| Hotline: 0983.970.780

'Nhà cửa ruộng vườn còn gì nữa đâu mà quay với chụp'

Chủ Nhật 08/09/2024 , 20:35 (GMT+7)

HƯNG YÊN Dù đã chủ động chằng chống bằng mọi cách, nhưng gió bão Yagi như những nhát dao sắc lẹm, phạt bay những vườn cây ăn quả, hoa màu của người dân Hưng Yên.

Vườn chuối của người dân Hưng Yên đổ rạp sau bão số 3. Ảnh: Phạm Hiếu.

Vườn chuối của người dân Hưng Yên đổ rạp sau bão số 3. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Nhà cửa ruộng vườn còn gì nữa đâu mà quay với chụp!”, ông Tú (52 tuổi, người dân xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) thốt lên chua chát khi biết phóng viên tới ghi nhận những thiệt hại của người dân địa phương do bão số 3.

Quả đúng như lời ông Tú nói, “không còn gì” chính xác là từ có thể dùng để miêu tả vườn chuối của ông sau bão. Được cảnh báo và biết cơn bão này rất mạnh nên ông Tú đã cẩn thận chằng chống 2 cây sào cho mỗi cây chuối một cách chắc chắn nhất có thể. Thế nhưng những cơn cuồng phong như những chiếc máy chém sắc lẹm đã quật đổ toàn bộ khu vườn 2 sào với khoảng 200 - 230 gốc chuối của ông.

Ông Tú chia sẻ về những thiệt hại do bão số 3. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Tú chia sẻ về những thiệt hại do bão số 3. Ảnh: Phạm Hiếu.

Những nải chuối vẫn còn xanh non nằm lăn ra đất, những thân chuối đổ gục xuống kênh mương, từ những vết đổ gãy chảy ra dòng nhựa tựa như giọt nước mắt xót xa của nông dân. Không rơi nước mắt sao được khi ông Tú đã dành hết tâm huyết, thời gian, công sức để chăm sóc cho từng cây, từng quả trong vườn. Còn vài tháng nữa thôi, ông sẽ thu về “quả ngọt” khi đưa những buồng chuối đẹp mắt đi tiêu thụ thị trường Tết ở những tỉnh lân cận với mức giá dự kiến 200.000 - 250.000 đồng/buồng.

Giờ đây, nhìn nguồn thu nhập chính trong dịp Tết của gia đình bị vùi dập, ông Tú chỉ còn biết lắc đầu chán nản: “20 năm làm nông, hơn 50 năm sống trên đời, tôi chưa bao giờ chứng kiến cơn bão nào mạnh và kinh khủng như này”.

Rau màu tại Hưng Yên bị thiệt hại nặng nề sau bão. Ảnh: Phạm Hiếu.

Rau màu tại Hưng Yên bị thiệt hại nặng nề sau bão. Ảnh: Phạm Hiếu.

Không chỉ mất trắng vườn chuối, bão Yagi cũng đã phá nát rau màu, làm hư hỏng chuồng trại chăn nuôi và bật gốc hầu hết các cây cam canh trong vườn nhà ông Tú.

“Chiều 7/9, tôi đang đi có công việc, nghe hàng xóm gọi điện nói là gió thổi tốc mái nhà rồi tôi còn không tin. Thế nhưng khi về thì thấy đúng là mái nhà đã bị gió thổi tốc sang vườn. Vườn rau, vườn chuối coi như hỏng hẳn, còn mấy cây cam canh bị bật gốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quả. Năm nay coi như mất hết…”, ông Tú thở dài thườn thượt khi nhìn ra khu vườn tan hoang của gia đình.

Tương tự ông Tú, hiện đang trồng khoảng 1 mẫu cây bưởi Diễn tại xã Dân Tiến (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), bà Thi rất kì vọng vào vụ bưởi này: “Năm nay tuy nhãn không có quả nhưng bưởi Diễn lại phát triển tốt, quả đẹp. Những quả như thế sẽ được nhiều người ưa chuộng và mua về thắp hương hoặc mua đi biếu vào dịp Tết Nguyên đán”.

Nhiều vườn cây ăn quả tại Hưng Yên bị ngập nước. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhiều vườn cây ăn quả tại Hưng Yên bị ngập nước. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thế nhưng sau trận mưa bão vừa qua, kì vọng của bà Thi đều “đổ sông đổ bể” khi vườn bưởi bị thiệt hại nặng nề, quả rụng gần hết, gốc cây chìm sâu trong nước. “Theo kinh nghiệm của tôi, với mức ngập nặng như này sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tiêu úng hết được”, bà Thi buồn bã.

Tính đến 6h30 ngày 8/9, tại Hưng Yên, gần 14.700ha cây trồng, hơn 1.800ha cây ăn quả, gần 500ha cây rau màu, gần 340ha cây trồng khác đã bị thiệt hại do bão số 3. Ước tính thiệt hại về lúa và hoa màu khoảng 40 tỷ đồng.

Xem thêm
Nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Ninh Thuận Mô hình nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế tăng trên 10% so với chăn nuôi đại trà.

Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...