàn Quốc, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân, gắn kết con người với thiên nhiên. Để hiểu thêm hệ thống nghiên cứu, quản lý rừng ở nước bạn, Bộ NN-PTNT đã đến thăm Trung tâm Viễn thám, Nghiên cứu và Xử lý dữ liệu Hàn Quốc (NIFoS) cùng Viện Khoa học Lâm nghiệp Quốc gia.
Nhìn lại năm 2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: “Năm qua đánh dấu mối quan hệ hợp tác vượt bậc giữa hai nước về lĩnh vực lâm nghiệp. Hồi tháng 6, Bộ trưởng Nam Sunghyun đã tới Việt Nam tham gia trồng rừng. Bộ NN-PTNT và KFS đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp. Hai bên đã xác định, thống nhất một số mục tiêu ưu tiên qua Bản ghi nhớ này”.
Chính phủ Hàn Quốc đã và đang hỗ trợ ngành lâm nghiệp nước ta thông qua nhiều dự án hợp tác kỹ thuật, mang lại lợi ích cho người dân và cộng đồng tại Việt Nam.
Cụ thể, Việt Nam và Hàn Quốc đã triển khai tích cực, hiệu quả các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ hợp tác ASEAN+3, Tổ chức Hợp tác rừng Châu Á (AFoCO). Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực phục hồi và phát triển rừng, chống suy thoái đất thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật; hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho chuyên gia và cán bộ lâm nghiệp của Việt Nam.
Thông qua Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc (KFS), Chính phủ Hàn Quốc tài trợ Dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Hồng” tại Nam Định và Ninh Bình.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 4,4 triệu USD. Trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc khoảng 3,8 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Đây là Dự án nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ hai nước, thể hiện trách nhiệm xã hội của Hàn Quốc trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến ngày càng phức tạp.
Việt Nam có trên 14,7 triệu ha rừng với độ che phủ hơn 42%, đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển bền vững và đảm bảo an ninh môi trường. Do vậy, Bộ NN-PTNT đang triển khai việc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng phát triển ngành lâm nghiệp đa dụng, chú trọng nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị của rừng trồng, đặc biệt tập trung trồng rừng gỗ lớn và tăng cường giá trị phúc lợi của rừng cho người dân, cũng như bảo tồn đa dạng sinh học và thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế liên quan đến rừng.
Trao đổi với đối tác, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cao kinh nghiệm và thế mạnh công nghệ trong bảo tồn, phát triển rừng của Hàn Quốc. Theo đó, người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam đề nghị nước bạn hỗ trợ phát triển rừng đa dụng, xây dựng sinh kế rừng bền vững gắn với cảnh quan và du lịch bản địa, đặc biệt cho vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
“Điều này đòi hỏi cán bộ quản lý, doanh nghiệp, người dân có năng lực cao về phát triển rừng đa dụng. Muốn vậy, theo tôi, chúng ta cần bắt đầu từ các mô hình cộng đồng, nâng cao hiểu biết cho bà con”, ông Hoan nói.
Về ứng dụng công nghệ trong lâm nghiệp, Bộ trưởng cũng mong muốn Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm xây dựng bản đồ số về sử dụng đất, phục vụ cho việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.
Phía bạn hoan nghênh sự chủ động của Việt Nam. Bộ trưởng Nam Sung-hyun phát biểu: “Ngoài bản đồ số, chúng tôi sẽ hợp tác với Việt Nam để xây dựng, vận hành các vườn ươm công nghệ cao cho cây rừng, cây thuốc và các loài thực vật quý hiếm theo tiêu chuẩn Hàn Quốc. Tôi tin tưởng Bản ghi nhớ giữa hai Bộ về hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp sẽ đạt nhiều kết quả thiết thực”.
Về hoạt động phát triển thị trường tín chỉ cacbon rừng, hai Bộ trưởng đồng ý rằng, đây sẽ là nền tảng cơ sở cho sự thay đổi chính sách. Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thúc đẩy phát triển thị trường carbon rừng, giúp nâng cao thu nhập cho người dân và các chủ rừng ở nước ta. Một số chương trình cụ thể như thí điểm cấp tín chỉ cacbon rừng ngập mặn, trồng và phục hồi rừng ngập mặn sẽ được cụ thể hóa trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác lâm nghiệp giữa hai Bộ.