| Hotline: 0983.970.780

Tết quê cứ ăn và uống, uống và nói, mấy ngày tết ước... 'một bữa cơm'

Thứ Ba 27/02/2018 , 06:30 (GMT+7)

Không thể phủ nhận kinh tế phát triển, cái tết quê đã đủ đầy hơn trước. Nhưng giàu có, có vì thế làm cho cái tết quê vui hơn? Mời bạn đọc tiếp tục "ăn tết quê" cùng với PV NNVN.

I. Sáng mùng 5 tết, Nam - thằng bạn thân thuở chăn trâu gọi điện, giọng méo mó vì uống quá nhiều rượu: “Tao đang ở Thanh Chương! Mày tranh thủ sang chơi, sáng mai đi rồi! Đi chứ ở nhà có được bữa nào no bụng đâu?”.

Tôi nhảy xe bus về. Chuyến xe đầu năm chật như nêm cối, người đi du xuân, người về quê chúc tết. Vẻ mệt mỏi hiện trên từng khuôn mặt. Mùi rượu bốc lên nồng nặc. Một vài giọng nói lè nhè, xèn xẹt như đài cát xét hết pin. Chẳng ai còn hơi sức chuyện trò, tôi tìm vị trí thuận lợi làm giấc ngủ…

Nghĩ về Nam, tôi nhớ đến biến cố lớn nhất trong cuộc đời nó. Gần 25 năm trước, sau đận làm ăn đổ bể, số tiền nợ nghe đâu đủ mua được nửa đất làng Chùa, Nam bỏ làng đi biệt xứ. Biền biệt 10 năm, một ngày cuối đông, Nam chở vợ con trên chiếc xe trị giá cả mấy chục cây vàng, về quê trả hết nợ nần.

08-15-40_cnh-cho-xe-di-vo-mien-nm-lm-n-cu-nguoi-dn-lng-chu
Cảnh chờ xe vào miền Nam của người dân làng Chùa

Vài năm sau, Nam đưa bố mẹ vào Sài Gòn. Sau khi song thân khuất núi, Nam xây dựng nhà thờ khang trang trên đất hương hỏa, tết nào cũng về quê hương khói. Năm nay, chiếc ô tô tiền tỷ đưa vợ chồng Nam vừa đỗ xịch trước cổng thì người làng túa đến. Đi đến đâu vợ chồng Nam cũng được kẻ mời cơm, người thết rượu thịt.

"Tết ơi, hết rồi. Trong tâm khảm bao người hẳn sẽ đầy nuối tiếc dẫu chẳng nói nên lời.
Đã gần 20 ngày trôi qua kể từ ngày ông cá chép đi chầu. Bao lo toan, bao ước vọng và hân hoan, bao dự định và toan tính... cũng đã qua. Mọi việc có lẽ đã đòi hỏi sự đáp ứng của con người từ sớm hơn.
Nhưng hỡi ôi! Sao tết dài quá! Tết vẫn chất đầy những lon bia, những băng rôn khẩu hiệu, những tiếng hô vang và chúc tụng, những nhọc nhằn uể oải của một khởi sự mới sau vài chục ngày hoan hỉ. Mọi thứ lại bắt đầu đầy chậm chạp, biếng nhác và dễ dãi!
Những cuộc gặp mặt và lễ hội chưa bao giờ biết đến tự trọng. Sự khoe khoang vốn dĩ là một ngụy tạo cho sự cô đơn trống rỗng, yếu mềm vẫn chưa bao giờ có hồi kết. Và sự nghèo đói, tham ăn tham chơi vẫn chưa thể đổi thay. Ôi! Tết ơi. Ta thật sự đói, cần một tô mì gói với thịt bò!"

(Facebook Tran Dang)

Tết quê bây giờ đã thành "dịch", cứ ăn và uống, uống và nói, chỉ biết có người nói, không cần biết có ai nghe mình nói không? Gần như cả tết không có được một bữa no, là thế.

 

II. Phải đến cuối tháng Chạp, khi lúa ngoài đồng cấy xong, người dân làng Chùa (Thanh Chương, Nghệ An) bắt đầu soạn sửa đón năm mới. Ấy là cái lệ diễn ra từ bao đời nay. Vài năm lại đây, thay vì ra chợ mua thịt, cá, người làng Chùa thi nhau đụng lợn, trâu bò... ăn tết.

