| Hotline: 0983.970.780

Du khách thích thú gặt cói, đan chiếu ở làng nghề hơn 100 năm

Thứ Tư 21/08/2024 , 09:58 (GMT+7)

Du khách đến làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân 1, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên sẽ trải nghiệm hoạt động làng nghề nơi đây đầy thú vị.

Làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân 1 đã tồn tại hơn 100 năm. Ảnh: KS.

Làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân 1 đã tồn tại hơn 100 năm. Ảnh: KS.

Được người bạn gợi ý đi du lịch tại tỉnh Phú Yên, mới đây, gia đình chị Nguyễn Ý Nhi, du khách từ TP HCM đã đến thôn Phú Tân 1, xã An Cư để tham quan, trải nghiệm môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa - xã hội tại làng nghề dệt chiếu cói đã tồn tại trên 100 năm.

Sau khi đến đây, chị Nhi cho biết, rất hài lòng với trải nghiệm khá thú vị này, khi chứng kiến sự kiên trì, khéo léo của người dân để làm ra một chiếc chiếu hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn, từ gặt cói, nhuộm cói, phơi cói cho đến dệt. Các con của chị cũng đã tập luyện để tự làm ra những sản phẩm đeo tay từ sợi cói. 

Hiện nay tại Hợp tác xã Sản xuất - Dịch vụ - Du lịch chiếu cói An Cư đã mở tour trải nghiệm cho du khách với giá từ 350.000-600.000 đồng/người.

Theo ông Nguyễn Anh Quân, Giám đốc HTX Sản xuất - Dịch vụ - Du lịch chiếu cói An Cư, khi du khách đến làng nghề dệt chiếu cói sẽ được trải nghiệm ngồi trên xuồng hay xe công nông để khám phá cánh đồng cói, thu hoạch cói và tự tay kết các bó cói thành bè để kéo về trên lạch nước. Sau đó, khu khách cùng tham quan các công đoạn chẻ cói, dệt chiếu và tập đan các sản phẩm mỹ nghệ từ sợi cói để tạo ra sản phẩm kỷ niệm cho riêng mình.

Hợp tác xã Sản xuất - Dịch vụ - Du lịch chiếu cói An Cư đã mở tour trải nghiệm. Ảnh: NH.

Hợp tác xã Sản xuất - Dịch vụ - Du lịch chiếu cói An Cư đã mở tour trải nghiệm. Ảnh: NH.

Theo UBND huyện Tuy An, nghề dệt chiếu cói ở thôn Phú Tân 1 được UBND tỉnh công nhận là làng nghề vào năm 2013. Đây là làng nghề truyền thống có có tuổi đời hơn trăm năm, song vẫn giữ nét độc đáo, say mê nghề của nhiều thế hệ gắn bó. Hiện làng nghề có 219 hộ với diện tích hơn 25ha trồng cói và gần 600 lao động trực tiếp tham gia dệt chiếu. Hiện nay, sản phẩm chiếu cói của làng nghề có mẫu mã đẹp, chất lượng, đã khẳng định được thương hiệu trong lòng khách hàng tại khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Bà Phan Thị Sáu, một người có thâm niên làm chiếu ở thôn Phú Tân 1 cho biết, tuy nghề trồng cói, dệt chiếu truyền thống trải qua bao thăng trầm, bao biến động, song vẫn luôn trong tiềm thức của mỗi người dân trong làng. Như bản thân bà từ thời con gái đã biết dệt chiếu cói thành thạo. Hằng ngày, gia đình bà vẫn cố gắng duy trì nghề này để lại hồn cốt của quê hương, để có thêm thu nhập…

Du khách tham quan cánh đồng cói. Ảnh: KS.

Du khách tham quan cánh đồng cói. Ảnh: KS.

Hiện nay, ngoài những sản phẩm chiếu được dệt thủ công, một số hộ gia đình đã đầu tư máy móc để dệt chiếu đỡ nhọc nhằn hơn. Tại thôn Phú Tân 1 hiện có 5 hộ đầu tư 54 máy dệt chiếu, mỗi máy có thể làm ra từ 15 - 20 sản phẩm/ngày. Tuy nhiên dù dệt bằng phương pháp nào đi nữa chiếu cói Phú Tân vẫn tạo nên từ những công đoạn khá công phu.

Ông Nguyễn Ngọc Vương, Phó Chủ tịch UBND xã An Cư cho biết, để bảo tồn, khôi phục và phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, chính quyền đã vận động thành lập được Hợp tác Sản xuất - Dịch vụ - Du lịch chiếu cói An Cư. Cùng với đó, kết nối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Việt Bech đưa khách du lịch về trải nghiệm hoạt động làng nghề chiếu cói.

Du khách tập đan các sản phẩm mỹ nghệ từ sợi cói. Ảnh: NH.

Du khách tập đan các sản phẩm mỹ nghệ từ sợi cói. Ảnh: NH.

“Sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển thành sản phẩm OCOP du lịch trải nghiệm làng nghề chiếu cói”, ông Vương chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, UBND huyện đã ban hành đề án bảo tồn và phát triển làng nghề dệt chiếu cói gắn với du lịch xã An Cư giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, huyện đã bố trí 2,8 tỉ đồng để hỗ trợ cho hộ sản xuất phát triển và mở rộng vùng trồng nguyên liệu lên 50ha. Đồng thời tăng cường thiết bị mở rộng quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị đối với cây cói và sản phẩm từ cói. Cũng như xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu, trao đổi, mua bán các sản phẩm làng nghề chiếu cói gắn với điểm du lịch tại danh thắng cấp quốc gia đầm Ô Loan.

Xem thêm
Ấn Độ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu cao su, cơ hội cho Việt Nam

Hiện ngành công nghiệp ô tô, sản xuất thiết bị y tế của Ấn Độ đang ghi nhận tăng trưởng tích cực, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên tăng.

Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Người dân có thể đến siêu thị Co.opmart tránh lũ tạm thời

Trong hoàn cảnh bão lũ, siêu thị Co.opmart tại Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Phòng đã linh động dành sảnh siêu thị để người dân có thể đến sạc điện thoại, uống nước miễn phí.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.