Việt Nam là một trong 5 quốc gia tham gia đầu tiên Hiệp định Hợp tác rừng châu Á - AFoCO, tích cực đóng góp và nhận hỗ trợ hầu hết từ Chính phủ Hàn Quốc để triển khai 4 hoạt động chính: phục hồi và tái tạo rừng; thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý rừng bền vững; nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ.
Đến nay, AFoCO đã tài trợ cho Việt Nam 4 dự án cấp quốc gia với tổng ngân sách khoảng 4,5 triệu USD. Dự án “Phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ở tỉnh Thái Bình” có ngân sách lớn nhất với tổng tài trợ từ Chính phủ Hàn Quốc là 1,5 triệu USD.
Về tài trợ cho khu vực ASEAN, Tổ chức AFoCO đang phối hợp với Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam để triển khai Dự án “Nâng cao năng lực phòng chống cháy rừng”. Sử dụng nguồn tài trợ 6,5 triệu USD từ AFoCO và 2 triệu USD từ Quỹ Hàn Quốc - ASEAN, các quốc gia Đông Nam Á sẽ xây dựng thí điểm trạm phòng chống cháy rừng. Trạm được ứng dụng công nghệ cao, trang bị máy móc hiện đại (như ảnh vệ tinh) nhằm cảnh báo cháy rừng sớm.
Bên cạnh hỗ trợ kinh tế, các Dự án của AFoCO tại Việt Nam còn góp phần nâng cao năng lực cán bộ, người dân địa phương trong công tác bảo tồn, phát triển, quản lý rừng bền vững. Tổ chức đã cấp học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ về lâm nghiệp cho 6 cán bộ trẻ Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam đã cử trên 80 lượt cán bộ tham gia các khóa tập huấn, hội thảo và các diễn đàn quốc tế do AFoCO tổ chức.
“Tôi cảm ơn các bạn đồng nghiệp của Tổ chức AFoCO đã tích cực phối hợp với Bộ NN-PTNT thúc đẩy các hoạt động hợp tác lâm nghiệp giữa Việt Nam - Hàn Quốc trong thời gian qua. Các dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua AFoCO đã góp phần không nhỏ để hiện thực hóa các chương trình, đề án, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam", Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ lòng cảm kích.
Bộ trưởng cho biết thêm, dự án Nông lâm kết hợp do AFoCO phối hợp triển khai được Bộ NN-PTNT lồng ghép vào hầu hết các Chương trình mục tiêu quốc gia. Các mô hình nông lâm kết hợp đều góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân. Cụ thể, nông hộ tham gia dự án được đào tạo trồng cây ngắn ngày để duy trì, chăm sóc cây có chu kỳ dài. Những người giữ màu xanh cho rừng lại có thêm thu nhập từ tín chỉ các-bon lâm nghiệp.
Đáp lại, Tổng giám đốc Park Chongho đề cao sự chủ động của Bộ NN-PTNT và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với bảo vệ, phát triển, quản lý rừng bền vững. Ông tin tưởng những dự án do phía Hàn Quốc tài trợ sẽ đảm bảo an sinh cho người dân sống gần rừng.
Về định hướng của Tổ chức AFoCO, ông Park thông tin: “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu hiện nay đối với ngành lâm nghiệp. Trong bối cảnh trái đất nóng lên, các thảm họa môi trường diễn ra bất ngờ, phức tạp, chúng ta cần công nghệ để dự báo các nguy cơ về cháy rừng, sạt lở đất, bùng phát dịch sâu bệnh hại…”.
Hàn Quốc đã không ngừng nghiên cứu, cho ra đời các công cụ quản lý, giám sát cháy rừng, xói mòn đất. Đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN, Tổ chức AFoCO cam kết chuyển giao các công nghệ nhằm dự báo rủi ro; xây dựng cơ sở dữ liệu giúp minh bạch hóa thông tin; ứng dụng chỉ số địa lý, viễn thám để quản lý rừng bền vững.
Trên cơ thể những thành công, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về dự án Xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Lâm nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, nhận lại phản hồi tích cực từ ông Park Chongho. Tổ chức AFoCO cũng sẽ hỗ trợ thành lập Chi nhánh Văn phòng Trung tâm Hợp tác Lâm nghiệp Hàn Quốc - Mê Công (KMFCC) tại Việt Nam.
Hiệp định AFoCO có hiệu lực từ ngày 17/4/2018 sau khi các nước thành viên hoàn tất việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định. Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức AFoCO từ ngày 17/2/2017 theo Nghị quyết số 26/CP-NQ của Chính phủ. Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập, tích cực của AFoCO và đã đảm nhiệm thành công vị trí Chủ tịch Hội đồng AFoCO nhiệm kỳ 2018-2019.