Thực trạng sống cầm hơi không chỉ diễn ra ở các nông lâm trường yếu kém. Ở một số nơi, những nông lâm trường được đánh giá đơn vị mạnh cũng sống dở chết dở vì cơ chế chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa có những cơ chế đặc thù.
>> Phó Giám đốc nấu cơm quét nhà, cán bộ kéo nhau đi phụ hồ làm thuê
>> Rạng Đông có ló rạng?
>> Lay lắt số phận nông lâm trường
Viễn cảnh phá sản vì thuê đất
Tỉnh Tuyên Quang có 13 nông lâm trường, trong đó có 9 nông lâm trường thuộc UBND tỉnh quản lý và 4 lâm trường thuộc TCty giấy Việt Nam với diện tích đất 59 nghìn ha. Thực hiện Nghị quyết 28 sắp xếp đổi mới nông lâm trường, Tuyên Quang là địa phương triển khai rất quyết liệt. Trả đất cho địa phương, chuyển đổi các lâm trường thành các công ty lâm nghiệp, cấp sổ đỏ, thực hiện mô hình liên doanh sản xuất…
Thực tế, nhờ việc sắp xếp đổi mới mà nhiều nông lâm trường ở Tuyên Quang thoát khỏi cảnh chết lâm sàng, thậm chí là phát triển khá mạnh. Nhưng, chết đi sống lại chưa được bao lâu thì nhiều đơn vị đang hừng hực khí thế bỗng dưng kêu ca… sắp chết.
Việc áp dụng các Nghị định về thuê đất, không có cơ chế đặc thù riêng biệt khiến các nông lâm trường dù mạnh đến mấy cũng lâm vào tình thế ngặt nghèo, không trụ nổi. 13 nông lâm trường, thời điểm này, đi đến đâu cũng thấy ca thán khó khăn.
Ngoài bài ca muôn thuở là thiếu vốn đã đành, các nông lâm trường như ngồi trên lửa trước viễn cảnh phải nộp số tiền thuê đất ngoài sức tưởng tượng. Muốn có vốn thì phải xin được sổ đỏ để thế chấp, nhưng muốn có sổ đỏ lại phải trả tiền thuê đất theo qui định. Đi hướng nào cũng đều ngắc ngoải cả.
Thiếu vốn, giờ lại phải thuê đất nên nhiều lâm trường không dám trồng rừng nữa
Giữa năm vừa rồi, một sự kiện chấn động ngành lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang khi Cty Lâm nghiệp Sơn Dương (tiền thân là Lâm trường Sơn Dương, huyện Sơn Dương) nhận được trát phải nộp tới 1,18 tỷ đồng tiền thuê đất của riêng năm 2012 cho Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang. Số tiền gần như không tưởng đối với các đơn vị nông lâm trường. Khất lần khất lữa, chạy vạy khắp nơi nhưng cũng chỉ xoay xở được có 590 triệu đồng.
Bà Vi Thị Hồng, Giám đốc Cty Lâm nghiệp Sơn Dương, ảo não vô cùng dù mới đây được nhận bằng khen doanh nhân tiêu biểu. “Tiền nhiều quá. Chịu không nổi. Nếu áp dụng theo Nghị định 42 của Chính phủ về việc thuê đất sản xuất kinh doanh thì các lâm trường chịu chết, sớm muộn gì cũng phá sản hết cho mà xem”.
Cty Lâm nghiệp Sơn Dương hiện quản lý 4.967 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 4.114 ha thuê dài hạn, năm vừa rồi được tỉnh Tuyên Quang cấp sổ đỏ hẳn hoi. Nhưng cũng chính vì may mắn được cấp sổ đỏ sớm như thế nên khi thanh tra tiến hành kiểm tra và hạch toán theo qui định thì mỗi năm đơn vị này phải nộp 2,4 tỷ đồng tiền thuê đất.
