| Hotline: 0983.970.780

Bến Tre ưu tiên chuyển đổi số nông nghiệp và du lịch

Thứ Sáu 17/11/2023 , 11:11 (GMT+7)

Năm 2023, Bến Tre ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số trên 2 lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn và văn hóa - thể thao - du lịch.

Bưởi da xanh Bến Tre được dán tem truy xuất nguồn gốc khi bán tại siêu thị. Ảnh: Minh Đảm.

Bưởi da xanh Bến Tre được dán tem truy xuất nguồn gốc khi bán tại siêu thị. Ảnh: Minh Đảm.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Minh Cảnh chủ trì cuộc họp với Sở NN-PTNT và các đơn vị liên quan nghe báo cáo tiến độ triển khai thử nghiệm hệ thống nền tảng dữ liệu số ngành NN-PTNT.

Chuyển đổi số nông nghiệp còn lúng túng

Chuyển đổi số ngành NN-PTNT có vai trò quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, góp phần chuyển đổi hệ thống nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển theo hướng bền vững. Chuyển đổi số trong nông nghiệp còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giúp các nhà sản xuất, kinh doanh hiểu rõ nhu cầu thị trường, thúc đẩy nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình chung trong cả nước, việc triển khai chuyển đổi số của ngành NN-PTNT vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhận thức, thể chế chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, ứng dụng số chưa hoàn chỉnh, thiếu toàn diện. Chưa xây dựng được kiến trúc dữ liệu ngành nông nghiệp (chưa đồng bộ dữ liệu số). Hạ tầng thiết bị cũ, thiếu đồng bộ, phân tán. Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, vùng nuôi, chuỗi ngành hàng. Phần mềm chỉ đạo, điều hành chưa có liên kết, chia sẻ dữ liệu gắn với phân tích và dự báo. Nguồn lực đầu tư phân tán...

Theo Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành NN-PTNT tỉnh Bến Tre, năm 2023, Bến Tre được giao nhiệm vụ tiên phong trong việc tổ chức triển khai, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc. Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Bến Tre ban hành kế hoạch triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Trạm quan trắc thủy văn hiện đại trên sông Cổ Chiên do dự án của Ngân hàng Thế giới tài trợ tại các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm.

Trạm quan trắc thủy văn hiện đại trên sông Cổ Chiên do dự án của Ngân hàng Thế giới tài trợ tại các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm.

Đối với phát triển nền tảng truy xuất nguồn gốc, Sở NN-PTNT triển khai xây dựng phần mềm quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, cơ bản đã hoàn thành; đơn vị đang rà soát, hiệu chỉnh và đưa vào vận hành.

Đối với nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, Sở NN-PTNT đã chủ động, tích cực phối hợp với VNPT Bến Tre xây dựng thử nghiệm hệ thống cơ sở dữ liệu ngành NN-PTNT với mục tiêu hình thành một hệ thống quản lý thông tin dùng chung, toàn diện; từng bước hình thành cơ sở dữ liệu chung cho ngành.

Đến nay, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành NN-PTNT đã cơ bản hoàn thành khung cấu trúc các phân hệ gồm: Phân hệ hệ thống dùng chung; phân hệ trồng trọt và bảo vệ thực vật; phân hệ quản lý lâm nghiệp; phân hệ phát triển nông thôn; phân hệ khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp; phân hệ quản lý thủy lợi và phân hệ bản đồ số nông nghiệp.

“Sau khi hệ thống cơ sở dữ liệu ngành NN-PTNT đưa vào vận hành thử nghiệm, Sở NN-PTNT tiếp tục phối hợp VNPT xây dựng thêm các bảng thống kê số liệu (dashboard) để phục vụ chỉ đạo điều hành của ngành; tiếp tục đầu tư các thiết bị IoT, các thiết bị quan trắc, viễn thám… tích hợp vào hệ thống, đồng thời kết hợp công nghệ AI để phân tích, dự đoán dữ liệu như dự đoán độ mặn, mật độ sâu rầy, dự đoán mực nước, cảnh báo phá rừng… Trên cơ sở đó, hỗ trợ lãnh đạo Sở NN-PTNT và lãnh đạo tỉnh trong việc nắm dữ liệu và ra quyết định”, ông Nguyễn Võ Nhất Duy, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết.

Dữ liệu số ngành nông nghiệp sẽ giúp Bến Tre đưa ra những chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả trong sản xuất. Ảnh: Minh Đãm.

Dữ liệu số ngành nông nghiệp sẽ giúp Bến Tre đưa ra những chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả trong sản xuất. Ảnh: Minh Đãm.

Tuy nhiên, để vận hành và đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành theo đúng trình tự quy định pháp luật, ngành NN-PTNT còn gặp một số khó khăn như: Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành NN-PTNT chưa có sẵn trên thị trường, cả nước vẫn chưa có địa phương nào triển khai thực hiện; chưa có quy định về định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng.

