Tối 11/9, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì buổi làm việc với các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn để thảo luận, thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng đang vay vốn bị ảnh hưởng sau cơn bão số 3.
Theo thống kê sơ bộ đến hết ngày 10/9 của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, có tổng số trên 11.000 khách hàng, với tổng dư nợ 10.654 tỷ đồng đã bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3. Trong đó có nhiều khách hàng đang tham gia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Để kịp thời ổn định hoạt động ngân hàng, đồng thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
Tại buổi làm việc, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chia sẻ khó khăn, mất mát đối với tỉnh Quảng Ninh; có những chính sách hỗ trợ phù hợp đối với khách hàng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi bão số 3; thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng, thiệt hại do cơn bão số 3.
Cùng với đó, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại; nghiên cứu việc tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành; thực hiện xử lý nợ, xử lý rủi ro theo các quy định hiện hành đối với khách hàng thiệt hại nặng, mất khả năng chi trả…
Chủ tịch Quảng Ninh khẳng định, tỉnh sẽ có chính sách riêng, bao trùm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão, tập trung vào các lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải sản; nông, lâm nghiệp; các hộ kinh doanh dịch vụ, du lịch thương mại; các hộ liên quan đến sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đảm bảo các quy định hiện hành.
"Trong quá trình thực hiện, có vướng mắc, khó khăn cần báo cáo UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo trên tinh thần, trách nhiệm vì nhân dân, vì sự phát triển của doanh nghiệp", ông Huy nhấn mạnh.
Chỉ đạo này của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh rất cần thiết, đây là nỗi lo, mong mỏi của rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân đang vay nợ ngân hàng để sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt.
Trao đổi với phóng viên, nhiều hộ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long bị "mất trắng" sau bão số 3, cho biết mặc dù thiệt hại nặng nề nhưng vẫn phải tiếp tục bám biển, từng bước khôi phục lại hoạt động nuôi trồng, đánh bắt.
Tuy nhiên, do quá trình đầu tư nuôi biển, đánh bắt thủy hải sản phải vay mượn ngân hàng, giờ tài sản bị thất thoát, hư hỏng, rất cần ngân hàng có chính sách miễn hoặc giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới để nhân dân mạnh dạn tái đầu tư, tái thiết cuộc sống.