Thương hiệu FujiMart được thành lập từ tháng 9/2018, trên cơ sở liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Sumitomo Corporation (Nhật Bản). Tháng 12/2018, FujiMart khai trương siêu thị đầu tiên tại Hà Nội, với hoạt động chính là kinh doanh bán lẻ thực phẩm. Nhằm góp phần tuyên truyền, nâng cao giá trị nông sản Việt, ông Ohama Yuji - Giám đốc Bộ phận bán hàng Siêu thị FujiMart - chia sẻ quan điểm về vấn đề này trong buổi phỏng vấn với Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Kiểm tra hàng ngày
Lựa chọn thị trường bán lẻ, vốn đang có nhiều sự cạnh tranh tại Việt Nam, nhưng FujiMart mới khai trương 3 siêu thị trong vòng 3 năm rưỡi qua. Nguyên nhân nào khiến FujiMart quyết định hướng đi có vẻ ngược với số đông như vậy?
Với nhiều năm kinh nghiệm về kinh doanh siêu thị tại Nhật Bản, chúng tôi mong muốn đưa nhiều sản phẩm tươi sạch nhất đến người tiêu dùng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, FujiMart cần giải quyết hài hòa giữa vấn đề chất lượng và giá cả, nhằm giữ đúng tôn chỉ: Ẩm thực Việt Nam được tôn vinh trong văn hóa phục vụ tận tâm của Nhật Bản.
Để làm được, chúng tôi triệt để áp dụng nguyên tắc “Know how”. Cụ thể, đó là cung cấp dịch vụ sao cho khách hàng cảm thấy an tâm, an toàn khi tới FujiMart, đặc biệt là vấn đề quản lý đồ tươi sống. Muốn vậy, chúng tôi chấp nhận mất nhiều chi phí hơn, để giữ được độ tươi ngon cho sản phẩm, chẳng hạn bố trí tỷ lệ diện tích quầy hàng tươi sống lớn hơn so với mặt bằng chung, hoặc duy trì nhiệt độ bảo quản nông sản, thực phẩm ngay sau khi sản xuất, chế biến.
Giữ được độ tươi ngon của sản phẩm trước khi đến tay khách hàng là điều không đơn giản, nhất là đời sống người dân Việt Nam những năm gần đây ngày một cải thiện. Bản thân mỗi người giờ đều nhận thức rõ về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đó là một trong nhiều yếu tố được FujiMart lưu ý mỗi khi cân nhắc việc mở siêu thị mới.
Ngay từ khi thành lập, FujiMart đã kiên định với tiêu chí “Fresh Everyday - Tươi ngon mỗi ngày”. Bên cạnh việc tăng tỷ lệ bày đồ tươi sống, chúng tôi luôn tự nhắc việc kiểm tra hàng hóa phải diễn ra hàng ngày. Đây đều là bí quyết của chúng tôi khi vận hành siêu thị tại Nhật Bản và giờ áp dụng tại thị trường Việt Nam.
Nhân đây, tôi cũng thông báo, rằng FujiMart vừa kết thúc 3 năm thử nghiệm. Qua những phản hồi, đánh giá của khách hàng, cũng như báo cao về tình hình kinh doanh, FujiMart tự tin sẽ đẩy nhanh tốc độ mở siêu thị từ giờ trở đi.
Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nhà bán lẻ tại Việt Nam đã chịu ảnh hưởng. FujiMart liệu có phải ngoại lệ?
Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt của cuộc sống. Tuy nhiên, đa số các sản phẩm FujiMart kinh doanh thuộc nhóm mặt hàng thiết yếu. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ Chính phủ, cũng như các Bộ, ban, ngành giúp duy trì chuỗi cung ứng, đảm bảo thực phẩm tươi ngon đến tay khách hàng.
Ai cũng nghĩ logistics bị ảnh hưởng nhiều nhất khi bùng phát Covid-19, nhưng theo chúng tôi, số này chỉ là một phần. Cách làm của FujiMart là đa dạng hóa các nhà cung cấp. Mỗi khi làm việc với bên cung ứng mới nào, chúng tôi đều nói rõ tiêu chí của mình. Nhờ xây dựng được mạng lưới nhà cung cấp rộng khắp và nhận được nhiều hỗ trợ từ họ, FujiMart không gặp vấn đề lớn phát sinh và luôn đảm bảo chất lượng hàng nhập về siêu thị.
Hợp tác cùng có lợi
Một trong những vấn đề của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay là quảng bá hình ảnh, nâng cao giá trị cho sản phẩm. Từ kinh nghiệm thực tế, FujiMart có đề xuất gì để giải quyết vấn đề này?
Để từng bước chiếm lĩnh thị phần, chúng tôi cho rằng cần luôn đem tới trải nghiệm mới cho khách hàng. Với những sản phẩm được quan tâm nhiều, chúng tôi chủ động tích trữ nguồn hàng. Với những sản phẩm mới, chúng tôi bố trí nhiều hoạt động bên lề để càng có nhiều tầng lớp khách hàng biết đến càng tốt. Việc quảng bá có thể là phát tờ rơi, qua Internet, truyền hình, thậm chí là kênh truyền miệng, chứ không đơn thuần là mời khách hàng đến dùng thử.
Muốn nâng cao giá trị sản phẩm, chúng ta phải chuyển tải được thông tin về những điểm tốt của sản phẩm tới khách hàng. Ví dụ như cố gắng của nhà sản xuất trong việc tạo ra sản phẩm tốt, giá cả phải chăng; hoặc nỗ lực của đơn vị vận chuyển khi sử dụng nhiều biện pháp để giữ được độ tươi ngon của sản phẩm; hay hệ thống trang thiết bị, máy móc, cách trưng bày bắt mắt, dễ nhìn, các chương trình khuyến mại ý nghĩa của nhà bán lẻ.
Trong chuỗi giá trị ấy, Chính phủ giữ vai trò chủ đạo, vừa điều hành, vừa tạo điều kiện thuận lợi. Trên cơ sở đó, Chính phủ, nhà sản xuất, nhà bán lẻ cùng nhau hợp tác để triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần nâng cao nhận thức của khách hàng về những điểm tốt của sản phẩm. Có như vậy, sản phẩm mới được khách hàng thừa nhận, từ đó làm tăng nhu cầu về sản phẩm, dẫn tới cả người sản xuất, nhà bán lẻ và khách hàng đều cảm thấy “win-win”.
Về phía FujiMart, chúng tôi luôn nhấn mạnh tới các tiêu chuẩn an toàn của sản phẩm, trong đó có những chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP. Đây là một hướng đi để nâng cao giá trị sản phẩm, và nhà sản xuất, nhà bán lẻ nên chú trọng tới vấn đề này.
Theo thống kê, 60% lượng nông sản Việt Nam được tiêu thụ trong nước. Phần lớn trong số này được tiêu thụ ở các chợ đầu mối, nơi khó kiểm soát các vấn đề như chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hay truy xuất nguồn gốc. Ông có lời khuyên gì tới cả người nông dân lẫn phía người tiêu dùng để thay đổi thói quen này?
Có 5 khía cạnh luôn được FujiMart chú trọng. Một, là chúng tôi hướng tới người tiêu dùng Việt Nam với những mặt hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết.
Hai là, tạo ra môi trường mua sắm thuận tiện cho khách hàng. Cách trang trí, bày hàng tại quầy, kệ luôn đơn giản để thu hút và tạo cảm giác thoải mái, thân thiện.
Ba là, chúng tôi thường xuyên mời những chuyên gia Nhật Bản giàu kinh nghiệm sang Việt Nam hướng dẫn và đào tạo nhân viên. Đơn cử như quầy bánh, chuyên gia sẽ hướng dẫn nhân viên làm bánh và một số sản phẩm khác theo đúng quy trình của Nhật, kể cả nguyên liệu bột.
Bốn là, chú trọng và kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm. Với sản phẩm tươi sống, ngay từ thời điểm nhập hàng vào kho đến khi mang bán đều được giám sát gắt gao về nhiệt độ. Thực tế cho thấy, FujiMart đạt doanh thu tăng trưởng tốt ở nhóm mặt hàng tươi sống, dù giá thành cao hơn so với chợ truyền thống.
Năm là, FujiMart rất coi trọng việc chào hỏi khách hàng. Chúng tôi liên tục tập huấn cho nhân viên và nhắc nhở họ, rằng cần chào hỏi khách hàng với nụ cười thân thiện để họ cảm thấy thoải mái khi mua sắm.
Để góp phần làm chuỗi cung ứng trở nên tốt hơn, nhà bán lẻ có thể cung cấp báo cáo cho các bên liên quan, bởi nhà bán lẻ chính là "điểm tiếp xúc" với khách hàng.
Xin cảm ơn ông!