| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 02/07/2012 , 14:17 (GMT+7)

14:17 - 02/07/2012

Đừng bao giờ đẩy người dân đến bước đường cùng!

Xung quanh loạt bài “Ngân sách nào kham nổi”, NNVN đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Sỹ Tiếu, nguyên UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình (2000-2005), người đã tham gia chỉ đạo giải quyết “sự kiện Thái Bình” liên quan đến việc đóng góp của dân.

Ông Bùi Sỹ Tiếu
Xung quanh loạt bài “Ngân sách nào kham nổi”, NNVN đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Sỹ Tiếu, nguyên UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình (2000-2005), người đã tham gia chỉ đạo giải quyết “sự kiện Thái Bình” liên quan đến việc đóng góp của dân.

>> Sướng như lãnh đạo... doanh nghiệp nhà nước
>> Làm rõ vai trò của bộ máy Nhà nước các cấp, của các tổ chức dân sự
>> Hoạt động của nhiều đoàn thể cấp cơ sở không thiết thực!
>> Đừng để người dân quá bức xúc
>> Tham nhũng: Ai chống ai?
>> Nợ nần xuyên nhiệm kỳ
>> Rùng mình xã 500 cán bộ ở Thanh Hóa
>> Thoải mái ban phát chức tước
>> Cán bộ phường đông như... quân Nguyên
>> Lãng phí ở hội nghị, hội thảo…
>> Độc chiêu thu ngân sách
>> Nước chè, thuốc lào vặt và phim online

Thưa ông, là người sinh ra và trưởng thành từ quê lúa Thái Bình, bây giờ, mỗi lần nghĩ đến nông dân, ông đau đáu điều gì nhất?

Tôi đã từng làm công tác lãnh đạo ở một tỉnh nông nghiệp, bây giờ cũng như trước đây, tôi đau đáu nhất một điều là làm thế nào để thu nhập của nông dân mình ngày một nâng cao, cuộc sống của họ ngày một được cải thiện nhiều hơn vì họ quá thiệt thòi. Nông dân sản xuất nông nghiệp, nhưng đầu vào thì luôn đắt, đầu ra thì luôn rẻ, nên thu nhập luôn thấp và họ luôn nghèo. CNH, HĐH là việc tất yếu phải làm, nhưng chính sách cho người nông dân là chưa thỏa đáng, nhất là chính sách đất đai. Tất cả thiệt thòi trong CNH, HĐH đều đẩy về phía nông dân. Họ trở thành người khổ nhất, người thiệt thòi nhất. 

“Sự kiện Thái Bình” nổ ra khi ông đang là lãnh đạo tỉnh. Nguyên nhân vì sao mà có sự kiện đó thưa ông?

Sự kiện Thái Bình nổ ra từ năm 1997 và kéo dài đến tận năm 2000 mới giải quyết xong. Thời điểm đó Thái Bình thực hiện xây dựng điện – đường – trường – trạm – thông tin liên lạc ở nông thôn. Chủ trương đưa ra là Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng Nhà nước không có tiền hỗ trợ, thực chất là do dân làm. Mỗi chương trình ở mỗi xã hết khoảng 1 tỷ đồng ở thời điểm đó. 5-6 chương trình là phải có 5-6 tỷ đồng. Không có nhà nước hỗ trợ dân phải đóng góp hết bằng hạt thóc và bằng công sức của mình. Dẫu làm những cái đó là làm cho dân, nhưng vì thu nhập của dân thấp, tất cả chỉ trông vào hạt thóc, củ khoai… sự đóng góp xây dựng các công trình là quá lớn, dân không chịu đựng được. Trong khi đó cán bộ của mình có tham ô, tham nhũng, dù nhỏ thôi, nhưng dân không chấp nhận cán bộ tham ô tiền đóng góp của họ dẫn đến khiếu kiện đông người.

Tôi lấy ví dụ ở xã Thái Nguyên, huyện Thái Thụy trong phong trào xây dựng điện, đường, trường, trạm, người dân bị thu quá nhiều, dân không thể chịu đựng được nữa, buộc phải đi khiếu kiện. Họ khiếu kiện lên huyện, lên tỉnh nhiều năm với chỉ một yêu cầu là khi nào cán bộ không bắt dân đóng góp nữa, dân mới thôi khiếu kiện. Dân bảo, dân làm ra được một ít thóc mà phải đóng góp quá nhiều, vậy làm làm gì, phải bỏ làm để đi khiếu kiện đã. 

