| Hotline: 0983.970.780

Du lịch giữa TP.HCM và ĐBSCL: Doanh nghiệp vẫn 'tự bơi'

Thứ Tư 17/04/2024 , 18:08 (GMT+7)

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP.HCM cần hoàn thiện các chuỗi liên kết, đổi mới sản phẩm để phát triển ngành du lịch bền vững.

Diễn đàn liên kết phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần thứ 3 năm 2024 vừa diễn ra tại Bến Tre sáng 17/4. Ảnh: Minh Đảm.

Diễn đàn liên kết phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần thứ 3 năm 2024 vừa diễn ra tại Bến Tre sáng 17/4. Ảnh: Minh Đảm.

Sáng 17/4, tại thành phố Bến Tre diễn ra diễn đàn liên kết phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần thứ 3 năm 2024 với chủ đề “Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến phát triển du lịch xanh và bền vững”.

Diễn đàn có 4 chương trình chính: Famtrip giới thiệu sản phẩm du lịch xứ Dừa; Không gian trưng bày chuyển đổi số du lịch và sản phẩm OCOP của doanh nghiệp lữ hành các tỉnh, thành và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch tại Bến Tre; Tọa đàm chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo du lịch - Kết nối liên vùng” và ký kết hợp tác chiến lược phát triển du lịch giữa tỉnh Bến Tre và Saigontourist Group.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã nêu ra thực trạng, sự cần thiết và kiến nghị về sự liên kết phát triển du lịch vùng giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Theo các đại biểu, thời gian qua, mối liên kết này có lúc, có nơi, chưa thật sự chặt chẽ, phần lớn là để các doanh nghiệp du lịch “tự bơi”, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước tại một số địa phương còn mờ nhạt, chưa có cơ chế, chính sách thúc đẩy sự liên kết vùng phát triển.

Do đó, các đại biểu cũng đề cập ý kiến, muốn duy trì và phát triển ngành du lịch phải duy trì chuỗi liên kết kèm theo với những cơ chế chính sách, đổi mới các sản phẩm du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường.

Chuyên gia nêu ý kiến để phát triển du lịch bền vững tại diễn đàn. Ảnh: Minh Đảm.

Chuyên gia nêu ý kiến để phát triển du lịch bền vững tại diễn đàn. Ảnh: Minh Đảm.

Các đại biểu cũng cho rằng, vùng ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái nhưng cần có tính bền vững, tránh trùng lặp các sản phẩm giữa các địa phương. Năm qua, nhiều địa phương đã thút hút lượng lớn du khách xa gần, trong đó có nhiều người đến từ TP.HCM. Cụ thể, An Giang đón 8,5 triệu lượt du khách. Cần Thơ gần 6 triệu lượt du khách. Bến Tre hơn 2,2 triệu lượt du khách. Cà Mau hơn 2 triệu lượt du khách.

Năm nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM tiếp tục triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Các nội dung liên kết gồm: Hợp tác trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch…

ĐBSCL cần đổi mới sản phẩm du lịch, gắn với hoàn thiện các cơ chế chính sách cho ngành này. Ảnh: Minh Đảm.

ĐBSCL cần đổi mới sản phẩm du lịch, gắn với hoàn thiện các cơ chế chính sách cho ngành này. Ảnh: Minh Đảm.

Diễn đàn liên kết phát triển du lịch vùng TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, luân phiên tại các địa phương trong vùng liên kết. Đây là cơ hội để các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia cùng các cơ quan quản lý Nhà nước gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ và cùng đặt ra mục tiêu cho thời gian tới.

Qua đó, tăng cường hơn nữa mối liên kết, hợp tác phát triển du lịch và tiến tới đồng thuận đưa ra những giải pháp, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực về liên kết vùng phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL.

Ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Du lịch C2T Bến Tre, một doanh nghiệp du lịch lữ hành tiêu biểu của vùng ĐBSCL về phát triển du lịch xanh - bền vững chia sẻ:

“Trong thời điểm này, thách thức lớn nhất là sự biến đổi khí hậu, hạn mặn. Sự thay đổi sản phẩm du lịch phải thích ứng biến đổi khí hậu. Các hoạt động trải nghiệm không chỉ dừng lại về văn hóa ẩm thực bản địa mà phải tính toán đến vấn đề môi trường. Câu chuyện về rác thải, biến đổi khí hậu là vấn đề đang nóng trong thời điểm hiện nay”.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.