| Hotline: 0983.970.780

Dường như cái vỏ vật chất nổi lên, hồn tết quê đã vỡ vụn, rách nát!

Thứ Tư 28/02/2018 , 08:44 (GMT+7)

Hơn chục năm đi làm ăn xa nhưng năm nào tôi cũng về quê ăn tết. Cảm giác của tôi, tết quê bây giờ vui, buồn lẫn lộn. Dường như cái vỏ vật chất nổi lên, còn cái hồn tết quê đã vỡ vụn, rách nát. Nhất là lớp trẻ đi làm ăn xa đã mang về quê lối sống, suy nghĩ khác xưa.

Tết xưa ấm áp tình người

Có những người bạn thủa hàn vi thương nhau quả cà cũng chia làm ba. Lớn lên đi học, ra trường lập thân, mỗi người một việc, ít có cơ hội gặp nhau. Một bạn giờ làm Giám đốc, một bạn làm kinh doanh nhỏ ở cái Thị xã Ngàn Hống quanh năm mong có nhiều người kết duyên để hành nghề.

Mùng 5 tết, nhận được điện thoại của người bạn ở Ngàn Hống gọi nói lý do bà ngoại ốm nên chẳng gặp được nhau. Chỉ tiếc người bạn làm Giám đốc, khi thấy mặt nhau rồi mà chẳng chạm tay được vào nhau như cái thủa hàn vi. Hôm đó, tôi đi xe máy, từ xa thấy bạn đang lái xe ô tô chở vợ. Tôi ra tín hiệu và chủ động dừng xe máy bên vệ đường.  

Nghĩ bạn sẽ xuống xe cùng tôi bắt tay hỏi thăm nhau. Song điều đó đã không xảy ra. Bạn hạ kính xe và nói, chiều gặp nhau nhé, rồi phóng xe đi. Tôi lên xe hì hục mãi chiếc xe máy mới nổ, tôi không vù ga mà chạy chậm rãi trên đường quê.

Cứ thế, tôi đi một mạch từ đầu làng đến cuối xóm rồi chạy thẳng vào đường 70, con đường in dấu chân cha, mẹ, anh, chị và cả tôi một thời nghèo đói. Con đường đó giờ đã được bê tông thay cho trước đây lồi lỏm dấu chân người và dấu chân trâu, bò vào rừng. Từ làng vào đến đường 70 trước đây đi bộ 2 – 3 tiếng đồng hồ, giờ tôi đi chưa đầy 40 phút. Cái dốc Cồn Đỏ cao chót vót ngày xưa giờ chẳng còn, nó đã được san phẳng và lọt thỏm trong khuôn viên một trang trại lợn.

Tôi không để ý những gì xung quanh, cứ thế xe chạy chậm. Tôi nghĩ về những người phụ nữ ở quê. Mẹ là người tôi nghĩ nhiều nhất. Năm nay mẹ 76 tuổi, vẫn chưa hết lo toan. Mẹ bảo, các con sum vầy, mẹ, cha vui tết. “Thằng Tiến không về nhưng gửi về cho cha, mẹ vài trăm mua quà. Các anh ở nhà làm nông, đứa cân thịt, người con cá. Trong vườn cha mẹ trồng được rau và nuôi được gà. Đứa đi ra về mua cho cha mẹ cây quất, cân giò và mấy cân gạo nếp người ta biếu. Thế là, cha, mẹ có tết”, mẹ nói mà nước mắt con chực trào.

Hơn hai mươi năm trước, tết với chúng tôi là no vì chỉ có tết, cả nhà tôi và nhiều gia đình mới có cơm rặt ăn (cơm không độn) và có thịt lợn nữa. Đằng đẵng thời gian trôi như vậy mà giờ cái giàu ở quê vẫn là niềm khát khao mãi xa xăm.

Hôm trên đường từ Hà Nội về đi qua cánh đồng, tôi thấy giữa mênh mông ruộng lúa lóp ngóp một người phụ nữ đang cặm cụi giặm từng cây lúa non. Nghe tiếng hỏi của tôi, người ấy ngước lên và tôi nhận ra đấy là chị Hòa.

Vâng! 29 tết, hầu hết các gia đình đã tất bật sắm sanh đồ đạc cho mấy ngày tết. Thế nhưng chị Hòa vẫn phải ngụp lặn ở đám ruộng sâu. Chị bảo, tranh thủ nắng ấm và lúc ruộng còn nước, chứ ra tết sang chiều mùng 3 chị phải vào Đồng Nai chăm lo cho đứa con gái chuẩn bị sinh cháu. Hỏi chị tết nhất đến đâu rồi, chị bảo, năm nay mổ con lợn 58 cân. Thế là coi như tết.

Cũng chiều hôm đó, O Lục (thường gọi bà Hải Quỳnh) xuống nhà gói bánh chưng cho gia đình. Nhìn khuôn mặt khắc khổ của O, tôi thấy thương O vô cùng. Chồng O mất sớm, mình O lặn lội khắp ngang cùng ngỏ hẻm, trườn qua những ngọn đồi cao chót vót, luồn sâu vào rừng để đốn từng gánh củi về đổi lấy gạo nuôi con; chạy từng gánh cỏ tra (cỏ già) về đổi lấy công cày bừa. Trăm công, nghìn việc, mình O cáng đáng để nuôi các con lớn lên rồi dựng vợ, gả chồng, yên bề gia thất.

Gia đình tôi tết nào cũng gói bánh chưng. Năm nay O Lục và anh Hiền gói giúp vì cha tôi mệt. Còn tôi thì ngồi rêu rao chuyện cũ bên bếp hồng trông nồi bánh chưng cùng cha và chị gái.

