Vấn đề đặt ra là bộ giống nào phù hợp và cần phát triển sản phẩm chè đen hay chè xanh?
Kinh nghiệm từ thế giới
TS. Đỗ Văn Ngọc, nguyên Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (Viện Khoa học nông nghiệp VN) chia sẻ, trên thế giới các nước SX chè đều lấy lợi thế SX, thị trường; từ đó xác định phương án SX, sản phẩm chè, cơ cấu giống. Một số nước SX chè lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan xác định chè xanh, chè Ô Long chất lượng cao là sản phẩm chiến lược.
Khi đã xác định sản phẩm trên, cơ cấu giống chè chủ yếu có nguồn gốc từ biến chủng lá nhỏ hay lá to. Đặc điểm chung của nhóm giống này kích thước nhỏ, năng suất búp trung bình, chất lượng nguyên liệu tốt, thích hợp cho chế biến chè xanh, chè Ô Long bởi hàm lượng tanin thấp (nhỏ hơn 30%) và có hương thơm đặc trưng.
Trung Quốc hiện là cường quốc về chè xanh khi đã công bố hàng ngàn danh trà chất lượng cao gắn với vùng sinh thái, giá trị hàng hóa rất lớn. Nước này cũng có trên 70 giống chè. Còn Nhật Bản SX chè xanh theo công nghệ đặc thù nhằm cung cấp cho DN chế biến thành các dạng nước giải khát, dược thảo...
Riêng Srilanka, Ấn Độ, Kenya là 3 quốc gia chủ yếu SX chè đen nên lựa chọn cơ cấu giống chủ yếu nguồn gốc từ biến chủng Assamica.
Đặc điểm chung của nhóm giống này có kích thước lớn, năng suất cao, nguyên liệu có hàm lượng tanin (trên 30%), chất hòa tan cao (trên 40%) hàm lượng men oxy hóa cao đáp ứng yêu cầu chế biến chè đen theo công nghệ Orthodox và CTC. Các nước này đang chiếm lĩnh thị trường chè đen thế giới và thuộc nhóm nước XK chè đen có giá cao.
Định hướng
Theo thống kê, hiện chè đen chiếm 50 - 60% tổng lượng chè XK của VN, nhưng gần đây xu hướng thị trường đã có sự thay đổi với việc gia tăng các sản phẩm chè xanh. Dự báo, đến năm 2017 tỷ lệ sản phẩm chè xanh XK chiếm trên 50%, vì thế chọn tạo và chuyển giao giống chè cũng cần bắt kịp nhằm đáp ứng yêu cầu đó của thị trường.
“Để tái cơ cấu ngành chè theo hướng bền vững cần tiếp tục trồng các giống chè mới thích hợp nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Nghiên cứu chọn tạo giống chè thích ứng với BĐKH, hàm lượng cafein dưới 3% và giống chè có hoạt chất sinh học cao dùng trong SX đồ uống dưới dạng thảo dược” TS. Đỗ Văn Ngọc. |
Theo TS. Đỗ Văn Ngọc, căn cứ vào hiện trạng, diện tích trồng giống chè mới được chọn lọc, có thể phân chia chè của VN thành một số nhóm giống chính với đặc điểm chủ yếu sau:
Chiếm cơ cấu diện tích lớn nhất hiện nay là nhóm giống LDP2 (trên 2 vạn ha), LDP1 (trên 1,5 vạn ha), PH1 (1 vạn ha), chiếm 40% tổng diện tích chè VN. Trong đó, giống PH1 năng suất 15 - 25 tấn/ha/năm, hàm lượng tanin trên 33%, chất hoàn tan trên 44%; các giống LDP1, LDP2 lai giữa hai giống chè có nguồn là biến chủng Cammelia sinensis Assamica và biến chủng Cammelia sinensis microphylla, năng suất búp 15 - 20 tấn/ha/năm, nguyên liệu có hàm lượng tanin cao trên 30%, chất hoàn tan trên 40%. Ưu điểm của nhóm này năng suất cao, thích ứng khá rộng tại các vùng chè miền Bắc và miền Trung.
Về chất lượng nguyên liệu, theo kết quả nghiên cứu và SX, 3 giống chè trên được đánh giá ở mức khá cho chế biến chè đen, nếu dùng nguyên liệu để chế biến chè xanh chỉ đạt chất lượng trung bình khá.
Các giống chè LDP1, LDP2 tuy năng suất rất cao, nhưng khi chế biến chè đen có tỷ lệ xơ cao, nhẹ cánh nên là hạn chế lớn. Cả 3 giống chè trên không nên dùng để chế biến chè xanh chất lượng cao hay chè Ô Long.