Cũng chưa hẳn tết nay hơn tết xưa, nhưng giá lợn xuống đến đáy, ra chợ mua thực phẩm tốn kém, người dân quay lại thời kỳ tự cung tự cấp. Từ đầu làng đến cuối xóm, nhà nào cũng rượu, lòng lợn, tiết canh. Nam không bỏ được cái món khoái khẩu ấy nhưng với hai đứa con, hễ nhìn thấy tiết canh là chúng lắc đầu.

Chiều 30 tết, đã chuẩn bị đầy đủ bánh, thịt, dưa hành, dọn dẹp xong nhà cửa, đám thanh niên hò nhau chất đầy củi khô, dựng thành tháp ở nhà văn hóa thôn chuẩn bị một đêm thức trắng đón giao thừa. Toàn đứa tóc xanh, tóc vàng, tuổi choai choai, nhìn không nhận ra con cái nhà nào.

Khoảng 8 giờ tối, thanh niên vui văn nghệ, mừng xuân. Thôn cũng tận dụng triệt để dịp tết mời gọi con em xa quê về đóng góp xây dựng quê hương. Cái sự ấy năm nào cũng có, và không chỉ đêm 30 mà còn làm vào ngày mùng 3 tết, tức là ngày yến lão...

Khi tháp lửa đỏ rực trời, tiếng nổ lét đét vang xa thì mấy thăng choai choai tóc đỏ rực như máu, tai đeo vòng khuyên đi khắp lượt, ra dấu quyên tiền mua rượu, bia. Trong tiếng nhạc chát chúa, chúng lột hết cả áo, mồ hôi nhễ nhại đi mời rượu. Chẳng ai có thể chối được.

Đang vui vẻ thì tiếng pháo đinh tai hất tung cả bếp lửa, làm mọi người hốt hoảng. Ai cũng nhìn về phía thằng Hòa con ông An. Ở cái làng Chùa này, Hòa là đứa bạo gan, năm nào cũng kiếm được vài quả pháo đại để tiễn năm cũ.

Nam ớn lạnh, nắm tay vợ con lẻn ra về. Tiếng pháo bắt đầu râm ran, đến thời khắc giao thừa, pháo hoa rực sáng bầu trời. Thằng con kéo áo bố năn nỉ: “Năm sau thể nào bố cũng phải mua pháo, rồi xây thêm lầu 2 để con đốt pháo đấy nhé!”. Nam ậm ừ. Ngày trước, một người bạn nó đã mất cả bàn tay khi quả pháo phát nổ.

Sau đêm giao thừa, vừa mất ngủ, vừa ngất ngây trong men rượu, Nam nằm một giấc đến sáng.

Mùng 1 tết, nhà thờ đại tôn cúng đầu năm. Tộc trưởng dõng dạc kêu gọi đóng góp quỹ xây dựng dòng họ. Đúng nghĩa một buổi quyên tiền. Năm nay, dòng họ Vũ định xây lại ngôi mộ tổ to hơn những dòng họ khác. Đáp lại ánh nhìn đầy hi vọng của họ tộc, Nam “nổ phát súng” đầu tiên. Chẳng mấy chốc, trên 30 triệu đồng như kỳ vọng của ông tộc trưởng đã có đủ.

08-15-40_le-yen-lo-cung-l-dip-de-keu-goi-ung-ho-xy-dung-que-huong
Lễ yến lão cũng là dịp để kêu gọi ủng hộ xây dựng quê hương
Thấy tôi rút 2 tờ 1 trăm ngàn tính mừng tuổi cho 2 đứa con, Nam ái ngại: “Thôi ông ạ! Mừng vài đồng cho có lệ thôi! Đến tôi còn hết nhẵn tiền mừng tuổi rồi. Ông cũng chẳng khấm khá gì, tiền để dành việc khác…”

Khi tiếng loa ghi danh vẫn còn ra rả thì nhiều thanh niên đã lỉnh mất. Nam biết, không phải ai đi ra khỏi làng đều khấm khá như nó. Có những thanh niên đi xa 5 - 7 năm mới dám về quê. Nam như cảm thấy mình đã trót làm điều gì không phải.

Trưa mùng 2 tết, đám bạn tổ chức đi chúc thọ cho các nhà. Ngày trước, người làng Chùa đi chúc thọ chỉ mang theo chai rượu, lá trầu, quả cau nhưng gia chủ vẫn dọn mâm đãi khách. Ba ngày tết, ăn chẳng là bao nhưng chủ yếu gặp nhau để uống rượu, mâm cỗ dọn ra lại dọn vào, nguội lạnh, ngơ ngáo.