Mấy năm trước Lâm trường Sơn Dương chủ yếu trồng cây keo hạt. Mỗi một chu kỳ kéo dài 8 - 10 năm. Bà Hồng tính toán: Bình quân một ha được tầm 100 khối gỗ nguyên liệu. Giá bán 650 ngàn/khối, thu về khoảng 65 triệu đồng. 8 năm trồng rừng trừ đi chi phí lãi khoảng 20 - 25 triệu đồng mỗi một ha. Trong khi đó, nếu phải nộp thêm tiền thuê đất, giá bình quân thuê khoảng 600.000 đồng/ha/năm.
Hết một chu kỳ chỉ riêng tiền thuê đất đã mất gần 5 triệu đồng/ha rồi. Không ai chịu nổi cả. Trồng rừng vốn đã ít lãi, nay phải gánh tiền thuê đất thì lỗ là cái chắc. Cả năm 2013, Cty Lâm nghiệp Sơn Dương chỉ khai thác được 100 ha. Tiền bán được 72 triệu/ha, trong khi chi phí đầu vào cộng thêm tiền thuê đất nữa là 82 triệu đồng. Lỗ nặng!
Quản lý diện tích lớn nhưng từ năm 2009 đến nay, Cty Lâm nghiệp Sơn Dương chủ yếu đi vay để đầu tư liên doanh sản xuất với người dân rồi chia sản phẩm. Bộ máy cán bộ công nhân viên cũng được tinh gọn xuống 82 người. Bà Hồng bảo, nếu không xin miễn giảm được tiền thuê đất thì chỉ có nước kéo nhau giải thể.
Chưa đến mức thê thảm như Cty Lâm nghiệp Sơn Dương nhưng Cty Lâm nghiệp Hàm Yên (huyện Hàm Yên) cũng vừa ngắc ngoải vừa lo ngay ngáy.
Chỉ cách đây có một năm, ông Đỗ Khắc Thành, Giám đốc Cty Lâm nghiệp Hàm Yên từng tha thiết khẩn cầu xin được giữ đất. Vậy mà bây giờ gặp lại, vị giám đốc này ngán ngẩm rằng: Giữ càng nhiều càng chết. Trước sắp xếp đổi mới, Lâm trường Hàm Yên được giao quản lý diện tích đất lên đến 26 ngàn ha.
Sau khi thực hiện Nghị quyết 28, Cty Lâm nghiệp Hàm Yên chỉ còn lại 5.600 ha nhưng có tới 3.200 ha đất lâm nghiệp đã bị người dân xâm lấn. Tiếp tục trả đất cho địa phương, bây giờ Cty chỉ còn lại xấp xỉ hơn 2.000 ha. Giảm thiểu diện tích đến mức tối đa để xin cấp sổ đỏ nhưng thực trạng vẫn còn thê thảm.
Từ tháng 8 đến nay, hơn 100 công nhân của Cty không có lương vì vẫn chưa vay được vốn ngân hàng. Nhưng điều ông Thành lo nhất không phải chuyện lương bổng: 2.000 ha hiện đang quản lý, nếu chiếu theo Nghị định 42 thì mỗi năm tiền thuê đất mất hơn 1 tỷ đồng. Tất tần tật đều trông vào rừng nguyên liệu cả, chúng tôi lấy đâu ra mà nộp?
Không dám xin cấp sổ đỏ
Lâm trường được đánh giá cao nhất ở Tuyên Quang bây giờ là Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa. Từ sau khi thực hiện sắp xếp đổi mới, Chiêm Hóa là đơn vị mạnh của ngành lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang. Chỉ trong vòng 3 năm vừa rồi, Cty Lâm nghiệp Chiêm Hóa trồng tới 2.243,2 ha rừng, năm nào cũng vượt 100% kế hoạch.
