| Hotline: 0983.970.780

Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng: 'Chặn dòng không chặn kế sinh nhai'

Thứ Tư 23/08/2023 , 15:01 (GMT+7)

Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng hoàn thành các hạng mục xây dựng công trình đầu mối từ lâu, nhưng không thể chặn dòng vì còn 68 hộ dân sinh sống dưới lòng hồ.

68 hộ dân vẫn đang sống dưới lòng hồ 

Sáng 23/8, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra tiến độ triển khai Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng tại huyện Lạc Sơn.

Theo UBND huyện Lạc Sơn, đến hiện tại, trong công tác đầu tư xây dựng các điểm tái định cư, đường tránh ngập, đã hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng điểm tái định cư xóm Đá Mới, tại khu Đồng Xe (có 64 hộ dân tái định cư). Số hộ dân đã chuyển lên 7 điểm tái định cư là 424/492 hộ (còn 68 hộ chưa chuyển lên khu vực tái định cư, trong đó xã Bình Hẻm 60 hộ, Văn Nghĩa 8 hộ).

Đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công các hạng mục tại hồ chứa nước Cánh Tạng tại huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Ảnh: Trung Quân.

Đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công các hạng mục tại hồ chứa nước Cánh Tạng tại huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Ảnh: Trung Quân.

Đối với việc thi công xây dựng 2 tuyến đường tránh ngập (tổng chiều dài gần 17 km, giai đoạn I thi công đào đắp nền đường, cống thoát nước dài hơn 14 km), hiện tại nhà thầu đã thực hiện đào, đắp nền đường, thi công cống thoát nước, đổ bê tông mặt cơ, ước tính giá trị khối lượng thực hiện được khoảng 94%.

Việc thi công bể hút nằm trong phạm vi lòng hồ đã triển khai thi công xong, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Các hạng mục khác như bể chứa, nhà quản lý vận hành, đường ống cấp nước dẫn về đầu điểm tái định cư cũng đã thi công xong.

Về hạng mục phát dọn vệ sinh lòng hồ, nhà thầu đang thi công khu vực lòng hồ các xã Yên Phú, Văn Nghĩa, Bình Hẻm, khối lượng ước đạt 75%, chậm hơn so với tiến độ. Nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc chậm tiến độ là do một số diện tích phát dọn nằm trong khu vực đất vườn, đất nhân dân đang sinh sống chưa di chuyển tái định cư nên chưa thực hiện được công tác phát dọn.

Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tính đến hết tháng 7/2023, huyện Lạc Sơn đã giải ngân hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao theo Quyết định phê duyệt dự án số 1456/QĐ-BNN-XD ngày 26/4/2018 của Bộ NN-PTNT cho hơn 1.800 lượt hộ gia đình, cá nhân. Tổng kinh phí giải ngân phần giải phóng mặt bằng gần 785 tỷ đồng. Tổng diện tích thu hồi hơn 670 ha đất các loại, di chuyển xong hơn 1.200 ngôi mộ.

Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ làm việc với các xã Văn Nghĩa, Bình Hẻm để cam kết trước ngày 30/10 đưa 68 hộ dân còn lại di chuyển về khu vực tái định cư mới, tạo thuận lợi cho việc thực hiện công tác chặn dòng.

Đối với 2 tuyến đường tránh ngập (tuyến Yên Phú-Bình Hẻm thi công từ km6+380-km7+380 và tuyến Văn Nghĩa-Lạc Sỹ thi công từ km8+300-km9+587) rải cấp phối đá dăm, đổ bê tông mặt đường toàn tuyến, thi công cầu bê tông dự ứng lực dự kiến thi công hoàn thành trước 31/12. Riêng đoạn km8+300-km9+587 dài hơn 1,2 km thuộc địa phận huyện Yên Thủy đang giải phóng mặt bằng nên có thể kéo dài thời gian nhưng không làm ảnh hưởng đến tiến độ chặn dòng.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, muốn chặn dòng thành công phải di dời được các hộ dân trong khu vực dự án và chuyển đổi đất rừng. Ảnh: Trung Quân.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, muốn chặn dòng thành công phải di dời được các hộ dân trong khu vực dự án và chuyển đổi đất rừng. Ảnh: Trung Quân.

Về công tác giải ngân, ngày 26/7/2023 Bộ NN-PTNT có thông báo số 4990/BNN-KH thông báo điều chỉnh chi tiết kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 (kéo dài sang năm 2023) và kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 với tổng vốn được giao là 200 tỷ đồng. Do đó, kế hoạch giải ngân từ nay đến 31/12 là 200 tỷ đồng (phần xây dựng + phát dọn lòng hồ khoảng 70 tỷ đồng, phần giải phóng mặt bằng khoảng 130 tỷ đồng). Ngoài ra, nộp tiền quỹ bảo vệ phát triển đất trồng lúa đợt 2 còn lại hơn 17 tỷ đồng sẽ hoàn thiện hồ sơ trước 30/10/2023.

