Ngày 23/5, hội thảo "Tìm động lực tăng trưởng từ ESG" do Báo Đầu tư và Công ty WBS tổ chức đã thu hút đông đảo sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đến tăng trưởng "xanh" và phát triển bền vững.
Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong hành trình tăng trưởng xanh, ESG là bộ tiêu chuẩn đo lường đánh giá sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bởi ngoài vấn đề lợi nhuận, doanh nghiệp phải quan tâm đến cả các yếu tố về môi trường, xã hội.
Các doanh nghiệp lớn hiện đều nhận ra rằng việc thúc đẩy, tuân thủ ESG không chỉ giúp họ phát triển bền vững, mà tạo ra lợi ích lâu dài cho cổ đông và cộng đồng.
Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, chuyển đổi xanh phải bắt nguồn từ nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân.
"Các chuẩn mực ESG chính là thang đo về giá trị chân chính của một doanh nghiệp. Thực hiện ESG không chỉ làm cho doanh nghiệp cảm thấy những thành công của mình thực sự có ý nghĩa hơn, lớn hơn và bao trùm hơn mà còn giúp cho doanh nghiệp dễ thành công hơn trong bối cảnh mà nhận thức về các vấn đề xã hội, môi trường của cộng đồng ngày càng cao", ông Tú Anh nêu quan điểm.
Còn theo ông Matthew Smith, Giám đốc nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, dựa trên các tính toán trong thời gian qua, trong bối cảnh các yếu tố khác của doanh nghiệp không đổi, nếu công ty có chuẩn mực ESG tốt hơn thì sẽ có rủi ro ít hơn.
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết luôn tác động mạnh đến cả sản lượng nông nghiệp lẫn diện tích trồng trọt, chăn nuôi của Việt Nam.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường diễn biến ngày càng khó lường, việc phát triển bền vững, thực hành ESG trong sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản ngày càng được Việt Nam chú trọng.
Theo các chuyên gia, trên chặng đường hướng tới nông nghiệp xanh, bên cạnh vấn đề nhận thức thì rào cản lớn nhất đang là chi phí lớn. Doanh nghiệp cần nhìn nhận đây là những khoản đầu tư lâu dài, có giá trị trong tương lai để cùng hướng tới sự chuyển dịch trong hoạt động sản xuất nông nghiệp một cách mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động về chuyển đổi xanh; cũng như tăng cường và nâng cao năng lực, nhận thức của cả người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi xanh.
Đồng thời, trong hành trình chuyển đổi, vai trò của công nghệ rất quan trọng, quyết định sự thành bại khi thực hiện mục tiêu ESG.