Ngày 25/4, trong báo cáo thẩm tra về tài chính - ngân sách, Ủy viên Thường vụ Quốc hội đã đề cập với Chính phủ nhằm có giải pháp cho một hiện tượng khá nóng bỏng, đó là “tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thất thoát lãng phí nguồn lực trong nhân dân”.
Sau khi khởi tố và bắt tạm giam Trịnh Văn Quyết và một số cá nhân ở Tập đoàn FLC, cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố và bắt tạm giam Đỗ Thành Nhân và một số cá nhân ở Công ty Cổ phần Louis Holdings cũng vì hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”.
Đối với đại bộ phận người dân Việt Nam, tội danh “thao túng thị trường chứng khoán” khá mới mẻ. Thế nhưng, khí đã có những kẻ manh tâm “thao túng thị trường chứng khoán” thì tạo ra rất nhiều hệ lụy cho đời sống kinh tế và xã hội.
Đối tượng Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch Công ty Cổ phần Louis Holdings vốn bắt đầu kinh doanh bằng nghề thu mua và xuất khẩu gạo, đã đưa cổ phiếu doanh nghiệp lên sàn giao dịch với lý lẽ hồn nhiên đến mức khó tin: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản thị trường chứng khoán là nơi nhiều người góp gạo thổi cơm chung, những cổ đông tham gia vào doanh nghiệp để doanh nghiệp đó có tài chính mạnh hơn từ số đông để phát triển và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, từ đó có kết quả kinh doanh cải thiện và quả ngọt sẽ cùng chia cho tất cả mọi người. Tôi hoàn toàn không biết thị trường chứng khoán là những con số nhảy múa khốc liệt”.
Sự thật thì sao? Đối tượng Đỗ Thành Nhân đã dùng thủ thuật mờ ám để đẩy cổ phiếu doanh nghiệp mình tăng trần hàng chục phiên liên tiếp. Chỉ tính riêng 5 tháng, tháng 5/2021 đến tháng 9/2021, khi đại dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động dịch vụ và thương mại đều đình trệ thì cổ phiếu TGG bất ngờ tăng 7.500%, từ 1.000 đồng/ cổ phiếu lên hơn 77.000 đồng/cổ phiếu.
Rõ ràng, ở đây con số nhảy múa cũng chính là lòng tham nhảy múa. Đỗ Thành Nhân cũng như nhiều đại gia khác, chỉ mưu cầu lợi ích nhanh chóng cho bản thân mà bất chấp sự rủi ro lẫn sự mất mát của người khác. Nói sòng phẳng hơn, “thao túng thị trường chứng khoán” là một trò lừa đảo để đánh cắp những đồng tiền mồ hôi nước mắt mà nhà đầu tư đã tin cậy bỏ ra.
Để cổ phiếu của doanh nghiệp được lên sàn giao dịch, có rất nhiều tiêu chí rất khắt khe. Tuy nhiên, quá trình giám sát và hậu kiểm lại tồn tại không ít bất cập. Vì vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ 13 vừa qua đã kết luận “có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán” của một số lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như Vũ Bằng, Trần Văn Dũng, Nguyễn Thành Long, Lê Hải Trà, Nguyễn Sơn...
Tội phạm kinh tế đang có những biến tướng phức tạp, mà “thao túng thị trường chứng khoán” là một hành vi cần ngăn chặn kịp thời và xử lý kiên quyết. Đừng để con số nhảy múa theo lòng tham nhảy múa, gây thêm bi kịch cho cộng đồng.