Chồng O mất được mấy năm thì lần lượt một con trai, một con gái cũng ra đi vì ốm nặng, không có tiền thuốc thang. O khóc khô cạn nước mắt, bị mù lòa ròng rã cả chục năm trời. Khoảng 8 – 9 năm lại nay một mắt của O đã sáng bình thường nhờ Trung tâm mắt Hà Tĩnh và Bệnh viện mắt Trung ương can thiệp.  

Bên nồi bánh chưng hôm nay, tôi nghe được O kể những năm tháng khó khăn đầy vất vả, nhất là những ngày tết. O bảo, vất vả thế song tết xưa là đoàn viên, cơm chia bát, khoai chia củ nhưng ấm áp tình người. Nói rồi mắt O ngấn lệ “O phải lên Hằng Hùng mua cân nếp về gói bánh mai cúng cho dượng”. Tôi nhìn theo bước chân O…

Sáng 30 tết, khi mọi người tất bất làm mâm cơm cúng gia Tiên, tôi nhận được điện thoại của chú Phong nhà cạnh O, bảo cháu ơi, bà Hải Quỳnh đang cấp cứu trên bệnh viện. Tôi gọi điện thoại ngay gặp con gái O, đầu dây kia nó khóc sụt sịt bảo, vào đến viện là mẹ được chỉ định mổ luôn anh ạ. Chúng tôi, tất tả lên viện với O. Thế là cái tết thứ hai O ăn tết trong viện. Tết năm ngoái đứa cháu đi xe máy va vào, tay O bị đau. Đến tết này O nằm viện vì bị thủng dạ dày. Thật là một cái Tết buồn…

Chỉ có đảm trẻ với Tết là vui khó tả. Con gái tôi mỗi lần về quê đều đòi ông nội làm cho cái đu. Thế là cùng đám trẻ con hàng xóm nữa thay phiên nhau chơi đu suốt cả ba ngày Tết.
 

Tuổi trẻ hẹn ước gì với mùa xuân?

Nhà cha mẹ tôi cấp bốn làm từ năm 1976 đến nay đã quá cũ kỹ, lọt thỏm giữa bốn bên nhà hàng xóm loa hát inh ỏi suốt mấy ngày tết. Cha tôi hơn 80 tuổi, tôi hỏi tiếng loa nghe vậy cha thấy khó chịu không để con bảo với các cháu, cha bảo, không sao, để cho chúng vui, cũng chỉ mấy ngày tết thôi. Ra tết, chúng lại lũ lượt đứa Bắc, người Nam đi kiếm sống, chứ ở quê giờ có gì để mà làm đâu. Ruộng thì ít; đất đồi, đất màu ngày xưa nhiều còn có mà trồng khoai, trồng lạc quanh năm chứ giờ người ta chia lô, chia khoảnh hết cả rồi.

“Tội mấy đứa đi làm ăn xa, để con nhỏ ở nhà cho ông bà, người thân một cách nheo nhóc. Đáng tội, vợ chồng xa cách nên có không ít điều đàm tiếu ra vào khiến cho cuộc sống hạnh phúc gia đình không ít bọn trẻ bây giờ bị rạn nứt trước nguy cơ đổ bể. Nhiều đứa đi về đầu tóc nhuộm đỏ, nhuộm xanh, quần áo mặc xộc xệch, hỏi chúng vợ con đến đâu rồi mà câu trả lời còn mông lung chưa biết đi đâu về đâu”, cha tôi buồn rầu.

Chỉ có giải bóng đá truyền thống do Đoàn thanh niên và Ban văn hóa xã tổ chức vào dịp tết đến xuân về duy trì liên tục 15 năm nay là nơi kết tinh đoàn kết, niềm vui cho quê hương trong ngày tết cổ truyền dân tộc. Tôi vui mừng vì một giải đấu được tổ chức khá bài bản và phát huy được tinh thần yêu quê hương, mê bóng đá của nhân dân trong xã nhà.

Điều thú vị của giải đấu là tất cả cầu thủ của các đội không qua một ngày tập luyện và danh sách các cầu thủ không được đăng ký trước. Giải bắt đầu từ 24 tháng Chạp và kết thúc vào chiều mùng 6 tết. Cứ con cháu đi ra về quê ăn tết là tham gia vào đội ở từng trận đấu. Mỗi thôn một đội, trước giải các đội cử đại diện lên bốc thăm chia bảng, trải qua vòng bảng chọn đội vào bán kết, chung kết. Ban tổ chức cũng kêu gọi được tài trợ như áo quần, Cúp, tiền thưởng...

Lửa trại bừng sáng mừng xuân Mậu Tuất, mừng giải bóng đá truyền thống quê hương thành công, mừng tiễn tân binh lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc!

Đặc biệt, chứng kiến các trận đấu, khán giả đã động viên các đội, dù ít dù nhiều, người vài chục ngàn đến người vài trăm cộng lại, sau giải cũng có đội được 5 – 6 triệu, thậm chí là chục triệu. Thế là tiền ủng hộ nhiều hơn tiền giải.

Họ lại tổ chức liên hoan. Có thôn kết hợp vui liên hoan văn nghệ, đốt lửa trại, uống rượu mừng tiễn tân binh lên đường nhập ngũ trong hân hoan mừng thành công của đội bóng. Lửa trại bừng sáng, tiếng hát mừng xuân rộn ràng trong niềm vui của ngày tết quê hương.  

Thấp thoáng trong ánh điện và ngọn lửa hồng, tôi nhìn thấy sự bịn rịn chia tay của đôi bạn trẻ. Ngày mai, trong số họ sẽ có người lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, có người ở nhà hoặc vào Nam làm việc. Họ trao cho nhau kỷ vật làm kỷ niệm, nắm chặt tay nhau cam kết giữ trọn lời thề nguyện ước trước mùa xuân.

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất