| Hotline: 0983.970.780

Hiểu đúng về Ethylene Oxide trong mì ăn liền

Chủ Nhật 29/08/2021 , 14:50 (GMT+7)

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo người dân bình tĩnh về những thông tin liên quan tới việc mì ăn liền bị thu hồi tại châu Âu.

Cho phép tồn dư

Mì Hảo Hảo, miến Good của Công ty Acecook Việt Nam và mì Thiên Hương của Công ty Thiên Hương vừa bị các cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu thu hồi vì dư lượng Ethylene Oxide vượt quá mức cho phép.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam.

Trả lời Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết, từ năm 2020 đến nay, EU đã đưa ra hàng trăm cảnh báo về các sản phẩm có tồn dư Ethylene Oxide. 

"Từ 27/10/2020 EU có thông báo về việc quy định mức dư lượng tại Quy định 396/2005 về mức dư lượng thuốc trừ sâu trên và trong thực phẩm, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc động thực vật. Theo đó, EU xếp Ethylene Oxide thuộc nhóm hóa chất nguy cơ gây ung thư. Tuy nhiên, tại Quy định này EU cũng đưa ra mức dư lượng của Ethylene Oxide trên ngũ cốc, hoa quả và sản phẩm động vật với mức cao nhất là 0,02 ppm.

Mỗi nước có quy định khác nhau về lượng tồn dư chất này. Thời gian gần đây, EU siết chặt các quy trình kiểm soát dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm và ra cảnh báo liên tục cho các nhà xuất khẩu", ông Hòa cho biết.

Ethylene Oxide được sử dụng rộng rãi trong công nghệ thực phẩm giúp khử trùng, hun trùng hiệu quả cao. Chất này được phép sử dụng ở nhiều quốc gia, nhằm mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn thực phẩm. Ethylene Oxide cũng được dùng để tiệt trùng các thiết bị y tế.

Trước thông tin, Ethylene Oxide có thể gây ung thư hoặc được sử dụng làm thuốc trừ sâu, ông Lê Thanh Hòa khuyến cáo mọi người "bình tĩnh" và "hiểu đúng" về chất này. 

Thứ nhất, Ethylene Oxide bị cấm sử dụng tại châu Âu nhưng được chấp nhận tồn dư trong thực phẩm, cụ thể là 0,05 mg/kg. Tất cả những sản phẩm bán ra trên thị trường dưới ngưỡng này được xem là an toàn. Nếu vượt ngưỡng, sản phẩm ấy sẽ bị cơ quan chức năng thu hồi.

Thứ hai, những sản phẩm mì ăn liền bị thu hồi sau khi cơ quan chức năng châu Âu hậu kiểm ở siêu thị. Bởi nếu phát hiện từ lúc lấy mẫu kiểm dịch khi thông quan, toàn bộ lô hàng đã bị trả về. Trước mắt, các đơn vị xuất khẩu sẽ chịu toàn bộ chi phí thu hồi sản phẩm. Sau đó, họ bị tăng tần suất kiểm tra trong vòng 3 tháng kế tiếp.

"EU có hệ thống cảnh báo nghiêm ngặt. Họ sẽ nâng dần mức độ, khi phát hiện sản phẩm có chất chạm ngưỡng giới hạn. Nếu vượt ngưỡng, các lô hàng xuất khẩu kế tiếp sẽ bị tăng tần suất lấy mẫu, lên 50%, thậm chí 100%. Trong khoảng thời gian tăng cường kiểm soát, nếu không phát hiện thêm vi phạm, EU sẽ hạ về mức lấy mẫu 30% ban đầu", ông Hòa thông tin.

Thứ ba, quy định về lượng tồn dư Ethylene Oxide của từng nước sẽ khác nhau. Một thị trường khó tính khác là Mỹ, chưa có giới hạn nào về chất thường được sử dụng để diệt nấm mốc, và bảo quản các loại hạt khô, đồ khô này.

Một số quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc có quy định riêng với những hóa chất bảo vệ thực vật chưa xác định được mức dư lượng tối đa cho phép. Theo ông Hòa, con số mặc định là 0,01 mg/kg.

Cuối cùng, Ethylene Oxide không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài.

Những vấn đề này đã được EU đưa ra cảnh báo từ giữa thập niên 2000. Tuy nhiên, trong hơn chục năm qua, EU hầu như không có cảnh báo về tồn dư Ethylene Oxide ở các loại thực phẩm xuất khẩu từ Việt Nam.

Linh hoạt theo thị trường

Được thành lập theo Quyết định 99/2005/QĐ-TTg ngày 9/5/2005 của Thủ tướng, Văn phòng SPS Việt Nam là đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hoá theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). SPS Việt Nam thực hiện chức năng là kênh thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên WTO về các vấn đề SPS.

Một số sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam bị EU phát hiện có dư lượng Ethylene Oxide quá ngưỡng cho phép.

Một số sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam bị EU phát hiện có dư lượng Ethylene Oxide quá ngưỡng cho phép.

Văn phòng có nhiệm vụ Thông báo và hỏi đáp các nội dung và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; yêu cầu các nước thành viên của WTO cung cấp thông tin về các biện pháp, thủ tục đánh giá rủi ro, về thanh tra, kiểm tra và các vấn đề liên quan khác về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

Việc mì ăn liền có lượng Ethylene Oxide vượt quá ngưỡng cho phép của EU không phải trường hợp đầu tiên Văn phòng SPS Việt Nam giải quyết.

Giám đốc Lê Thanh Hòa cho rằng, doanh nghiệp, người dân và các cơ quan quản lý nhà nước nên xem đây là một kinh nghiệm để xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho các vấn đề tương tự.

"Những giới hạn hóa chất được thiết lập dựa trên đánh giá rủi ro liên quan đến sức khỏe con người theo từng quốc gia. Một số sản phẩm xuất đi EU được nhưng lại không được phép tiêu thụ được trong nước, và ngược lại. Với riêng Ethylene Oxide, đây là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế", ông Hòa thông tin.

Về phía doanh nghiệp, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo, cần nghiên cứu kỹ thị trường xuất khẩu, đồng thời đảm bảo hài hòa với các quy định trong nước. Nếu xác định xu hướng xuất khẩu sang EU, doanh nghiệp có thể cân nhắc, áp dụng những quy định về an toàn thực phẩm của châu Âu cho toàn bộ dây chuyền sản xuất, tránh vướng hàng rào kỹ thuật không đáng có.

Về phía các cơ quan quản lý, ông Hòa đề nghị sớm thiết lập mức dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm, và có thể dựa theo các tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX) hoặc các nước phát triển.

"Thế giới hiện chia hai khối công nhận các tiêu chuẩn thực phẩm, một theo Mỹ và một theo EU. CODEX đưa ra các tiêu chuẩn, làm cơ sở cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) loại bỏ hay giảm thiểu các rào cản thương mại để tiến tới tự do thương mại giữa các nước thành viên. Dù vậy, vẫn có những tiêu chuẩn CODEX thông qua, nhưng EU hoặc Mỹ không chấp nhận. Chúng ta, vì thế, cần mềm dẻo và linh hoạt trong các quy định", ông Hòa nhấn mạnh.

Tại nhiều nước châu Âu, hàm lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm được tính cả mức tồn dư 2-Chloroethanol, một dạng chuyển hóa của Ethylene Oxide.

Mức dư lượng tối đa của Ethylene Oxide cho từng loại thực phẩm rất khác nhau: Trà, ca cao và gia vị là 0,01 mg/kg; Các loại hạt, quả có dầu và hạt có dầu là 0,05 mg/kg; Rau, quả, nấm và đậu là 0,02 mg/kg. Ngũ cốc và các sản phẩm có nguồn gốc động vật là 0,02 mg/kg. 

Bộ Công Thương đã đề nghị Công ty cổ phần Acecook Việt Nam và Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương báo cáo về quy trình sản xuất các sản phẩm vi phạm quy định của EU. Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp, rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do hai công ty nêu trên hiện phân phối trong nước. Mục đích để kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất, và xác định các vi phạm nếu có, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…