Tiếp theo là nhóm giống năng suất khá, chất lượng cao, có thể chế biến chè xanh cao cấp, chè Ô Long, chè xanh dẹt dạng Long Tỉnh hay chè dạng “mao tiêm” có hương thơm tự nhiên.
Nhóm này gồm các giống Kim Tuyên, Ngọc Thúy, PH10, PH8, PH9, PVT, nguồn gốc chủ yếu thuộc biến chủng Cammelia sinensis microphylla hoặc lai giữa biến chủng Cammelia sinensis microphylla với biến chủng Cammelia sinensis var shan (như PH8, PH9). Nhóm giống trên chiếm khoảng 20% tổng diện tích, năng suất trung bình 8 - 12 tấn/ha/năm.
Nhóm thứ ba là các giống mới, có năng suất rất cao, chất lượng nguyên liệu tốt dùng chế biến chè đen như PH11, PH12, PH14, LD 97 và TB14, song mới chỉ chiếm khoảng 3% diện tích.
"Cần tập trung vào giải pháp tổ chức SX và quản lý chất lượng theo chuỗi giá trị, ứng dụng KHCN phù hợp, tăng năng suất lao động... qua đó nâng thu nhập cho người trồng chè. Khi sức cạnh tranh của chè VN trên thị trường thế giới tăng lên, chè đen hay chè xanh vẫn có thể tiêu thụ được và sẽ có cơ hội thiết lập chuỗi giá trị toàn cầu để phát triển bền vững”, ông Nguyễn Hữu Tài. |
Nhóm này là giống chè bản địa VN, chủ yếu có nguồn gốc từ biến chủng Cammelia sinensis var shan, đặc điểm là kích thước lớn, sinh trưởng mạnh, năng suất cao, nguyên liệu chất lượng khá, thích ứng với vùng núi cao phía Bắc và cao nguyên Lâm Đồng, năng suất 15 - 20 tấn/ha/năm.
Nhóm giống trên chế biến chè xanh, chè xếp thuộc hạng khá và có thể chế biến được cả chè đen. Đặc biệt có hương thơm, vị dịu, chất lượng sản phẩm chè đặc trưng cho vùng núi cao VN như chè Shan Mộc Châu, Suối Giàng, Tủa Chùa, Bảo Lộc…
Về cơ cấu giống chè, theo TS. Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè VN, không dễ SX toàn bộ chè chất lượng cao khi vùng chè không có đủ biên độ so với mực nước biển. Vấn đề là phải có lộ trình để chuyển đổi từng bước, nhất là với nông dân, không thể sớm chặt bỏ chè cũ có năng suất, chất lượng thấp để trồng ngay chè giống mới. Vì thế, cơ cấu sản phẩm chè VN vẫn phải SX cả chè đen và chè xanh.
TS. Nguyễn Hữu Tài chia sẻ, chè đen CTC trong những năm qua tăng nhanh vì công nghệ tối ưu, nhưng vì nguyên liệu chè chủ yếu hái bằng máy mà vườn chè lại chưa được đầu tư theo yêu cầu kỹ thuật (chè quá dài, băm nhỏ, trộn đều) nên sản phẩm chỉ ở mức trung bình và khó cạnh tranh với chè của Kenya. Chè đen OTD phù hợp hơn với điều kiện nguyên liệu của VN vì tách được phần non và phần già riêng biệt và có thể bán được giá cao ở phần non. Vì vậy, các vùng chè lớn ở trung du cần tiếp tục SX chè đen.
"Chè xanh đang có xu hướng tăng nhanh, nhưng không phải vùng nguyên liệu nào cũng có thể chế biến và cơ bản là cần hái bằng tay như các nước SX chè xanh (trừ Nhật Bản có công nghệ trồng, chế biến phù hợp). Các vùng chè miền núi cao cần đẩy mạnh SX chè xanh, các vùng thấp cũng có thể SX khi có đủ điều kiện về giống, thổ nhưỡng và chế độ canh tác. Các vùng chè mang tính đặc sản cần có quy mô hợp lý, có thể SX chè xanh hoặc chè Ô Long", ông Tài nhấn mạnh.
Để làm được điều này, ông Tài cho rằng, cần phải thay đổi nhận thức của người SX về năng suất chè từ sản lượng chè/ha sang giá trị gia tăng/ha và từ sản lượng sản phẩm/nhà máy sang giá trị gia tăng của DN/nhà máy, từ sản lượng và kim ngạch XK sang giá trị sinh lời/tiền vốn của chủ sở hữu.