Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, được Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và TP Hải Phòng tổ chức ngày 19/10.
Sự kiện được kết nối trực tuyến tới 26 điểm cầu là các Quân khu, Bộ Chỉ huy Quân sự, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh trên con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển.
Góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình, quyết tâm đoàn kết một lòng vượt qua mọi gian lao, thử thách, đặc biệt trước đại dịch Covid-19.
Hội thảo tiếp nhận gần 90 báo cáo, tham luận của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, các quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, nhân chứng lịch sử.
Các tài liệu đi sâu phân tích, luận giải từng nội dung cụ thể nhưng tất cả đều tập trung làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn “Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.
Dự hội thảo, các đại biểu dự hội thảo khẳng định, đường Hồ Chí Minh trên biển là một thành công lớn, một bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, là sự kết hợp hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần để tạo nên sức mạnh to lớn và bền vững.
Những chiến công và bài học kinh nghiệm của đường Hồ Chí Minh trên biển mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân ta nói chung, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng, nhất định sẽ trường tồn và phát huy tác dụng to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng cho biết, đường Hồ Chí Minh trên biển với những chiến công hiển hách, đi vào lịch sử dân tộc đã chứng minh đây là một trong những phát kiến xuất sắc nhất của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chỉ viện cho chiến trường miền Nam.
Đường Hồ Chí Minh trên biển đã minh chứng cho sự chủ động, nhạy bén của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Quốc phòng, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất, trí thông minh, lòng dũng cảm, khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước của quân và dân ta.
Từ đây, nhiều bài học lịch sử và kinh nghiệm về chỉ đạo chiến lược, sự phát triển nghệ thuật quân sự đặc sắc của chiến tranh cách mạng Việt Nam đã được đúc kết có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, vận dụng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Chiều 19/10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có buổi gặp mặt thân mật đoàn đại biểu cựu chiến binh đoàn tàu không số nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ mang tên “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí đã xuất bến từ Đồ Sơn, sau đó cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Tiếp đó, 3 tàu gỗ khác là “Phương Đông 2”, “Phương Đông 3”, “Phương Đông 4” tiếp tục xuất phát từ Đồ Sơn chở vũ khí vào chiến trường tiếp sức cho cuộc chiến đấu của quân và dân Khu 9.
Từ những thành công ban đầu, T.Ư quyết định khẩn trương xây dựng bến tàu ở Đồ Sơn (ký hiệu K15) bảo đảm cho Đoàn 759 có thể đưa tàu lớn vào lấy hàng và say đó, K15 trở thành “mốc số 0” của con đường vận chuyển chiến lược trên Biển Đông, cung cấp vũ khí cho chiến trường.
Theo thống kê, sau gần 4 năm (11/1962-2/1965), vượt qua khó khăn gian khổ, với lòng quả cảm và tinh thần “vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, cán bộ, chiến sĩ trên những “con tàu không số” đã vận chuyển được 4.920 tấn hàng hóa, vũ khí.
Trong kháng chiến chống Mỹ, từ Đồ Sơn, đã có nhiều con tàu, chuyến tàu lên đường vào tiền tuyến, từ tháng 4/1962-4/1972, đã có gần 100 chuyến tàu vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, phương tiện, thuốc men và hàng nghìn cán bộ chi viện cho chiến trường.
Với sự chi viện kịp thời, đồng bào miền Nam có vũ khí, trang bị kỹ thuật để đẩy mạnh chiến tranh du kích, đồng thời phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực mở và giành thắng lợi nhiều chiến dịch lớn, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến.