| Hotline: 0983.970.780

Phó Thủ tướng sẽ sang Hoa Kỳ, tháo gỡ vướng mắc về thuế đối ứng

Thứ Sáu 04/04/2025 , 15:43 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ điều này và nhấn mạnh Việt Nam sẽ cung cấp cho phía Hoa Kỳ thông tin về những nỗ lực trong việc cân bằng thương mại hai chiều.

“Thuế quan đối ứng mà Hoa Kỳ vừa ban hành không chỉ gồm toàn yếu tố tiêu cực”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói trong Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 4/4. Theo ông, sắc thuế mới vừa mang đến thách thức, nhưng cũng vừa tạo ra thêm động lực, để doanh nghiệp xuất khẩu (không chỉ riêng Việt Nam) tái cơ cấu, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Hiện nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đã đưa ra những phân tích, dự báo về tác động của thuế quan đối ứng. Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, trong thời gian hiện tại, các bên liên quan “cần giữ bình tĩnh”, thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại phiên họp ngày 3/4 và chờ thêm những định hướng, nghiên cứu chuyên sâu của bộ, ngành, cơ quan quản lý.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì Họp báo thường kỳ chiều 4/4. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì Họp báo thường kỳ chiều 4/4. Ảnh: Bảo Thắng.

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ, hôm qua (3/4), ngay sau khi Hoa Kỳ công bố thuế đối ứng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã gửi Công hàm đề nghị Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế, dành thời gian trao đổi, tìm thời gian hợp lý cho cả hai bên.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục liên hệ để Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên điện đàm với Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC). Trong đó, sẽ cung cấp cho phía Hoa Kỳ thông tin về những nỗ lực của Việt Nam trong việc cân bằng thương mại hai chiều.

“Việt Nam luôn hướng tới chính sách thương mại công bằng, có trách nhiệm với các nước, trong đó có Hoa Kỳ. Việt Nam sẵn sàng hợp tác, trao đổi trong các vấn đề song phương, nhằm hướng tới một nền thương mại hài hòa hơn”, lãnh đạo Bộ Công Thương nói tiếp.

Thông tin thêm về những nỗ lực của Việt Nam, Thứ trưởng cho biết, dự kiến trong tuần tới Đoàn công tác Việt Nam do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu sẽ công du Hoa Kỳ, nhằm trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc và tìm ra giải pháp đảm bảo hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ.

Để giải quyết một cách triệt để những phát sinh liên quan tới thuế đối ứng, ông cho rằng cần sự vào cuộc của nhiều bên, bao gồm cả Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường… cũng như sự tích cực trao đổi của khối doanh nghiệp với đối tác Hoa Kỳ.

“Chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Bộ Công Thương là chúng ta phải đa dạng hóa thị trường, trứng không thể chung một giỏ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đoàn công tác Việt Nam đã sang Hoa Kỳ hồi giữa tháng 3/2025 và ký nhiều biên bản hợp tác. Ảnh: MOIT.

Đoàn công tác Việt Nam đã sang Hoa Kỳ hồi giữa tháng 3/2025 và ký nhiều biên bản hợp tác. Ảnh: MOIT.

Đa dạng hóa thị trường cũng là giải pháp được Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài Tạ Hoàng Linh nhắc đến khi bàn giải pháp trước thuế đối ứng. Theo ông, Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu nhiều FTA nhất, nhờ đó mà xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc hơn 20 năm qua, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện đạt mức 800 tỷ USD.

Hoa Kỳ, EU... là những thị trường được Bộ Công Thương khuyến khích doanh nghiệp thâm nhập, bởi họ yêu cầu cao, tiêu chuẩn chặt chẽ. Nếu doanh nghiệp có thể khẳng định và tìm được chỗ đứng, sẽ từng bước tạo lập vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thời gian qua, các đơn vị của Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là nhóm nhỏ và vừa, nhằm khai thác hiệu quả của các FTA, trong đó đặc biệt là đảm bảo các quy tắc về xuất xứ để hưởng đầy đủ ưu đãi thuế quan.

Tuy nhiên, ông Linh cho biết, không phải quốc gia nào cũng mong muốn ký FTA, bởi việc ký còn phụ thuộc vào lợi thế cạnh tranh của từng nước. Do đó, trong quá trình đàm phán ký FTA, các nước đều nghiên cứu tính khả thi, có thể mở cửa những mặt hàng nào để hài hòa lợi ích lẫn nhau.

Song song với khai thác thị trường Hoa Kỳ, EU... Bộ Công Thương cũng chuẩn bị và thực hiện nhiều biện pháp mở cửa thêm thị trường Mỹ Latinh, Trung Đông, Nam Á…

Gần nhất, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Brazil, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tranh thủ quảng bá, giới thiệu nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam nhằm sớm đưa nhiều hàng hóa hơn vào khối Mecosur (Cộng đồng Thị trường Nam Mỹ) thông qua Brazil.

Trong Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 ban hành năm 2022, chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu là 6-7% và cân bằng cán cân thương mại... Đến nay, sau 3 năm thực hiện, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho biết, Việt Nam cơ bản đảm bảo các mục tiêu, trong đó nhiều năm liền xuất siêu (năm 2024 là gần 25 tỷ USD).

Hiện cơ cấu xuất khẩu cũng được giữ vững theo chiến lược, với tỷ trọng xuất khẩu sang châu Âu khoảng 25%, còn châu Mỹ khoảng 33%.

Xem thêm
Cùng sinh viên kiến tạo con đường nông nghiệp hạnh phúc

THÁI NGUYÊN Ngày 2/4, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã ký kết hợp tác toàn diện với Tập đoàn Tân Long với nhiều nội dung nội dung quan trọng, hỗ trợ sinh viên phát triển.

VRG ký kết hợp tác với Becamex và VSIP trên nhiều lĩnh vực

VRG vừa cùng Becamex, VSIP ký thỏa thuận hợp tác ba bên phát triển các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, năng lượng sạch... trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Cổ phiếu khoáng sản Việt Nam tăng mạnh sau động thái thuế quan của Mỹ

Sau khi Trump công bố thuế quan mới, cổ phiếu các công ty khoáng sản Việt Nam tăng mạnh, tạo cơ hội và thách thức lớn cho ngành này.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Bí kíp 'chốt đơn' 20 lô đất/tháng của nhà môi giới tại Hải Phòng

Bí kíp 'chốt đơn' và cơ duyên đến với nghề môi giới bất động sản của anh Nguyễn Văn Sen khá tình cờ và thú vị trong 'một lần mua đất bị hớ'.

Bình luận mới nhất