Đó là một bài học lớn thưa ông?

Đó là một bài học trong lãnh đạo chỉ đạo. Đừng bao giờ đẩy người dân đến bước đường cùng. Đừng bao giờ đẩy người dân đến mức không chịu đựng được. Ở ĐBSH nói chung và Thái Bình nói riêng ruộng ít, bình quân 1 khẩu được hơn 1 sào ruộng, mà bây giờ có gia đình trẻ chỉ có 1-2 sào ruộng vì những người sinh sau năm 1993 không có ruộng, trong khi tất cả ăn uống, sinh hoạt, chi tiêu của người dân nông thôn đều phải trông vào ruộng. Mà lại đóng góp quá nhiều thì dân chịu sao nổi?


Nông thôn không được đầu tư xứng tầm, trong khi việc lạm thu càng khiến nông dân kiệt quệ

Mất niềm tin: Đáng báo động

Qua theo dõi loạt bài “Ngân sách nào kham nổi” trên NNVN và qua những gì thấy trong thực tế, việc thu quá nhiều các khoản phí để nuôi bộ máy cán bộ như hiện nay sẽ dẫn đến điều gì?

Nhà nước có quy định cụ thể tùy số dân của xã sẽ được 19-23 chức danh. Các chức danh này ngân sách nhà nước nuôi. Các đoàn thể quần chúng thì cấp trưởng được nhà nước trả phụ cấp, còn cấp phó thì không. Cái đó đã rõ. Nhưng ở nông thôn hiện nay tôi thấy các hội đẻ ra nhiều. Mà các hội được đẻ ra thì phải có kinh phí để hoạt động. Xin huyện không có thì phải xin xã. Xã không có thì bổ xuống thôn. Thôn không có thì bổ xuống dân, bắt dân đóng góp. Điều đáng nói ở đây là đóng góp không tự nguyện. Đến mùa dân thu hoạch lúa, hay dân có khoản tiền gì đó thôn, xã cầm là trừ luôn. Dân không nộp thì gây khó dễ từ đó đẩy người nông dân vào thế không đóng không được. Người dân đã nghèo lại càng nghèo thêm, không có cơ hội để vươn lên được.

Kinh nghiệm qua sự kiện Thái Bình cho thấy, đừng có tham quá, mà thu hết chương trình nọ đến chương trình kia, đến một ngưỡng nào đó họ không chịu nổi thì sẽ bùng nổ, sẽ gây mất ổn định ở cơ sở.

Thưa ông, người dân nông thôn bây giờ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, họ không chỉ bức xúc vì buộc phải đóng các khoản phí, mà họ còn bức xúc nhiều cái khác, tất cả những cái đó cộng lại phải là một nguy cơ lớn không?

Thứ nhất, người dân ở những nơi bị thu hồi đất bức xúc khi lấy đất của họ rất rẻ, đưa cho nhà đầu tư đầu tư 1 họ thu về 10, người dân mất hàng 100. Giải quyết công ăn việc làm thì làm không đến nơi đến chốn, làm cho có, đẩy những người dân bị thu hồi đất không có việc làm, ra khỏi quá trình CNH, HĐH.

Thứ hai, người dân nông thôn bức xúc khi thấy ngoài xã hội có quá nhiều việc làm tiêu cực không thể hiểu được, trong khi họ thì quá vất vả đầu tắt mặt tối một sương hai nắng với thửa ruộng cây lúa củ khoai, ăn dè hà tiện mà vẫn còn quá nghèo, khoảng cách giàu nghèo giữa người nông dân và cán bộ, giữa nông thôn và thành thị ngày càng quá lớn.

Thứ ba, người dân nông thôn bức xúc khi hàng ngày, câu chuyện cửa miệng của họ với nhau là cán bộ tham ô, tham nhũng, lãng phí; mở mắt ra sau mỗi buổi sáng là đài báo nói về vụ tham nhũng này, vụ tiêu cực kia…

Trong khi họ phải đóng góp nhiều, để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Tất cả những bức xúc đó rất dễ dẫn đến khiếu kiện, đấu tranh. Người dân mất dần niền tin. Đây là điều đáng báo động.   

