| Hotline: 0983.970.780

Du lịch nông thôn tạo sinh kế cho nông dân

Thứ Sáu 09/12/2022 , 08:58 (GMT+7)

Tiềm năng du lịch nông thôn ở Bình Định rất lớn, đó là những vùng biển cảnh quan còn hoang sơ, những vùng núi đầy quyến rũ, những làng nghề truyền thống hấp dẫn…

Phong phú làng nghề truyền thống

Trong phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, Bình Định nhắm tới những địa phương có làng nghề truyền thống; những địa phương có biển, có rừng.

Không ngoa khi nói Bình Định là “đất trăm nghề”. Để khai thác thế mạnh, tiềm năng du lịch làng nghề, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Đề án thí điểm phát triển du lịch làng nghề truyền thống tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025, với tổng kinh phí hơn 14,3 tỷ đồng.

Empty

Cảnh sắc tuyệt mỹ tại xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão, Bình Định). Ảnh: Đ.T.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, hiện tỉnh này có 67 làng nghề, giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động; trong đó, có 8 làng nghề đạt tiêu chí theo quy định của Bộ NN-PTNT và 38 làng nghề đạt tiêu chí theo quy định của UBND tỉnh Bình Định. Tỉnh Bình Định đã lựa chọn 4 làng nghề truyền thống đặc sắc nhất để phát triển du lịch, gồm: Làng nghề Rượu Bàu Đá ở thôn Cù Lâm (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn); làng nghề Nón ngựa Phú Gia ở thôn Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát); làng nghề trồng bí đao khổng lồ ở xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ) và làng nghề Bún số 8 - bánh tráng Tam Quan Nam ở phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn).

Mục tiêu phát triển du lịch làng nghề truyền thống nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hình thành các điểm đến thu hút du khách; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động du lịch góp phần quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa lâu đời của các làng nghề ở Bình Định.

Theo ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, thị xã này xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn 2020 - 2025. Hiện An Nhơn có 21 làng nghề truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc của vùng đất võ Bình Định, là thế mạnh để phát triển du lịch nông thôn thu hút khách du lịch.

Empty

Ở huyện trung du Hoài Ân (Bình Định) có những vườn bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP hấp dẫn du khách. Ảnh: Đ.T.

“Thời gian tới, địa phương sẽ huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng du lịch, ưu tiên phát triển giao thông, hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống vệ sinh, thu gom rác thải, nước thải; các hộ kinh doanh du lịch được hỗ trợ lãi suất. Ngoài làng nghề rượu Bàu Đá, thị xã An Nhơn còn chọn làng nghề gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, làng rèn Tây Phương Danh và làng mai Nhơn An… để đầu tư, phát triển du lịch”, ông Mai Xuân Tiến chia sẻ.

Hấp dẫn nét hoang sơ của những vùng núi, miền biển

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn về du lịch, Bình Định vừa có biển, vừa có rừng với cảnh quan phong phú, hệ sinh thái nguyên sơ, là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nhưng chưa được khai thác.

Ví như ở phía Bắc Bình Định có 4 địa phương nằm cận kề nhau là các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão và thị xã Hoài Nhơn; trong đó, thị xã Hoài Nhơn và huyện Phù Mỹ là 2 địa phương miền biển, còn Hoài Ân và An Lão là 2 huyện miền núi.

Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia, trong du lịch, nông thôn vùng Bắc Bình Định vừa có lợi thế về biển vừa có lợi thế về núi rừng. Những gì mà thành phố Quy Nhơn có, ví như biển thì Hoài Nhơn, Phù Mỹ cũng có. Nhưng những gì các địa phương Bắc Bình Định có nhưng Quy Nhơn không có, ví như hệ sinh thái núi rừng. Ở Quy Nhơn muốn thưởng ngoạn cảnh núi rừng phải đi đến hơn 150km mới lên được vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), nhưng nếu du khách đang thưởng ngoạn cảnh biển ở Phù Mỹ và Hoài Nhơn, bỗng dưng muốn thăm thú núi rừng thì chỉ cần lên xe đi 50-60km là đã đến An Toàn (huyện An Lão), vùng cao có cảnh sắc tuyệt mỹ, khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm hoặc gần hơn là lên huyện trung du Hoài Ân thưởng ngoạn những vườn cây ăn quả.

Empty

Đến huyện miền núi Vĩnh Thạnh, du khách có thể trải nghiệm đi trên những chiếc cầu treo được kết bằng những sợi dây rừng. Ảnh: Đ.T.

“Lợi thế đặc biệt của các vùng nông thôn ở 4 huyện, thị xã Bắc Bình Định là mọi cảnh quan còn rất nguyên sơ, bây giờ khai thác có thể làm mới phù hợp với xu thế hiện đại. Nhiều nơi khác trước đây đã khai thác những cảnh quan nguyên sơ, nhưng làm chưa tới nơi giờ đã lạc hậu, muốn khôi phục cũng khó”, TS Trần Du Lịch chia sẻ.

“Thực hiện yêu cầu của Bộ NN-PTNT tại Công văn số 8047/BNN-VPĐP ngày 29/11/2022 về việc đề xuất xây dựng mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện theo nội dung yêu cầu tại Văn bản nêu trên; tổng hợp báo cáo cho Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương và UBND tỉnh trước ngày 05/12/2022”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Mắm Lê Gia đạt OCOP 5 sao: Thành công là hành trình, không phải điểm đến

Sản phẩm nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N của Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.