Chứng minh làm nông nghiệp không nghèo
Anh Lâm Bao, một người con dân tộc Khơme (Khmer), sinh ra và lớn lên tại xã Nha Bích, một xã khó khăn bậc nhất của huyện Chơn Thành (Bình Phước) với phần đông là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Bằng ý chí và nghị lực, sau khi tốt nghiệp trường đại học Nông Lâm với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp loại ưu, anh được công ty cao su Đồng Phú – Kratia tuyển dụng vào làm việc.
Sau mười năm phấn đấu, được công ty tin tưởng giao giữ nhiều trọng trách, vị trí, chức vụ khác nhau, từ phó phòng kỹ thuật nông nghiệp đến trưởng phòng tổ chức hành chính, Giám đốc nông trường Sambo II tại Campuchia với mức lương cả nghìn đô. Thế nhưng, năm 2018, anh Lâm Bao quyết xin nghỉ việc để về quê thực hiện hóa ước mơ làm nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao đã ấp ủ từ lâu, đồng thời chứng minh cho bà con trong Sóc hiểu được làm nghiệp không nghèo.
Nhận thấy dưa lưới có giá trị kinh tế cao, thị trường rộng mở, sau thời gian nghiên cứu kỹ thuật trồng, cũng như khảo sát nguồn nước, đất đai, khí hậu tại địa phương, từ số vốn tích lũy được từ trước, anh Lâm Bao quyết định phá bỏ 1.000 m2 hồ tiêu để tiến hành xây dựng nhà lưới và trồng thử nghiệm 2.000 cây dưa lưới.
Đất không phụ lòng người, trải qua không ít lần điêu đứng, đến nay vườn dưa lưới của anh đã phát triển xanh tốt. Vụ thu hoạch đầu tiên, gia đình anh Lâm Bao thu trên 3 tấn trái, với giá bán dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, trừ chi phí, công chăm sóc, phân bón… lợi nhuận thu về gần 50 triệu đồng. Đây là kết quả đáng mừng cho anh và cũng là niềm khích lệ để anh tiếp tục nhân rộng thêm diện tích, số lượng cây với quy mô lớn hơn.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng dưa lưới, anh Lâm Bao cho biết, dưa lưới đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, phải thường xuyên theo dõi, lơ là một tí là hỏng cả vụ. Ở giai đoạn phát triển mà cây dưa lưới ra hoa không đều, hoặc cây dưa lưới bị bệnh không khắc phục được phải nhổ bỏ để trồng mới. Nếu cố để những cây dưa lưới lại sẽ không đạt năng suất, tốn công chăm sóc dẫn đến lỗ vốn. “Người trồng không nên quá tham, mỗi cây dưa lưới chỉ cần để lại một quả thì mới cho chất lượng, ngon và ngọt”, anh Lâm Bao tiết lộ.
Mặt khác, dưa lưới cần nhiều nhân công, để tiết kiệm chi phí sản xuất, người trồng cần đầu tư hệ thống nhà lưới và hệ thống tưới tự động. “Chỉ cần bật công tắc, phân bón hay các chất dinh dưỡng đều hòa chung vào nước tưới để nuôi cây, nhờ vậy cây sinh trưởng phát triển và cho năng suất ổn định. Hơn hết, trang thiết bị đầu tư một lần có thể sử dụng được trong nhiều năm”, anh Lâm Bao chia sẻ.
Thêm hướng đi mới cho bà con dân tộc
Theo anh Lâm Bao, cái lợi của trồng dưa lưới trong nhà màng là mỗi năm thu hoạch được 4 vụ, trung bình từ 35 - 45 ngày/vụ, mỗi quả dưa lưới có trọng lượng từ 1,2- 1,5/kg là đạt. So với cà phê, hồ tiêu thì dưa lưới có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.
Thấy mô hình hay, nhiều bà con nông dân đã đến vườn dưa lưới của anh Lâm Bao để tìm hiểu và học hỏi. “Hiện nay đầu ra cho quả dưa lưới rất ổn, phần lớn mình bán ngay tại vườn, hoặc bán số lượng lớn cho khách hàng đặt từ xa ở khắp mọi miền cả nước. Trước mắt mình sẽ hoàn thành chứng nhận sản phẩm dưa lưới sạch, rồi dần dần liên hệ đầu ra cho dưa lưới ở các hệ thống siêu thị để việc tiêu thụ dưa lưới ổn định, bền vững hơn”, anh bày tỏ.
Lâm Bao đang ấp ủ thời gian tới có nhiều hộ dân tại xã Nha Bích nói chung và huyện Chơn Thành nói riêng phát triển thêm nhiều mô hình trồng dưa lưới để đủ điều kiện thành lập hợp tác xã dưa lưới Chơn Thành. Đây cũng là cơ sở, điều kiện để đăng ký thương hiệu, tên sản phẩm và có chỗ đứng trên thị trường.
Ông Võ Quốc Hân, Chủ tịch UBND xã Nha Bích, Huyện Chơn Thành cho biết, Nha Bích có khoảng 35% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Khơ me. Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, đời sống bà con ngày một nâng lên, tuy nhiên vẫn còn không ít hộ khó khăn. Có thể khẳng định, so với nhiều loại cây trồng khác tại địa phương, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao này rất hiệu quả, có thể nhân rộng cho nhiều hộ dân.
“Mặc dù đầu tư nhà màng khá tốn kém, nhưng ngược lại giá bán cao, đặc biệt có thể sản xuất an toàn, khép kín, thời gian tới địa phương sẽ cân nhắc việc đưa sản phẩm dưa lưới vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP nhằm mở ra cơ hội chuyển đổi cây trồng, áp dụng công nghệ cao, nhất là trong bối cảnh hồ tiêu bị dịch bệnh, rớt giá, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương”, ông Hân nói.