| Hotline: 0983.970.780

Dồn sức chặn đứng dùng chất cấm trong chăn nuôi

Thứ Hai 04/04/2016 , 09:10 (GMT+7)

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn tại “Hội nghị tổng kết Thanh tra chuyên ngành của Bộ NN-PTNT năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016” tổ chức vào cuối tuần qua tại TP Đà Nẵng.

01-10-20_nh-1
Thứ trưởng Hà Công Tuấn phát biểu tại hội nghị

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo 63 Sở NN-PTNT trên cả nước.

32.060 tổ chức, cá nhân vi phạm

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT, cho biết: Năm 2015, thanh tra chuyên ngành NN-PTNT đã tiến hành thực hiện thanh, kiểm tra được 8.407 cuộc, với 166.306 tổ chức, cá nhân và xử lý 32.060 tổ chức, cá nhân có liên quan đến hành vi, vi phạm. Xử phạt hành chính số tiền gần 101 tỷ đồng.

Đồng thời, qua thanh, kiểm tra cũng đã góp phần chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện chính sách pháp luật về hoạt động thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, lĩnh vực TĂCN, thuốc thú y, thủy sản, đã thực hiện thanh, kiểm tra 29.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) lực lượng chức năng đã phát hiện 7.500 cơ sở vi phạm, tiến hành xử lý với số tiền trên 22 tỷ đồng. Cũng trong năm 2015, lực lượng thanh tra của Tổng cục Thủy sản đã phát hiện 7 Cty SXKD giống tôm thẻ chân trắng không thực hiện kiểm tra chất lượng giống nhập khẩu và bị xử phạt với số tiền 70 triệu đồng.

Còn thuốc BVTV đã phát hiện nhiều hành vi, vi phạm như: Buôn lậu, sử dụng thuốc ngoài danh mục hay SXKD thuốc giả, kém chất lượng. Đặc biệt, trong quá trình thanh, kiểm tra phát hiện 8 trường hợp buôn bán thuốc trong danh mục cấm, 34 trường hợp buôn bán thuốc giả.

Triển khai kế hoạch 1424 của Bộ NN-PTNT về việc thanh tra chuyên đề ATVSTP năm 2015, đã có 894 đoàn thanh, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành được 59 Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố lập. Kết quả có nhiều vi phạm được phát hiện, các đoàn tiến hành xử phạt 24,2 tỷ đồng.

01-10-20_nh-2
Hội nghị Tổng kết Thanh tra chuyên ngành nông nghiệp

Riêng triển khai kế hoạch 9003/KH-BNN-TTr ngày 2/11/2015 về thực hiện đợt cao điểm kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi, cơ quan chức năng đã phát hiện 16%, trong số các mẫu thịt bị kiểm tra có chất tăng trọng, tạo nạc. Có 7,6% trong số các mẫu thịt có dư lượng chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép, nhiều Cty SX TĂCN phát hiện có sử dụng chất cấm hoặc thừa nhận đã từng sử dụng một loại hóa chất nào đó.

Bộ NN-PTNT thành lập đoàn thanh tra đột xuất một số cơ sở SXKD và sử dụng TĂCN có dấu hiệu vi phạm. Từ đầu năm 2015, các đoàn tiến hành thanh, kiểm tra trên 40 tổ chức, cá nhân và phát hiện, xử lý 18 Cty có hành vi vi phạm, xử phạt trên 2,6 tỷ đồng. Cục Thú y đã chỉ đạo các chi cục thú y lấy 1.457 mẫu nước tiểu và 385 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ. Kết quả phát hiện 3 mẫu thịt, 157 mẫu nước tiểu dương tính với Salbutamol.

Tại các địa phương, có 46/63 tỉnh thành lập đoàn thanh tra do Thanh tra Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với Cảnh sát kinh tế (PC46), Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) cùng chi cục thú y và các cơ quan khác đã tổ chức kiểm tra 129 cơ sở, phát hiện 24 cơ sở vi phạm. Đồng thời phát hiện 12/649 mẫu TĂCN dương tính với Salbutamol; 69/2016 mẫu nước tiểu, 1/172 mẫu thịt có sử dụng Salbutamol.

Thanh tra đột xuất mới có hiệu quả

Ông Đậu Trọng Bằng, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Đồng Nai, chia sẻ: Tại Đồng Nai, trong thời gian đầu, lực lượng kiểm tra Chi cục Chăn nuôi - Thú y phối hợp với các địa phương, chưa có phối hợp với công an thì các đối tượng kiểm tra có sử dụng chất cấm chống đối quyết liệt, họ xua đuổi không cho lấy mẫu. Sau khi có sự phối hợp với công an thì các đối dùng mọi thủ đoạn né tránh. Một số chủ trại heo khi bị phát hiện chất cấm đã lén lún bán đàn, mua đàn khác về thay thế.

