Chúng tôi tìm đến hệ thống nhà kính trồng dưa lưới công nghệ cao (CNC) của nhóm kỹ sư trẻ thế hệ “9X” đầu tư sản xuất giữa vùng thanh long rộng lớn của huyện Châu Thành (Long An), những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021.
Sau nhiều năm nghiên cứu thị trường và giống cây, anh Đinh Văn Thi (SN 1990), Phó Giám đốc HTX Thuận Mỹ cùng nhóm kỹ sư trẻ đã quyết định đầu tư trồng dưa lưới sạch, sử dụng giống nhập từ Nhật Bản với thời gian sinh trưởng từ 70 -75 ngày/vụ.
Cầm trên tay những trái dưa lưới to tròn căng đẹp, kỹ sư trẻ Đinh Văn Thi phấn khởi tâm sự: “Đây là lứa dưa lưới đầu tiên trong khu nhà kính mở rộng thêm của HTX đã đến ngày thu hoạch, cho năng suất và chất lượng rất đạt, tỉ lệ hao hụt chỉ từ 1-2%.
Toàn bộ số dưa vụ này đã được thương lái đặt hàng thu mua để vận chuyển ra Bắc tiêu thụ trong dịp Tết”. Theo anh Thi, dự kiến vụ Tết này HTX sẽ thu hoạch được khoảng 8 tấn dưa lưới CNC cung ứng cho các nhà thu mua với giá 32.000 đồng/kg (loại 1).
HTX Thuận Mỹ được thành lập năm 2018 với 7 thành viên cùng ý tưởng góp vốn đầu tư 1,2 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, nhà kính trồng dưa lưới với hệ thống tưới nước tự động theo công nghệ Israel trên tổng diện tích 2.500 m2 tại xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành (Long An).
Dẫn chúng tôi vào tham quan những líp dưa lưới đang bắt đầu thu hoạch, anh Nguyễn Duy Thanh (phụ trách kỹ thuật sản xuất của HTX) hào hứng khoe: “Dưa của HTX chúng tôi được trồng theo quy trình sạch, hữu cơ, không sử dụng thuốc BVTV mà chỉ dùng các chế phẩm sinh học, cho năng suất cao, bảo đảm chất lượng, mỗi trái dưa nặng từ 1,5-2kg. Sau khi dưa được thu hoạch, các thành viên HTX tiếp tục bắt tay vào vụ mới vì đã được các nhà thu mua đặt hàng cho vụ tiếp theo”.
Theo anh Thanh, quy trình chăm sóc cây dưa từ nhỏ là quan trọng nhất, bởi cây dưa nhỏ phát triển tốt thì lớn lên sẽ hạn chế được sâu, bệnh. Trung bình mỗi cây lấy 1 trái, một số cây phát triển thật tốt thì chừa lại 2 trái để đủ dinh dưỡng nuôi trái. Hạt giống dưa cho các vụ sản xuất là TL3 rất ưa nắng và chịu nhiệt độ khá cao, được chọn lựa từ nước có tiêu chuẩn nông nghiệp hàng đầu thế giới là Nhật Bản.
Nhận thấy trồng dưa lưới sạch ứng dụng công nghệ Israel cho năng suất cao, bảo đảm an toàn về chất lượng, không lo đầu ra, các thành viên HTX Thuận Mỹ bắt đầu đặt vấn đề liên kết với nhiều hộ dân ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai…chuyển hướng từ những cây trồng kém hiệu quả sang trồng dưa lưới CNC và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Anh Thanh cho biết, năm 2020 HTX đã quyết định đầu tư mở rộng thêm nhà kính, đồng thời mở rộng liên kết, hỗ trợ kỹ thuật canh tác theo quy trình cho các hộ dân vệ tinh. “Với mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính, vốn đầu tư ban đầu tương đối cao nhưng bù lại dưa cho năng suất, chất lượng trái tốt, bán được giá nên khả năng thu hồi vốn nhanh. Chỉ cần trúng mùa 4 vụ dưa, bán được giá, thì có thể thu hồi vốn và thậm chí có lãi”, anh Thanh khẳng định.
Người trồng dưa lưới công nghệ cao chỉ cần trúng mùa 4 vụ dưa, bán được giá, thì có thể thu hồi vốn và thậm chí có lãi. Ảnh: MS.
Dù là những kỹ sư trẻ thuộc thế hệ “9X” nhưng nhóm thành viên HTX Thuận Mỹ rất tâm huyết nghiên cứu, sáng tạo và bước đầu thành công với mô hình khởi nghiệp trồng dưa lưới sạch công nghệ cao. Mô hình đã góp phần tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, mở thêm hướng đi mới cho cho bà con nông dân.
“Không chỉ đầu tư trồng dưa lưới trong nhà kính phục vụ thị trường Tết, chúng tôi còn đầu tư kỹ thuật khắc chữ TÀI – LỘC trên những sản phẩm dưa lưới trong vườn để bán được giá cao hơn gấp 3 lần trái dưa thường. Ngoài ra, năm 2020 HTX còn mở rộng trồng thêm diện tích thanh long theo quy trình VietGAP nhằm đa dạng hóa sản phẩm sạch phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu”, anh Đinh Văn Thi chia sẻ.