Việc thuê phần mềm phải qua đấu thầu và thuê trong thời hạn nhất định, đơn vị trúng thầu có thể là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân. Trường hợp hết hợp đồng mà đơn vị đang cho thuê không trúng thầu ở lần sau thì việc chuyển giao cơ sở dữ liệu của ngành sẽ có rủi ro, ngoài phạm vi kiểm soát của cơ quan nhà nước.

Cần sớm hoàn thiện các quy định về chuyển đổi số

Hiện nay, Sở NN-PTNT Bến Tre phối hợp với VNPT Bến Tre được giao thực hiện xây dựng hệ thống nền tảng dữ liệu số ngành NN-PTNT; Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản tỉnh được giao chủ trì thực hiện xây dựng về phân hệ truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản. Các sở, ngành liên quan của Bến Tre cũng phối hợp trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu ngành NN-PTNT của tỉnh nhằm giúp hình thành một hệ thống quản lý thông tin dùng chung, toàn diện của ngành.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bến Tre, ông Trịnh Minh Châu cho rằng, trước mắt, ngành NN-PTNT cần khảo sát các lĩnh vực phục vụ công tác quản lý, chọn lọc cơ sở dữ liệu... Trong đó, cần quan tâm đến việc triển khai các dự án, những ứng dụng phải tích hợp, liên thông phù hợp với định hướng, chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và tích hợp vào Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh để vừa phục vụ việc báo cáo về Bộ NN-PTNT, vừa phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của địa phương.

Người tiêu dùng Bến Tre mua sản phẩm an toàn, hữu cơ có truy xuất nguồn gốc bằng mã vạch. Ảnh: Minh Đảm.

Người tiêu dùng Bến Tre mua sản phẩm an toàn, hữu cơ có truy xuất nguồn gốc bằng mã vạch. Ảnh: Minh Đảm.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số ngành NN-PTNT, ông Nguyễn Võ Nhất Duy đề xuất một số giải pháp cần tập trung thực hiện đồng bộ như: Đẩy mạnh truyền thông chính sách chuyển đổi số trong ngành để chuyển đổi nhận thức nguồn nhân lực. Tham mưu, đề xuất và có kiến nghị với các bộ, ngành trung ương về xây dựng, ban hành kiến trúc dữ liệu ngành nông nghiệp và hoàn thiện các quy định liên quan đến chuyển đổi số.

Phát triển hạ tầng số thông qua việc xây dựng trung tâm dữ liệu ngành, xây dựng trung tâm điều hành thông minh. Phát triển nền tảng số với hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, ứng dụng công nghệ số phục vụ nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục củng cố an ninh mạng và nghiên cứu, hợp tác, đào tạo chuyển đổi số.

Trên cơ sở góp ý của các sở, ngành của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Minh Cảnh yêu cầu ngành NN-PTNT của tỉnh đề xuất các phân hệ phù hợp để VNPT Bến Tre xây dựng, thiết kế hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành.

Quá trình xây dựng hệ thống nền tảng dữ liệu số ngành NN-PTNT cần tích hợp, kết nối vào Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh. Bên cạnh đó, cần quan tâm vấn đề nhập liệu, cập nhật liên tục hàng tháng, hàng quý nhằm đảm bảo dữ liệu đúng, đủ và có sự liên kết từ số liệu tổng hợp và hiện trạng. Trước mắt, lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo phối hợp thực hiện thí điểm, từng bước hoàn thiện việc triển khai nền tảng dữ liệu số ngành NN-PTNT.

Việc xây dựng nền tảng dữ liệu số ngành NN-PTNT sẽ giúp Bến Tre thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành, quy hoạch ngành nông nghiệp. Ảnh: Minh Đãm.

Việc xây dựng nền tảng dữ liệu số ngành NN-PTNT sẽ giúp Bến Tre thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành, quy hoạch ngành nông nghiệp. Ảnh: Minh Đãm.

Theo Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Bến Tre, từ nay đến cuối năm 2023, để thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2023, các sở, ban, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ và chú trọng giải ngân kinh phí kịp thời, đúng quy định. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số trên 2 lĩnh vực ưu tiên năm 2023 là lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn và lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Tập trung hoàn thành nhiệm vụ tiên phong trong việc tổ chức triển khai, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc mà Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số giao cho tỉnh.

Xem thêm
Cô gái trẻ nuôi gà mát tay

ĐẮK NÔNG Mới 30 tuổi, cô gái này không chỉ chăm sóc vườn cà phê hơn 1ha mà còn khá thành công với mô hình nuôi gà quy mô thuộc loại lớn.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Mô hình lúa chất lượng cao vụ thu đông đạt 7,3 tấn/ha

Trà Vinh Kết quả sơ kết mô hình lúa chất lượng cao tại huyện Châu Thành cho thấy năng suất đạt 7,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng 16% và khí thải giảm 20-30% so với ngoài mô hình.