Đến ngày 4/8 có tổng 733 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng kí với Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Gồm: rau củ 184 đầu mối; trái cây 183 đầu mối; thủy hải sản 299 đầu mối; lương thực 36 đầu mối; các mặt hàng khác 31 đầu mối.
Số lượng đầu mối đăng kí thông qua trang web của Tổ đăng kí tăng nhiều do các công cụ của trang web kết hợp được nhiều người mua hàng, nên khuyến khích các tỉnh hình thành các đầu mối để đăng kí cấp hàng. Riêng đầu mối cung cấp rau củ đăng kí tăng rất nhiều (40 đầu mối so với 1 ngày trước đó), do Tổ công tác 970 thông báo các đơn hàng mua 20 tấn rau hỗ trợ công nhân tại TP. Hồ Chí Minh.
Tác động của 2 lần hội thảo trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt (249 đơn vị tham dự), sản phẩm chăn nuôi và thủy sản (278 đơn vị tham dự) rất lớn. Tổ công tác kết nối được 2 đơn hàng lớn về thủy sản.
Đơn hàng thứ nhất 1.000 tấn thủy hải sản các loại và đã phân cho cho các đầu mối cung cấp thủy sản tại 7 tỉnh có đăng kí qua Tổ công tác 970 và đơn hàng đang được các bên lên kế hoạch thu mua trong 10 ngày.
Đơn hàng thứ 2 của một doanh nghiệp nhờ Tổ công tác 970 tìm các đối tác tại các tỉnh để có hợp đồng dài hạn mua hàng tháng: 985 tấn cá tra, 73 tấn cá ngừ, 9 container cá rô phi và điêu hồng, 5 container tôm càng xanh, 2 container đùi ếch làm sẵn, 3 container tôm sú và tôm thẻ, 2 container mực và bạch tuộc, 1 container cá cơm phơi khô.
Các đơn hàng này rất lớn, tiêu chuẩn mua hàng cũng cao và mức xử phạt vi phạm chất lượng lớn, do đó, Tổ công tác đã làm việc với UBND một số tỉnh và UBND một số huyện có nguồn cung nhưng cần đảm bảo để doanh nghiệp liên kết theo chuỗi lâu dài.
Ngoài ra, các công ty rất quan tâm đến các thông tin tư vấn kết nối xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất bền vững thích ứng với tác động của Covid 19 như tư vấn cho doanh nghiệp ngành sản xuất lươn tại Hậu Giang, vùng sản xuất mít tập trung 5.700 ha tại huyện Châu Thành (Hậu Giang), vùng trồng cây ăn trái hơn 1.100 ha (mít, ổi) tại huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), các vùng nuôi ếch đồng, cá sặc rằn tại Đồng Tháp, vùng khoai lang ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) và Hòn Đất (Kiên Giang), vùng nuôi tôm càng xanh lớn ở U Minh Thượng (Kiên Giang), vùng hơn 6.000 ha sả ở Tân Phú Đông (Tiền Giang), các vùng trái cây chuyên canh nhãn ở Châu Thành (Đồng Tháp), Bình Đại (Bến Tre), vú sữa ở Kê Sách (Sóc Trăng)...
Nhiều doanh nghiệp rất bất ngờ về các số liệu nguồn cung nông sản chất lượng ở các vùng trên. Điều đó cũng chứng minh rằng, các tỉnh chú trọng sản xuất nông nghiệp nhiều chứ chưa làm marketing nông nghiệp cho sản phẩm nổi tiếng mình đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài mới đầu tư vào kinh doanh trong nông nghiệp tại Việt Nam.
Trong ngày 4/8, tổ cũng hỗ trợ kết nối rất nhiều đơn hàng cho các siêu thị tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Các đơn hàng tuy nhỏ từ 2-3 tấn/đơn hàng nhưng hàng hóa rất đa dạng gồm rau củ quả, trái cây, thủy sản và lương thực.
Tổ công tác 970 cũng thí điểm mô hình “chào hàng và giao hàng theo huyện”. Tổ công tác kết hợp với UBND huyện, thống kê các nguồn hàng tại huyện có khả năng cung cấp, tìm phương tiện chở hàng từ huyện lên thành phố, xin phép đầy đủ giấy tờ cho xe và tài xế, sau đó chào đơn hàng cho các siêu thị và tổ chức giao hàng, mỗi xe dao động từ 1-3 tấn nhưng tiêu thụ được rất nhiều mặt hàng trong huyện.