Trồng rừng rất tốt nhưng Cty Lâm nghiệp Chiêm Hóa vẫn lo phá sản nếu phải thuê đất
Thành tích thì rất oách, nhưng giám đốc Lưu Vĩnh Phúc liên tục kêu ời ời kiểu như đơn vị mình sắp giải thể đến nơi rồi. “Chết chết. Nếu không có thay đổi thì sớm muộn gì các nông lâm trường cho dù mạnh đến mấy cũng chết chứ chịu không nổi đâu”.
Cũng vì chuyện phải thuê đất mà ông Phúc mất ăn mất ngủ. Cty Lâm nghiệp Chiêm Hóa vẫn chưa được cấp sổ đỏ nên Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang còn chưa sờ đến. Sau khi rà soát, quy hoạch đơn vị này còn 67.015.957 m2. Đơn giá cho thuê đất bình quân ở Cty Lâm nghiệp Chiêm Hóa là 54,5 đồng/m2/năm.
Nếu chiếu theo đơn giá này mỗi năm Cty phải đóng 3.652.369.600 đồng tiền thuê đất. Một con số mà ông Phúc bảo rằng, cho dù có trồng thuốc phiện chưa chắc đã gánh nổi chứ đừng nói là trồng rừng. Thành thử, dù nhu cầu vay vốn rất cấp bách nhưng đơn vị vẫn chưa dám hoàn thiện quy hoạch xin cấp sổ đỏ.
Trước khi sắp xếp đổi mới, Lâm trường Chiêm Hóa từng sống dở chết dở khi diện tích đất sản xuất nhiều nhưng không có vốn để đầu tư, bỏ hoang lên đến hàng ngàn ha. Trước năm 2005, diện tích đất lâm nghiệp của Lâm trường Chiêm Hóa được giao quản lý gần 10 ngàn ha nhưng chỉ phủ xanh chưa đầy một nửa. Sau khi sắp xếp đổi mới, thực hiện các chu kỳ sản xuất 10 năm, năng suất tính ở thời điểm thu hoạch là 100 m3 gỗ/ha. Tính ra có lãi.
Sau 7 năm thực hiện, đã có 1.304 lượt hộ tham gia trồng rừng liên doanh trên tổng diện tích 3.563,3 ha. Nhờ những thành tích ấy mà Lâm trường Chiêm Hóa trở thành đơn vị mạnh trong ngành lâm nghiệp Tuyên Quang. Nhưng bây giờ, ông Phúc bảo, mạnh đến mấy rồi cũng chết vì thuê đất mất thôi.
Chính sách thuê đất đẩy các lâm trường vào viễn cảnh “chịu không nổi” đã đành, người dân ở những nơi thực hiện mô hình liên doanh cũng đứng bên bờ vực. Đa số các lâm trường ở Tuyên Quang phát triển nhờ mô hình liên doanh chia sản phẩm với người dân. Nếu phải thuê đất thì đồng nghĩa với việc chi phí đầu vào đội lên, không có lãi. Bà Bùi Thị Tưởng (45 tuổi), hộ dân trồng rừng liên doanh với Lâm trường Chiêm Hóa 4 ha nói như than: Bao đời nay trồng rừng đã khổ lắm rồi. Vốn nhiều, chu kỳ sản xuất dài, lãi ít. Bây giờ mà thêm thuê đất nữa thì chúng tôi sống làm sao nổi.
Có một khe cửa hẹp để các nông lâm trường tránh phải chịu đóng tiền thuê đất, đó là xin được miễn giảm. Nhưng thực trạng chung quá ngặt nghèo, thiếu nhiều cơ chế chính sách. Theo Nghị định 61 của Chính phủ, các đơn vị muốn xin miễn giảm tiền thuê đất phải có đầy đủ Quyết định giao đất, đơn xin miễn giảm, hồ sơ yêu cầu các dự án đầu tư. Khổ nỗi, sau khi thực hiện Nghị quyết 28, các lâm trường chỉ vừa mới chuyển thành công ty lâm nghiệp, hồ sơ yêu cầu dự án đầu tư chỉ làm từng năm một, không đủ thủ tục để xin miễn giảm. |