| Hotline: 0983.970.780

Dựng tượng Trịnh Công Sơn ở Quy Nhơn có ý nghĩa ra sao?

Thứ Ba 13/10/2020 , 19:57 (GMT+7)

Công trình “Tượng nghệ thuật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” vừa được tỉnh Bình Định khánh thành tại bờ biển Quy Nhơn, không chỉ có giá trị một cảnh quan.

Tác phẩm nghệ thuật của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới.

Tác phẩm nghệ thuật của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới.

Trịnh Công Sơn (29/2/1939- 1/4/2001) là tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Trịnh Công Sơn cùng với Văn Cao và Phạm Duy, là ba nhân vật có tầm vóc vượt trội so với những nhạc sĩ khác. Dựng tượng Trịnh Công Sơn ở đâu, cũng là một nghĩa cử tôn vinh một bậc tài hoa của đất nước. Thế nhưng, dựng tượng Trịnh Công Sơn ở thành phố Quy Nhơn có nhiều ý nghĩa đặc biệt.

Dự án xây dựng “Tượng nghệ thuật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định phê duyệt từ tháng 1/2019. Tác phẩm “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với ca khúc Biển Nhớ” của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới, đã được chọn để thi công.

Bức tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được thực hiện với thời gian 20 thàng là tác phẩm cao 2,4m được làm bằng chất liệu đá granite xám trắng. Phần bệ tượng gồm có 2 vòng tròn đồng tâm, ở tâm là khối bát giác giật 3 cấp đều. Vòng tròn 1 có bán kính 5m trồng hoa, bó vỉa bằng chất liệu đá granite. Vòng tròn 2 có bán kính 3,6m trồng cỏ, bó vỉa bằng chất liệu đá granite. Khối bát giác ở tâm hình tròn có cạnh là 1,4m, giật đều lên 3 cấp; cốt đỉnh của khối bát giác cao 0,75m.

Bên cạnh bức tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngồi ôm đàn ghi ta, là ca khúc “Biển nhớ”. Nếu tìm một mối liên hệ giữa bức tượng và ca khúc thì hơi khó. Bởi lẽ, bức tượng thể hiện nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở độ tuổi trung niên, còn ca khúc “Biển nhớ” được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết thời thanh niên.

Không chỉ tạo điểm nhấn cho cảnh quan bờ biển Quy Nhơn, bức tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn có giá trị văn hóa khi nhắc nhở công chúng về một dấu vết sáng tạo nghệ thuật. Bởi lẽ, ngoài quê nhà Huế, thì có hai vùng đất mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lưu trú và có cảm hứng viết nên những ca khúc nổi tiếng là thành phố Quy Nhơn- Bình Định và thành phố Bảo Lộc- Lâm Đồng. Cụ thể hơn, thành phố Quy Nhơn là nơi Trịnh Công Sơn đi học, còn thành phố Bảo Lộc là nơi Trịnh Công Sơn đi dạy.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn từ năm 1962 đến năm 1964. Ca khúc “Biển nhớ” là tác phẩm đầu tiên Trịnh Công Sơn viết ở Quy Nhơn, khi vừa bước chân vào giảng đường đã phải lòng cô bạn học Tôn Nữ Bích Khê. Niềm riêng với thiếu nữ quê Nha Trang kia đã được Trịnh Công Sơn khéo léo lồng ghép trong lời ca “trời cao níu bước Sơn - Khê”.

Bản nhạc 'Biển nhớ' được đặt cạnh bức tượng Trịnh Công Sơn.

Bản nhạc "Biển nhớ" được đặt cạnh bức tượng Trịnh Công Sơn.

Sau mối tình vô vọng “ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng, hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn, nghe ngoài biển động buồn hơn”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn những ngày ở thành phố Quy Nhơn đã viết tiếp một loạt ca khúc khác, như “Dấu chân địa đàng” (1962) “Hành hương trên đồi cao” (1962) “Gọi tên bốn mùa” (1963) “Nắng thủy tinh” (1963) “Lời của dòng sông” (1964) “Lời mẹ ru” (1964) “Mưa hồng” (1964) “Còn tuổi nào cho em” (1964) “Gọi đời lên mau” (1964) “Xin mặt trời ngủ yên” (1964)…

Ngày rời khỏi thành phố Quy Nhơn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết ca khúc “Tạ ơn” tha thiết: “Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn au đã cho tôi còn những ngày ngồi mơ ước cùng người. Ôi, mênh mông tháng ngày vắng em, tình như lá bỗng vàng bỗng xanh. Em ra đi như thoáng gió thầm, để lại đây thành phố không hồn...”

Cần nhớ rằng, chính phong trào học sinh - sinh viên ở thành phố Quy Nhơn đã ươm mầm ý thức phản chiến cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Để khi lên Bảo Lộc- Lâm Đồng dạy học từ năm 1964 đến năm 1967, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bùng nổ dòng ca khúc Da Vàng với “Du mục”, “Đại bác ru đêm”, “Chờ nhìn quê hương sáng chói”…

Tuy nhiên, có một dấu ấn sáng tạo của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở thành phố Quy Nhơn mà rất ít người nhắc đến, là ca khúc “Dã tràng ca” viết cuối năm 1962. Đây là bài hát dài nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, gồm 13 đoản khúc. Khi trình diễn trước sinh viên sư phạm Quy Nhơn, “Dã tràng ca” còn được giới thiệu với một tên gọi khác là “Trường ca tiếng hát Dã Tràng”.   

Xem thêm
Diễn viên Bình An thoát nạn khỏi đám cháy

Tối 17/5, đám cháy bùng phát tại toà nhà ở số 1174 Đường Láng(Hà Nội) khiến nhiều người bị mắc kẹt, trong đó có diễn viên nổi tiếng Bình An

Pháp công bố danh sách dự EURO 2024: Kante trở lại

Tối 16/5, HLV Didier Deschamps công bố danh sách chính thức 25 cầu thủ tuyển Pháp tham dự EURO 2024. Tiền vệ Kante có tên trong danh sách sau 2 năm vắng mặt.

Quang Hải sang Nhật Bản?

Tiền vệ Quang Hải sẽ rời CLB CAHN vào cuối mùa giải này khi hợp đồng đôi bên đáo hạn, nhằm chuẩn bị cho bước tiếp theo trong sự nghiệp.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.