| Hotline: 0983.970.780

Dự kiến Thủ tướng chủ trì họp ứng phó cơn bão Côn Sơn

Thứ Tư 08/09/2021 , 12:21 (GMT+7)

Nếu cơn bão Côn Sơn vẫn giữ cường độ và hướng di chuyển như dự báo, Thủ tướng có thể chủ trì cuộc họp để ứng phó với cơn bão này vào ngày 10/9.

Cuộc họp ứng phó với cơn bão Conson được tổ chức trực tuyến sáng 8/9. Ảnh: Ngọc Hà.

Cuộc họp ứng phó với cơn bão Conson được tổ chức trực tuyến sáng 8/9. Ảnh: Ngọc Hà.

Bão Côn Sơn có thể đổ bộ vào đất liền ngày 12/9

Sáng 8/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến với các bộ, ngành và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị để ứng phó với cơn bão Côn Sơn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão Côn Sơn có thể đổ bộ vào đất liền nước ta khoảng đêm Chủ nhật (12/9) đến rạng sáng thứ hai (13/9) với cường độ cấp 10-11, giật cấp 13, kèm theo mưa lớn trên diện rộng.

Tại Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ đang vào vụ thu hoạch lúa mùa sớm, mưa lớn những ngày qua tại một số đô thị đã gây ngập úng. 

Ở miền núi, mực nước các hồ chứa ở mức độ thấp nhưng mưa trong 1 tuần qua có những nơi trên 200mm nên nước đang trong tình trạng bão hòa, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất hiện hữu.

Nếu xảy ra mưa 150 - 200mm có thể nhiều nơi sẽ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Một số hồ chứa, hồ thủy lợi, thủy điện nhỏ có thể phải xả lũ. Để đảm bảo an toàn cho hệ thống vận hành xả lũ các hồ chứa và nguy cơ lũ trên một số hệ thống sông Bằng Long, sông Mã, sông Cả và một số sông ở miền Trung.

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết Ban Chỉ đạo họp sẽ để nghe sơ bộ diễn biến cũng như nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia và công tác chuẩn bị để có kịch bản thống nhất phương án ứng phó.

"Nếu bão vẫn giữ cường độ và hướng di chuyển như dự báo, Thủ tướng có thể họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai với lãnh đạo ban chỉ huy các bộ, ngành và địa phương để ứng phó với cơn bão này vào thứ Sáu ngày 10/9", ông Trần Quang Hoài thông tin.

Hai kịch bản di chuyển của bão Côn Sơn

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bên cạnh cơn bão Côn Sơn, ngoài khơi Philippines còn một cơn bão khác tên Chanthu vừa hình thành và duy trì cường độ mạnh, những ngày tới có thể đạt cấp siêu bão. Do chịu tương tác với cơn bão này và tác động của áp cao cận nhiệt đới, hướng đi và cường độ của bão Côn Sơn có thể thay đổi.

Các mô hình dự báo của cơ quan khí tượng quốc tế và Việt Nam cho cơn bão Côn Sơn còn có sự phân tán. Hiện có 2 kịch bản di chuyển của con bão Côn Sơn, có thể bão sẽ đi lệch xuống khu vực Bắc Trung Bộ, nhưng cũng có mô hình nhận định bão suy yếu dần sau khi đi vượt qua quần đảo Hoàng Sa và tiến vào đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Dự báo hướng đi của bão Côn Sơn sắp vào Biển Đông. Ảnh: VNDMS.

Dự báo hướng đi của bão Côn Sơn sắp vào Biển Đông. Ảnh: VNDMS.

Cân nhắc các mô hình dự báo, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra nhận định ban đầu là bão đi theo hướng tây bắc với vận tốc 20 km/h, hướng về vịnh Bắc Bộ. Bão sẽ đạt cường độ mạnh nhất cấp 11 khi đi qua quần đảo Hoàng Sa và khi tiến gần về đảo Hải Nam thì suy yếu dần.

Với hướng di chuyển và cường độ này, cơ quan khí tượng cảnh báo bão gây gió mạnh trên toàn bộ khu vực Biển Đông trong các ngày 9 đến 11/9. Trong đó, vùng biển ở khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11 vào ngày 10/9. Sóng biển cao 3-5 m.

Về tác động trên đất liền, ông Mai Văn Khiêm cho biết do bão còn ở xa và hướng di chuyển sau khi vào Biển Đông còn thay đổi, nên cơ quan khí tượng chưa thể đưa ra nhận định cụ thể về lượng mưa do bão gây ra.

Tuy nhiên, dự báo ban đầu cho thấy bão có thể gây ảnh hưởng trực tiếp cho các khu vực từ Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ. Nếu theo kịch bản di chuyển và cường độ bão như hiện tại, bão có thể đi vào vịnh Bắc Bộ và gây ra đợt mưa 200-300 mm cho các tỉnh Bắc Trung Bộ và phía nam Đồng bằng Bắc Bộ.

"Do phân bố mưa phụ thuộc rất lớn vào hướng đi và cường độ của bão, chúng tôi sẽ có nhận định cụ thể về lượng mưa trên đất liền sau khi bão đi vào Biển Đông và không còn sự tương tác với các hình thái khác", Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết.

Ngoài ra, trước khi chịu ảnh hưởng do bão, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục mưa dông trong những ngày tới. Đêm nay (8/9), mưa lớn tập trung ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Sơn La, Hòa Bình, lượng 70-120 mm cả đợt, có nơi trên 150 mm.

Tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, mưa lớn tiếp diễn với lượng 150-250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm. Mưa kéo dài đến hết ngày 9/9 với nhiều nguy cơ lũ quét, sạt lở ở các tỉnh miền núi.

"Hiện nay chúng ta đang ứng phó với dịch Covid-19. Khi ứng phó với bão, các khu vực vùng ảnh hưởng của bão và khu vực tàu thuyền vào neo đậu phải có phương án đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ. Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể về phương án sơ tán dân ứng với nguy cơ dịch bệnh tại từng khu vực. Cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai sẽ có công văn gửi cho lãnh đạo Bộ Y tế để phối hợp trong việc đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện việc này", ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.