Khó khăn trong chuyển đổi đất rừng

Về trồng rừng thay thế, đối với hạng mục đập đầu mối và lòng hồ, UBND tỉnh Hoà Bình đã có Quyết định số 110/QĐ-UBND ngày 18/1/2018 phê duyệt phương án trồng rừng thay thế với diện tích hơn 259 ha, địa điểm trồng tại xã Yên Phú, Văn Nghĩa. Tuy nhiên, khi rà soát không còn quỹ đất để trồng, do đó đã thay đổi phương án từ tự trồng sang hình thức nộp tiền về quỹ bảo vệ và phát triển rừng (Văn bản số 1140/UBND-KTN ngày 18/7/2023 của UBND tỉnh Hoà Bình).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, hồ chứa nước Cánh Tạng là một trong những công trình lớn của quốc gia, theo kế hoạch thì đến hiện tại đã phải hoàn thành giai đoạn 1 và bắt đầu triển khai giai đoạn 2. Tuy nhiên, dự án triển khai chậm hơn so với tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản liên quan tới vấn đề chuyển đổi nguồn kinh phí của tỉnh cam kết thành kinh phí của trung ương hỗ trợ.

Thứ trưởng cũng cho rằng, quỹ thời gian để hoàn thành dự án chỉ còn 2 năm, nếu các đơn vị không triển khai quyết liệt các nội dung của giai đoạn 2 ngay từ bây giờ thì dự án khó có thể thành công.

Đối với công tác chặn dòng, thời gian chặn dòng chậm 2 năm so với kế hoạch. Do đó, trong thời gian tới, các nội dung đã chuẩn bị cho công tác chặn dòng được triển khai trước đây các đơn vị phải tiến hành rà soát lại. Trong đó, tập trung vào các nội dung quan trọng như hoàn thiện khu tái định cư về mọi mặt để người dân an tâm sinh sống và đưa 68 hộ dân còn lại về khu tái định cư.

"Chặn dòng nhưng không được chặn đường đi lại, kế sinh nhai của người dân, đây là yêu cầu bắt buộc. Do đó, UBND huyện Lạc Sơn cần triển khai quyết liệt và hoàn thành sớm nội dung này”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Ban quản lý dự án phải xây dựng kế hoạch đến ngày 30/6/2026 phải hoàn thành việc xây dựng các tuyến kênh, để có thể đưa công trình vào sử dụng. Ảnh: Trung Quân.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Ban quản lý dự án phải xây dựng kế hoạch đến ngày 30/6/2026 phải hoàn thành việc xây dựng các tuyến kênh, để có thể đưa công trình vào sử dụng. Ảnh: Trung Quân.

Thứ trưởng cũng lưu ý một nội dung quan trọng khác để có thể chặn dòng thành công là hoàn thiện thủ tục chuyển đổi rừng. Bởi lẽ, không chuyển đổi được rừng thì không thể chuyển đổi được đất rừng, lúc này công tác chặn dòng không thể thực hiện được.

Tuy nhiên, theo báo cáo thì huyện Lạc Sơn đang không còn quỹ đất để trồng rừng thay thế, muốn trồng được phải triển khai trồng ở các huyện khác. Một vấn đề đặt ra là nếu các huyện khác trên địa bàn tỉnh cũng không triển khai được thì Sở NN-PTNT Hòa Bình nên nghiên cứu đến phương án lấy định mức cao nhất của trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh phê duyệt để huyện Lạc Sơn nộp vào quỹ trồng rừng của tỉnh. Từ đó, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi đất rừng, không làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2, Ban quản lý dự án phải xây dựng kế hoạch đến ngày 30/6/2026 phải hoàn thành việc xây dựng các tuyến kênh, để có thể đưa công trình vào sử dụng.

Tại buổi làm việc, ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình giao UBND huyện Lạc Sơn khẩn trương rà soát kỹ khối lượng công việc đã thực hiện và xây dựng chi tiết kế hoạch các nội dung sẽ triển khai trong năm 2023 và thời gian tiếp theo, đảm bảo dự án được thực hiện theo đúng các mốc thời gian đã đề ra. Trong đó, phải thực hiện cho được cam kết trước ngày 30/10 hoàn thành việc di dời 68 hộ dân còn lại về khu tái định cư và phát dọn lòng hồ. Giao Sở NN-PTNT chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các huyện và chủ đầu tư nhanh chóng triển khai nội dung trồng rừng thay thế, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chặn dòng.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.