| Hotline: 0983.970.780

Đừng đùa với tiền ảo

Thứ Bảy 05/05/2018 , 08:30 (GMT+7)

Sau vụ sập sàn giao dịch tiền ảo iFan của Cty Modern Tech tại TP.HCM dẫn đến thiệt hại 15 ngàn tỷ đồng cho các nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo.

Tuy nhiên, vòi bạch tuộc kêu gọi đầu tư tiền ảo vẫn len lỏi khắp nơi, thậm chí tràn về các vùng nông thôn để chiêu dụ những người nhẹ dạ cả tin. Để giúp bạn đọc hiểu hơn về tiền ảo, chúng tôi xin cung cấp những thông tin cần thiết!

15-14-33_bitcoin
Bitcoin chưa được công nhận giá trị giao dịch tại Việt Nam

Đồng tiền ảo iFan vừa gây ra cơn ác mộng cho nhiều người, thực chất là phiên bản Việt của đồng Bitcoin. Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2009, Bitcoin - một đồng tiền ảo được tạo ra trong vô vàn nghi hoặc về sự tồn tại của nó, nhưng lại tạo ra “cơn sốt” trong giới đầu tư, và liên tục thiết lập những kỉ lục về giá. Đỉnh điểm, tháng 9/2017, mỗi Bitcoin được giao dịch với giá 4.000 đô la Mỹ. Đồng thời, Bitcoin đã kéo theo sự ra đời của hàng trăm loại tiền ảo khác như Ethereum, Ripple, Litecoin…

Lời rao giảng thường xuyên được những kẻ đầu cơ và kêu gọi đầu tư tiền ảo với đám đông: “Bitcoin không phải là đồng tiền dành cho một chính phủ, nó là đồng tiền toàn cầu dành cho người dân”.

Thực tế, Bitcoin vẫn cực kỳ mơ hồ và bất cập. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích: Khởi đi từ khái niệm “tín tệ” hay niềm tin, đồng Bitcoin hay các loại tiền ảo khác không là “tín tệ” do một nhà nước phát hành và giữ vai trò đảm bảo sau cùng nếu có tranh chấp về cách đếm hoặc cách thanh toán. Đó là một phát minh mới nhờ khoa học mở bung chân trời giao dịch giữa các tác nhân kinh tế trên toàn cầu qua không gian điện toán hết còn biên giới. Niềm tin nếu có là từ các tác nhân kinh tế khi nghĩ “đồng bạc ảo” này sẽ có giá trị cao hơn trong tương lai qua một số giai thoại được loan truyền.

Nhưng khi đó, chúng ta lại có hai yếu tố cần chú ý. Thứ nhất là tiến bộ về thuật lý điện toán khiến ta có thêm phương tiện tiếp xúc, liên lạc và giao dịch mà tưởng là chẳng còn bị ai kiểm soát nữa. Đấy là một ảo giác vì trên các mạng giao dịch ẩn danh đó, nhiều người vẫn có thể xâm nhập, tác động và thậm chí đánh cắp như ta đã thấy qua việc một số tin tặc lấy cả Bitcoin lẫn thông tin về lý lịch của ba vạn người giao dịch. Nhưng đấy mới chỉ là phần nổi. Yếu tố thứ hai cũng xuất phát từ tâm lý lạc quan. Khi vừa có phát minh mới, có người tưởng ăn trùm thiên hạ mà chẳng biết rằng ngoài vòm trời này còn có vòm trời khác. Vì vậy, một số người Việt thiếu am hiểu không chỉ nghĩ đến đầu tư mà còn muốn đầu cơ, và sẽ lỗ to.

Do thuật lý hiện đại, người ta phát minh loại tiền ảo vượt qua biên giới quốc gia, gọi là “crypto currencies” tạm dịch là “tiền tệ mật mã hóa”, hay nói cho gọn mà vẫn đúng dù có chút mỉa mai là “tiền mã”. Xuất hiện từ gần 10 năm nay, đồng Bitcoin tiêu biểu của loại tiền mã đó đã gây chấn động vì năm nay tăng giá khoảng 1.500%. Cơn sốt Bitcoin bùng nổ vì mấy con số kinh hãi đó nhưng ít ai hỏi có bao nhiêu người lời như vậy, họ ở đâu, lấy tiền ấy làm những gì?

Còn tiến sĩ Châu Đình Linh ở Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM lý giải cụ thể: Bitcoin là gì? Là tiền, là một dạng vàng, là sự cám dỗ, là lòng tham... Nếu nói Botcoin là tiền, thì ai cầm tiền sẽ cầm quyền đòi một lượng hàng hóa tương đương do một quốc gia phát hành tiền - nếu là tiền mặt. Vậy nếu cầm Bitcoin thì quốc gia nào sẽ chịu trách nhiệm thanh toán một lượng hàng hóa tương đương? Câu trả lời là rất ít quốc gia công nhận. Nhưng hề chi, thanh toán ngang hàng (peer to peer) giữa các chủ thể kinh tế khác nhau công nhận là được (nhưng mức độ tin tưởng sẽ ra sao với Chính phủ một quốc gia?). Nên Bitcoin mang bản chất "một nửa tiền” rất khó nắm bắt và không dành cho những người lơ mơ về thế giới tài chính.

Nếu nói Bitcoin là vàng, thì sao? Đối với vàng thì đã từng là dạng cơ bản của tiền vì thỏa mãn các yếu tố dễ phân biệt, bền vững, ổn định về lượng sẵn có, giá trị nội tại không bị biến động liên tục... Nên Bitcoin khó mà trở thành dạng vàng được. Nếu nói Bitcoin là sự cám dỗ và lòng tham, thì chắc đúng. Với câu hỏi "bạn mua Bitcoin để làm gì?" đều nhận câu trả lời "kiếm lời nhanh". Nhưng cái gì quá nhanh đều quá nguy hiểm. Đừng để sự cám dỗ và lòng tham trở thành cú hích làm bạn ra quyết định, mà chính bạn lại tù mù về quyết định đấy.

Bà Lại Việt Anh, Cục phó Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Bộ Công thương, cho biết: Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định về tiền ảo. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo này!

(Kiến thức gia đình số 18)

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.