Nguy cơ nguồn cung giảm mạnh
Theo Tổ Công tác 970 Bộ NN-PTNT, sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Dự kiến 6 tháng cuối năm 2021 nguồn cung nông sản thực phẩm phục vụ xuất khẩu sẽ giảm mạnh.
Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa do giãn cách, việc thu hoạch và sản xuất bị ảnh hưởng, công suất tại các nhà máy chế biến nông lâm thủy sản giảm mạnh.
Do tâm lý lo sợ dịch bệnh, chính quyền cơ sở nhiều nơi còn cứng nhắc trong khâu tổ chức sản xuất, thu hoạch, thu mua, lưu thông vận chuyển hàng hóa và vật tư nông nghiệp.
Ông Trần Lâm Sinh, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Nai, cho biết, do thời gian ra đồng của nông dân cũng bị hạn chế từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng đã ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động, cũng như hoạt động của các nhà máy.
Giá lúa gạo và các hàng nông sản khác giảm sâu, không phải do cung cầu mà là do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng. Bằng chứng là khách hàng quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được. Tân Cảng là cảng container chính đã ngưng nhận giao gạo xuất khẩu từ tháng 7/2021 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục, lượng container ứ đọng tại cảng Cát Lái lớn do chỉ còn 50% nhân sự làm việc.
Việc cung ứng con giống và thức ăn để duy trì sản xuất thủy sản nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu thủy sản, có 2 khó khăn cần ưu tiên tháo gỡ. Trước hết, khâu vận chuyển (kể cả đường bộ và đường thủy) cần tiếp tục được thông suốt để đảm bảo sản xuất.
Do cơ sở sản xuất con giống, thức ăn không cùng địa bàn với cơ sở nuôi nên cần phải vận chuyển qua các địa phương khác nhau (hàng tháng cần vận chuyển khoảng 7 tỷ tôm giống từ Nam Trung Bộ và khoảng 150 ngàn tấn thức ăn từ khu vực Đồng Nai, Bình Dương vào Tây Nam Bộ).
Nhà máy chế biến là khâu đặc biệt quan trọng trong chuỗi thủy sản. Do thiếu công nhân, không đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”… nên nhiều nhà máy phải tạm ngừng hoạt động đang gây khó khăn cho các cơ sở nuôi đến kỳ phải thu hoạch sản phẩm. Hiện có 324/449 cơ sở chế biến thủy sản đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ” tiếp tục sản xuất, chiếm 72% (riêng Tiền Giang giảm chỉ còn 6/31 cơ sở đáp ứng sau khi rà soát). Do thiếu công nhân hoặc chia ca để phòng, chống dịch nên tổng công suất chế biến thủy sản giảm chỉ khoảng 30 - 50% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16.
Các tháng cuối năm 2021 là thời kỳ thu hoạch chính đối với tôm, cá tra. Do vậy cần phải tích cực tháo gỡ những khó khăn để duy trì hoạt động của nhà máy chế biến.
Hiện nay một số nhà máy chế biến thủy sản đã huy động đội ngũ công nhân đi thu hoạch cá tra trên diện tích thả nuôi nằm ở nhiều tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang và gặp khó khăn về đi lại giữa các tỉnh của các đội sản xuất. Do đó, cần có cơ chế phối hợp giữa các tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong chăn nuôi gia súc gia cầm, dự báo lượng gia cầm vào đàn thấp, có thể có một đợt khủng hoảng thiếu gia cầm vào dịp Tết. Vì vậy, cần có biện pháp cải thiện chuỗi cung ứng cho sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là tăng lưu thông và chế biến, cấp đông khi giá gia cầm hạ quá thấp.
Thành lập các tổ dịch vụ sản xuất, thu hoạch nông sản
Trước tình hình thu hoạch lúa hè thu chậm, khó khăn trong thu mua, vận chuyển, tiến độ gieo sạ lúa thu đông nguy cơ bị chậm thời vụ do dịch bệnh Covid-19 vẫn căng thẳng, Tổ Công tác 970 Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long thành lập các tổ, đội tại chỗ: đội bốc xếp, đội ghe, đội xe, đội máy cắt tại địa phương.
Các đội xử lý tại chỗ được ưu tiên tiêm ngừa vacxin và test Covid-19 định kỳ, trang bị dụng cụ hỗ trợ phòng chống dịch. Các đội được cơ quan nhà nước quản lý nhân sự, cấp giấy phép thông hành và công khai giá dịch vụ. Đối với đội ngũ thu hoạch, thu mua nông sản, được ưu tiên tiêm vacxin và cấp phép tạo điều kiện được di chuyển đến những nơi theo lịch trình và yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt phòng chống dịch.
Khuyến khích các xã thành lập các tổ nông vụ dịch vụ: làm đất, sạ lúa, cấy lúa, nhổ cỏ, bón phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, cho nước vào ruộng… để thực hiện xuống giống và chăm sóc lúa thu đông.
Tổ Công tác 970 đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ ưu tiên tiêm vacxin cho lực lượng trong chuỗi cung ứng: tài xế, ghe, sà lan vận chuyển, công nhân tại các nhà máy, bốc xếp tại cảng, giám định hàng hóa, khử trùng, nhân sự giao nhận xuất nhập khẩu của các công ty xuất khẩu phải giao dịch chứng từ ở nhiều nơi là cảng, hải quan, văn phòng cấp C/O, kiểm dịch…
Tạo điều kiện đi lại cho các nhân sự trên trong thời gian giãn cách vì lực lượng này đang duy trì xuất khẩu cho cả nước.
Ngoài kết nối tiêu thụ nông sản, Tổ Công tác 970 còn nhận được các đề xuất của 2 doanh nghiệp cung cấp vacxin của Mỹ mong muốn được kết nối để bán vacxin và các bộ test nhanh Covid-19 có xuất xứ từ Mỹ cho các nhà máy chế biến nông, thủy sản có nhiều công nhân và cho các nơi sản xuất nông nghiệp. Tổ đang xác minh tính xác thực để có báo cáo đề xuất với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Hơn 900 đầu mối cung cấp nông sản đăng ký qua Tổ Công tác 970
Đến ngày 08/8, trang web kết nối cung cầu của Tổ Công tác 970 của Bộ NN-PTNT (htx.cooplink.com.vn) có 1.144 đơn vị đăng kí và truy cập thường xuyên. Gồm: 911 đầu mối bán/cung cấp hàng hóa (chiếm 80%); 141 đơn vị mua nông sản (chiếm 12,3%); 72 cơ quan nhà nước (chiếm 6%) và 20 đơn vị khác (trưởng ấp, người hỗ trợ nông dân đăng bán hàng).
911 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng kí qua Tổ Công tác 970 gồm: Rau củ 257 đầu mối; trái cây 224 đầu mối; thủy hải sản - chăn nuôi 345 đầu mối; lương thực 44 đầu mối; các mặt hàng khác 41 đầu mối.
Các đầu mối cung cấp hàng hóa rất đa dạng gồm: 295 hợp tác xã (chiếm 32,4%); 343 tổ hợp tác, hộ gia đình và trang trại (37,7%); 172 doanh nghiệp (18,9%); 75 cơ sở kinh doanh nhỏ (8,2%), 6 ban quản lý chợ (0,7%) và 20 đơn vị khác (2,2%).
Việc ứng dụng công nghệ số (sử dụng trang web kết nối cung cầu, hướng dẫn người dân sử dụng zalo và website) vào kết nối cung cầu mang lại nhiều hiệu quả thiết thực như: Số liệu báo cáo nhanh, chính xác, phân tích và dự báo được xu hướng cung cầu hàng hóa; người mua và người bán tiếp cận thông tin đầy đủ.
Theo Tổ Công tác 970 Bộ NN-PTNT, giá phân bón hiện nay tăng cao so với đầu năm 2021. Cụ thể, giá phân bón sản xuất trong nước: Phân đạm Cà Mau từ mức 6.800 đ/kg lên 11.700 đ/kg (tăng 72%); phân DAP Đình Vũ từ mức 8.550 đ/kg lên 14.300 đ/kg (tăng 67,3%); phân NPK Bình Điền, loại NPK 16-16-8+13S từ mức 8.860 đ/kg lên 10.760 đ/kg (tăng 24,3%).
Giá Phân bón nhập khẩu: Phân SA bột của Trung Quốc từ mức 3.270 đ/kg lên 5.250 đ/kg (tăng 60,6%); phân DAP 64% nhập khẩu Trung Quốc từ 11.200 đ/kg lên 16.800 đ/kg (tăng 50%); phân Kali miểng Israel từ 6.650 đ/kg lên 11.500 đ/kg (tăng 72,9%).
Trước tình hình các loại phân bón trong nước hoặc nhập khẩu tăng từ 50-73%, đang phát sinh nhiều nguy cơ đối với sản xuất, Tổ Công tác 970 Bộ NN-PTNT đề nghị Tổ Công tác 970 Bộ Công Thương chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường tác tỉnh, thành phía Nam một số công việc cấp bác như sau:
Thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu) không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng... tạo khan hiếm giả tạo để kiếm lời.
Lập kế hoạch phối hợp với Thanh tra Cục Bảo vệ thực vật và thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu phân bón trên địa bàn các tỉnh phía Nam, đảm bảo việc kinh doanh các sản phẩm phân bón đúng chất lượng và giá theo qui định của nhà nước.