Tháo gỡ khó khăn dự án hồ chứa nước Cánh Tạng. Xây dựng 166.800ha vùng nguyên liệu đạt chuẩn vào năm 2023. Xuất khẩu rau quả đầu năm sụt giảm 10%. Quảng Ngãi đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản 25 triệu USD.
THÁO GỠ KHÓ KHĂN DỰ ÁN HỒ CHỨA NƯỚC CÁNH TẠNG
Ngày 29/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp có buổi làm việc với tỉnh Hoà Bình để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư dự án hồ chứa nước Cánh Tạng.Theo UBND huyện Lạc Sơn, tổng mức đầu tư để hoàn thành phợp phần bồi thường, tái định cư của dự án là 1.533 tỷ đồng (tăng 474 tỷ đồng so với phương án phê duyệt ban đầu). Nguyên nhân là do chi phí trồng rừng, chi phí xây dựng tăng. Cùng với đó, các mốc ngập đường viền lòng hồ chưa thể hiện hết diện tích ngập lụt và tài sản bị ảnh hưởng. Vì vậy phải rà soát đo đạc bổ sung, tăng khối lượng giải phóng mặt bằng và tăng tiền giải phóng mặt bằng .V.V....Thứ trưởng cho biết, dự án hồ chứa nước Cánh Tạng đối với hợp phần xây dựng công trình đầu mối do Bộ NN-PTNT trực tiếp chỉ đạo Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Thuỷ lợi 1 làm chủ đầu tư cơ bản đã thực hiện xong, nhưng hồ Cánh Tạng không thể chặn dòng để tích nước. Nguyên nhân là nhiều hộ dân trong diện bị ảnh hưởng vẫn chưa thể di chuyển về khu tái định cư, khiến dự án chậm tiến độ ít nhất 1 năm so với kế hoạch. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị UBND tỉnh Hoà Bình rà soát kỹ nguồn vốn còn thiếu để hoàn thành hợp phần dự án, đồng thời báo cáo phương án tháo gỡ khó khăn để Thủ tướng xem xét, quyết định.
XÂY DỰNG 166.800HA VÙNG NGUYÊN LIỆU ĐẠT CHUẨN VÀO NĂM 2023
Ngày 29/3, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 và Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.Đề án được thực hiện theo 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 2022-2023, sẽ hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích khoảng 166.800 ha. Giai đoạn 2024-2025, Đề án mở rộng xây dựng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu (logistic) hỗ trợ HTX.Với mục tiêu tổng quát, Đề án sẽ được triển khai thực hiện tại các tỉnh thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn và phát triển nhân rộng ra các tỉnh, thành khác.
XUẤT KHẨU RAU QUẢ ĐẦU NĂM GIẢM 10%
Tổng cục Hải quan cho biết, hết tháng 2, riêng xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 261 triệu USD, dù giảm tới 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chiếm trên 51% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước trong cùng thời điểm.Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát dịch gây khó khăn. Điển hình như tạm dừng thông quan tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) từ ngày 17/2; cửa khẩu TP Móng Cái (Quảng Ninh) từ 24/2 đến nay. Việc sụt giảm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường chủ đạo kéo theo tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả từ đầu năm đến 15/3 chỉ đạt 667 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương giảm gần 80 triệu USD.
QUẢNG NGÃI ĐẶT MỤC TIÊU XUẤT KHẨU THỦY SẢN 25 TRIỆU USD
Trong chương trình phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành. Tổng sản lượng thủy sản ở Quảng Ngãi đến năm 2030 đạt 275.000 tấn/năm. Theo đó, sản lượng khai thác thủy sản khoảng 260.000 tấn. Số lượng tàu thuyền giảm còn dưới 4.500 chiếc. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.000ha nuôi nước lợ, ngọt và 200.000m3 lồng nuôi mặn trên biển. Đối với chế biến thủy sản, đưa tổng công suất nhà máy chế biến đến năm 2030 đạt 30.000 tấn; xuất khẩu thủy sản đạt 25 triệu USD; xây dựng hình thành 1 - 2 chuỗi liên kết sản xuất khai thác, nuôi trồng - chế biến - tiêu thụ sản phẩm thủy sản.Quảng Ngãi có nhiều lợi thế và giàu tiềm năng để phát triển thủy sản, đặc biệt là phát triển kinh tế biển. Trong chương trình phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh nhìn nhận, đánh giá và đưa ra giải pháp để phát triển kinh tế biển đồng bộ cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản; phấn đấu trở thành địa phương mạnh về kinh tế biển, làm giàu từ biển.