Từ ngày 1-5/11, Ủy ban SPS họp phiên thứ 81 tại Geneva, Thụy Sĩ. Theo Văn phòng SPS Việt Nam, cuộc họp sẽ gồm hai phiên: phiên chuyên đề trong hai ngày 1 và 2/11, và phiên chính thức từ ngày 3-5/11.
Phiên họp chuyên đề sẽ tạo cơ hội cho các thành viên WTO trao đổi quan điểm và xem xét lại các tiêu chuẩn, quy định. Hiệp định SPS của WTO khuyến khích các thành viên hài hòa những biện pháp ở mức tối đa có thể, dựa trên tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị từ ba cơ quan: Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX), Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Công ước Bảo vệ thực vật quốc tế (IPPC).
Phiên chuyên đề tập trung vào 3 vấn đề chính: (1) Các điều khoản liên quan của Hiệp định SPS và các hành động để giám sát.
(2) Các hành động và sáng kiến mà CODEX, OIE và IPPC đã thực hiện để giảm sát việc sử dụng, đồng thời xem xét việc phối hợp giữa 3 cơ quan này với Ủy ban SPS.
(3) Những kinh nghiệm, thách thức của các thành viên đối với việc sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế ở cấp quốc gia và khu vực.
Trong phiên chính thức của lần họp thứ 81, các thành viên của Ủy ban SPS sẽ thảo luận về các vấn đề sau: Một, thông tin về tình hình dịch bệnh cây trồng và động vật ở từng quốc gia. Các thành viên sẽ cung cấp thông tin về những thay đổi trong chính sách và tình huống SPS của họ.
Hai, thảo luận về các vấn đề SPS liên quan đến dịch Covid-19. Theo Văn phòng SPS Việt Nam, hiện có 109 thông báo SPS và các thông tin tới lĩnh vực này.
Với Việt Nam, 3 nhóm lĩnh vực được quan tâm chủ yếu ở phiên họp lần thứ 81 là: (1) Quy định về các mức dư lượng của một số thị trường xuất khẩu chính. (2) Các vấn đề liên quan đến các biện pháp SPS mới của các thành viên WTO.
(3) Việt Nam sẽ thảo luận song phương với Ảrập Xêút về vấn đề xuất khẩu thủy sản nuôi trồng sang thị trường quốc gia Tây Á. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, giúp Việt Nam tăng trưởng giá trị xuất khẩu từ các năm tới.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết, hiện Việt Nam đồng ý làm Đồng bảo trợ cho Tuyên bố SPS của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12.
Ông Nam cũng bày tỏ tin tưởng về khả năng đàm phán song phương với Ảrập Xêút, đồng thời nhấn mạnh: "Hy vọng thủy sản nuôi trồng Việt Nam sẽ sớm có mặt tại Ảrập Xêút".
Theo thông lệ, Ủy ban SPS họp 4 tháng một lần. Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tổng hợp những thông báo từ các nước thành viên WTO, bao gồm cả dự thảo lẫn văn bản qui phạm pháp luật có hiệu lực quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) có thể ảnh hưởng tới mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Trên cơ sở này, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhà sản xuất góp ý cho các dự thảo nêu trên. Từ đó, những điều chỉnh về quy trình sản xuất và chế biến sẽ được điều chỉnh để phù hợp với quy định mới (nếu có) của từng thị trường nhập khẩu.