| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp gỗ Việt tận dụng cơ hội thị trường tín chỉ carbon

Thứ Năm 07/03/2024 , 20:38 (GMT+7)

Để tạo ra được tín chỉ carbon, các doanh nghiệp gỗ phải thực hành phát triển bền vững (ESG) và bắt buộc phải có báo cáo phát thải và giảm phát thải.

Tọa đàm 'Tài chính carbon và cơ hội cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam' trong khuôn khổ HAWA EXPO 2024. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tọa đàm “Tài chính carbon và cơ hội cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam” trong khuôn khổ HAWA EXPO 2024. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chiều 7/3, Ban tổ chức Hội chợ HAWA EXPO 2024 phối hợp CLB Báo chí Phát triển Xanh (Green Media Hub) thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, tổ chức tọa đàm “Tài chính carbon và cơ hội cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam”.

Theo ông Phùng Quốc Mẫn, Phó Chủ tịch HAWA, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam chỉ đạt 14,5 tỷ USD so với 15,8 tỷ USD năm 2022. Một trong những thị trường giảm mạnh nhất là EU.

Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Để ngành gỗ Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới, theo ông Mẫn, các doanh nghiệp ngành gỗ cần hiểu rõ, đáp ứng và mở rộng các thị trường xuất khẩu, tận dụng các cơ hội từ nhiều phía để tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. 

Tại tọa đàm, các diễn giả đã cùng trao đổi, thảo luận về vấn đề tài chính xanh, thị trường carbon cho ngành gỗ và lâm nghiệp Việt Nam.

Theo TS Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Rừng Việt Nam (VFCO), Việt Nam là một trong các quốc gia hàng đầu về chế biến gỗ và lâm sản, các chính sách đang hướng đến một nền lâm nghiệp bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường, trong đó có vấn đề tài chính xanh và thị trường carbon. Đây là những cơ chế tài chính đóng góp vào công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và giải quyết các thách thức môi trường trong bối cảnh hiện nay.

"Các định hướng chính sách lớn về phát triển lâm nghiệp đến năm 2030 là đạt mục tiêu 1 triệu ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững và 100% diện tích rừng của tổ chức thực hành quản lý rừng bền vững", TS Vũ Tấn Phương cho hay.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả cũng cập nhật thông tin mới nhất về thị trường tín chỉ carbon rừng toàn cầu và Việt Nam.

Gỗ đóng vai trò hấp thụ và lưu trữ carbon, là một trong số ít ngành sản xuất phát thải khí nhà kính âm so với các ngành khác với cùng mục đích sử dụng như sản xuất đá, mỹ nghệ từ đá, hoặc các ngành sản xuất nguyên vật liệu khác như nhựa, bê tông, thép…

Ngành gỗ có thể tận dụng thay thế cho các nguyên liệu trên trong xây dựng để giảm phát thải carbon.

Đặc biệt, Việt Nam với 14 triệu ha rừng, nếu quản lý bền vững sẽ tạo ra các tín chỉ carbon thông qua hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, tăng hấp thụ carbon, tăng nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp, mang đến giá trị lớn cho nền kinh tế. Song để tạo ra được tín chỉ carbon các doanh nghiệp phải thực hành phát triển bền vững (ESG) và bắt buộc phải có báo cáo phát thải và giảm phát thải.

Các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia quản lý rừng bền vững, sử dụng nguyên liệu được chứng nhận, phát triển sản xuất theo hướng carbon thấp cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách. Các cơ chế, chính sách cần tập trung vào các khuyến khích tài chính, ưu đãi đầu tư cho xanh hóa sản xuất, sản xuất hàng hóa không gây mất rừng; thúc đẩy tiêu dùng gỗ, sản phẩm gỗ có chứng nhận; các cơ chế giám sát, tạo sự công bằng trong sản xuất và tiêu thụ nguyên liệu gỗ, sản phẩm gỗ được chứng nhận.

Ngoài ra, cần hỗ trợ xây dựng năng lực cho các bên liên quan trong thực hiện quản lý rừng bền vững, các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.