01-10-20_nh-3
Thanh tra Bộ NN-PTNT kiểm tra, phát hiện DN đưa chất cấm vào TĂCN

“Để thanh, kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi có hiệu quả phải tiến hành đột xuất, không nên thực hiện theo kế hoạch. Vì theo kế hoạch bắt buộc phải thông báo trước cho đối tượng kiểm tra biết, lúc đó họ sẽ tìm cách đối phó. Thành phần của đoàn thanh, kiểm tra nhất thiết phải có lực lượng công an và địa phương tham gia phối hợp”, ông Bằng nói.

“Ngăn chặn vàng ô, Salbutamol thành công là đánh vào đầu mối, đánh vào cơ sở cung cấp, quản lý chặt chẽ. Tôi tin chắc rằng, năm 2016 chất này gần như không còn nhập nữa. Dứt khoát trong năm 2016, chúng ta phải đảm bảo an toàn, chấm dứt vàng ô, Salbutamol và một số loại thuốc, hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe và xuất khẩu hàng hóa”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn.

Đồng quan điểm, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho hay, trong năm 2015 có nhiều lô gia súc từ các tỉnh về TP.HCM qua kiểm tra có tồn dư chất cấm như: Đồng Nai có 16 lô, Tiền Giang 7 lô, Long An 4 lô… Riêng 2 tháng đầu năm 2016, Chi cục đã kiểm tra 451 lô heo từ các tỉnh về phát hiện 37 lô nhiễm chất Beta-agonist.

Trong quá trình thanh, kiểm tra phải thông báo trước nên đối tượng tìm nhiều biện pháp đối phó, né tránh. Đồng thời họ cho người nắm thông tin của đoàn kiểm tra nên không đưa heo về cơ sở giết mổ mà chuyển sang cơ sở giết mổ khác. Do đó, TP.HCM thành lập đoàn thanh, kiểm tra đột xuất để tăng hiệu quả.

Còn ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Đà Nẵng cho biết, trên cả nước chưa có nhiều trung tâm kiểm định đạt tiêu chuẩn kiểm định cấp nhà nước nên việc lấy mẫu chất cấm, hàng giả rất khó khăn và thời gian rất lâu.

Còn đại diện của Sở NN-PTNT Hậu Giang cho hay, hiện thanh tra mới được phần ngọn chưa thanh tra được phần gốc. Chẳng hạn heo sử dụng chất cấm nuôi ở tỉnh này nhưng khi giết thịt lại ở tỉnh kia. Do đó, cần ký kết liên vùng, ký kết giữa các địa phương để thanh, kiểm tra phần gốc lẫn ngọn.

01-10-20_nh-4
01-10-20_nh-5
Những chất cấm bị Thanh tra Bộ NN-PTNT thu giữ

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay, năm 2015, thanh tra đã có nhiều tiến bộ, trong đó thể hiện ở đội ngũ, vị thế, quy định nhiệm vụ hoạt động. Đặc biệt việc gắn với việc triển khai các giải pháp quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp. Đối với chất vàng ô, Salbutamol, một số loại dư lượng kháng sinh khác đối với thủy sản ở khu vực ĐBSCL đã thanh kiểm tra xử lý, Bộ đánh giá rất cao những cố gắng này.

“Thanh tra Bộ cùng với C46, C49 và A86, Bộ Công an có những chương trình phối hợp đánh mạnh vào vàng ô, Salbutamol nên mới có sự chuyển biến. Tôi nghĩ rằng bài học phối hợp này không chỉ duy trì ở trung ương mà còn chính cho các địa phương”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn đề nghị, phải lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên tập trung thanh tra chuyên ngành, đấy là quản lý vật tư nông nghiệp. Nhưng vật tư nông nghiệp không phải trên diện rộng, không phải tràn lan mà tập trung một số chất gây nguy hại cao cho sức khỏe. Muốn thanh tra tốt, trước hết phải có được đội ngũ thì mới nói làm được việc gì. Hiện có nhiều nơi chưa làm được, lãnh đạo sở chưa thực sự quan tâm. Các sở triển khai ngay, có tổ chức, sắp xếp, bố trí con người…. lúc đó mới tính được công việc.

ĐẮC THÀNH

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.