Nhưng nhiều năm nay, cơi trầu, chai rượu thay bằng phong bao, phong bì. Đi hết 7 đám chúc thọ thì Nam đã lảo đảo, mặt đỏ như gà chọi.

“Rượu quê “nặng” khủng khiếp ông ạ! Nhà thằng Quang có 5 người tôi phải uống đủ 5 chén rượu. Rồi còn bố nó 70 tuổi cũng nâng ly, anh em, cô chú, cậu mợ... Mà làng mình vẫn giữ cái lệ chúc rượu cổ hủ này làm gì! Từng người một ra chúc, chẳng khác nào “lính đánh tỉa”.

Sợ nhất là đi đám cưới, cứ mâm nào có người lạ là quây vào chúc rượu. Vừa hạ chén ngay lập tức có người đến mời. Cả mâm cỗ, có khi chẳng gắp được miếng nào vào mồm. Uống không hết mình thì bị nói này nói nọ, uống nhiệt tình thì ra đến ngõ là “hà” với “huệ”, về đến nhà là nằm bẹp…”, Nam nói như để thanh minh.

08-15-40_-nguoi-dn-lng-chu-li-quy-qun-ben-chen-ruou
Người dân làng Chùa quây quần bên chén rượu

Mùng 3 là ngày yến lão. Các gia đình sau khi đưa người thân ra dự lễ ở nhà văn hóa thường tổ chức tiệc rượu, tiếng hò, dô vang khắp đầu làng cuối xóm. Sau tiệc tùng, đám thanh niên rú xe chạy bạt mạng khiến người già, lũ trẻ sợ chết khiếp…

Mùng 4 tết, Nam vừa nấu xong bữa tối thì thằng cu Long, con ông Hoàng bên cạnh gọi với sang: “Chú Nam ơi! Bố mời chú sang uống chén rượu đầu xuân”. Nam thả đũa, nhìn vợ rồi lủi thủi bước đi trong đêm. Ở đó, tiếng chúc tụng đã vang lên rào rào...

Hết ngày nghỉ cuối cùng thì vợ chồng Nam mệt lử, tính nằm nhà nghỉ để ngày mai vào Nam. Nhưng mới tang tảng sớm, tiếng loa đã ra rả, làng Chùa mở hội bóng chuyền, Nam cũng được mời thi đấu. Và sau những trận đấu, lại sum vầy bên chén rượu. Rượu thay cho nước.

"Nghe khách từ thủ đô về, họ hàng râm ran đến chúc tết. Mỗi chị bế bên nách hai đứa trẻ, dắt thêm một đứa nữa là ba, chả mấy chốc nhà nhìn như trạm y tế thôn trong đợt tiêm chủng vacxin sởi.

Phong bì phát tới tấp như phát phiếu bầu cử. Tối qua ở nhà biết trước sẽ đông trẻ con, mình đã chuẩn bị sẵn 30 cái phong bì, mỗi cái 50 nghìn. Chỉ nửa buổi sáng đã bay sạch, buổi chiều ra xe lấy thêm phong bì xơ cua, nhưng rút xuống còn 20 nghìn vì bọn chúng không biết ở đâu ra, con cái nhà ai mà đông quá.

Buổi chiều có thêm 28 đứa. Bố mẹ chúng nó niềm nở giới thiệu, đây là chú Hoành, mặc dù chú trẻ trâu và nhìn như thằng ốm đói thế này thôi nhưng vợ chồng mày kêu bằng ông trẻ. Kia là Mận, cháu nó mới cai sữa được 2 tuần, mày gọi bằng chị. Còn cái đứa đang ăn bim bim, mặc quần thủng đít lúc nãy bọn mày phải kêu bằng cụ. Có mấy "cụ" xé toạc phong bì, lôi tờ 20 nghìn ra bĩu môi rất ghét "Xời, được có 20 nghìn. Sáng nay bọn con Tèo được hẳn 50 nghìn cơ đấy!".

(Facebook Song Hà)

 

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Liverpool đang được ví như Man.United thời huy hoàng

Đội bóng 'quỷ đỏ' thành phố cảng Liverpool của nước Anh đang thi đấu thăng hoa, bất khả chiến bại trên mọi đấu trường.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.