Ban phát chức tước để bao che nhau

Thưa ông, trong 4 năm chúng ta thực hiện tinh giảm biên chế, biên chế nhà nước lại tăng lên đến 25%, càng quyết tâm giảm thì càng tăng, ở nhiều nơi, họ ban phát chức tước cho nhau thoải mái, có xã ở Thanh Hóa có đến 500 cán bộ. Đằng sau số cán bộ đông như quân Nguyên ấy là gì?

Ở nông thôn, việc lôi kéo người trong dòng họ, lôi kéo những người cùng thôn xóm, lôi kéo những người có cùng “tư tưởng” chính là để phục vụ cho lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Cái này hiện nay còn diễn ra ở nhiều nơi. Nếu một người cán bộ vì dân thực sự, như một Chủ tịch xã ở Hà Tĩnh nói, nếu cho anh ấy có quyền quyết định, anh ấy chỉ cần ½ số cán bộ hiện nay vẫn làm tốt hơn. 

Sai lầm chưa đầu tư xứng đáng cho nông dân

Ông có cho rằng để xảy ra tình trạng như hiện nay, cấp xã vừa đáng thương lại vừa đáng trách không?

Đúng là về mặt nào đó mình thấy thương cấp xã. Thương vì họ ở cái cấp cuối cùng và là cấp nghèo nhất. Nhưng tất cả mọi thứ đều đổ lên đầu họ. Mọi chủ trương chính sách pháp luật của nhà nước họ đều là người đứng ra triển khai, đưa vào cuộc sống, thực hiện khâu khó nhất mà tiền ít nhất. Mọi công việc của dân họ đều phải trực tiếp giải quyết. Cán bộ thì không được đào tạo bài bản. Ngân sách thì có phải xã nào cũng có chợ, có bến đò mà thu được vài triệu đồng/tháng đâu. Đa số xã là không có nguồn thu gì. Nguồn thu duy nhất mà khả năng của họ có thể làm được là dân đóng góp.

Nhưng cấp xã cũng là cấp đáng trách, nhiều nơi họ lợi dụng chính sách để tham ô, tham nhũng. Điển hình là từ bán đất và thu phí của dân. Cơ sở hạ tầng ở thôn, xã có được như bây giờ không bán đất và bắt dân đóng góp thì lấy tiền đâu ra mà làm. Nhà nước cho được bao nhiêu? Nhưng hễ làm là có tiêu cực.

Như vậy nguyên nhân sâu xa là tại cơ chế của chúng ta?

Nguồn cơn chính, sai lầm chính là do Nhà nước đã không đầu tư xứng đáng cho nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Trong hầu hết các đại gia của đất nước này hiện nay, có nhiều đại gia đã đi lên từ sản xuất. Nhưng cũng không ít đại gia giầu lên từ đất là chính đấy chứ. Chính sách của chúng ta đền bù cho dân 1 đưa cho các đại gia để họ bán được 10. Đó là chính sách cho đại gia hay chính sách cho nông dân? Có chính sách nào thu của nông dân 1 để nông dân bán được 10 không? Có nhưng ít lắm. Chúng ta cần có chính sách thu của nông dân ít đi, nhưng đầu tư và cho nông dân nhiều hơn.

Nếu ở đâu đó trên đất nước này có một sự kiện giống như Thái Bình thì cũng chính là từ sai lầm không đầu tư cho nông nghiệp nông dân nông thôn xứng đáng. Chúng ta có những tập đoàn được đầu tư với nguồn kinh phí rất lớn, nhưng kém hiệu quả thậm chí còn gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Trong khi đó nông nghiệp – nông dân – nông thôn ít được đầu tư nông dân vẫn tự bươn chải. Từ khi chúng ta thực hiện Nghị quyết TW 27 khóa X về nông nghiệp nông dân nông thôn, với chương trình “xây dựng nông thôn mới” đang được Nhà nước đầu tư, nhưng vẫn còn nhỏ lắm. Tôi phải nhắc lại là, cơ sở để chúng ta CNH chính là từ những tích lũy của nông nghiệp trước đây đấy.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm