Nguồn cung cà phê cho châu Âu chủ yếu phụ thuộc vào hàng triệu nông dân canh tác nhỏ lẻ trên thế giới. Điều đó đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo mọi lô hàng đều tuân thủ Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR).
Theo Bloomberg, các thương nhân đang chạy đua để nhập khẩu cà phê vào châu Âu với số lượng nhiều nhất có thể trước khi EUDR có hiệu lực vào ngày 30/12/2024. Ngay sau năm 2024, khối lượng cà phê nhập khẩu vào châu Âu sẽ ít hơn do các nước xuất khẩu cà phê phải tuân thủ quy định về truy xuất nguồn gốc. Điều này có thể đẩy giá cà phê toàn cầu lên cao.
Trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu cà phê từ Brazil sang EU tăng khoảng 65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Uganda đang trở thành nhà cung cấp cà phê Robusta quan trọng đối với châu Âu sau khi nguồn cung của Việt Nam, nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới, giảm mạnh do thời tiết khô hạn. Uganda chứng kiến xuất khẩu cà phê đạt mức cao nhất từ trước đến nay, với phần lớn cà phê được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Cameroon cũng gấp rút đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, với khoảng 80% sản lượng các sản phẩm ca cao và cà phê đáp ứng EUDR, theo Reuters. Bộ dữ liệu gồm các trang trại ca cao đã được nhà điều hành tham chiếu địa lý, xác minh vùng trồng không gây phá rừng hoặc thoái hóa đất rừng sau ngày 31/12/2020.
Theo ông Ricardo Dos Santos, Giám đốc cấp cao của nhà cung cấp cà phê Riccoffee (Anh), các nhà rang xay ở châu Âu đang sốt sắng mua tích trữ cà phê để đề phòng sự thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra trong quý đầu tiên của năm 2025.
Giám đốc của Hiệp hội cà phê Đức Holger Preibisch cho biết, các thương nhân đang cố gắng vận chuyển cà phê đến châu Âu ở mức nhiều nhất có thể trước khi EUDR có hiệu lực. Thương nhân lo ngại tình hình trong tương lai không chắc chắn vì Ủy ban châu Âu (EC) vẫn chưa công bố tất cả các chi tiết để thực hiện EUDR.