Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022, các quốc gia phương Tây đã phong tỏa tài sản của nước này trị giá khoảng 300 tỷ USD, phần lớn trong đó tập trung ở các nước EU. Moscow đã lên án động thái vừa qua của EU là "hành vi trộm cắp" và cảnh báo sẽ trả đũa nếu số tiền này bị tịch thu hoặc sử dụng để hỗ trợ Ukraine.
Chia sẻ trên mạng xã hội X hôm 21/5, ông Lipavsky cho biết rằng 90% lợi nhuận thu được từ các quỹ bị đóng băng của Nga "sẽ được dùng để hỗ trợ quân sự" cho Ukraine, phù hợp với đề xuất của nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell hồi tháng 3/2024. Ông nói thêm rằng "chỉ riêng trong năm nay, số tiền đó có thể lên tới 74 tỷ koruna Séc (3,5 tỷ USD)".
Theo Đại diện thường trực của Séc tại EU, lợi nhuận hàng năm dự kiến sẽ vào khoảng 2,5 - 3 tỷ euro (2,7 đến 3,26 tỷ USD). Ông Lipavsky cũng cho biết 10% còn lại sẽ dành cho việc tái thiết Ukraine.
Hãng tin Bloomberg cho biết theo kế hoạch của EU, Ukraine sẽ nhận được lợi nhuận ròng tích lũy từ ngày 15/2 trở đi. Số tiền thu được trước ngày này sẽ được cơ quan lưu ký và thanh toán bù trừ Euroclear có trụ sở tại Bỉ giữ lại nhằm giảm thiểu mọi rủi ro liên quan đến khả năng khởi kiện ở Nga.
Quyết định trên được đưa ra sau khi một số quốc gia thành viên EU, bao gồm Đức và Pháp, phản đối áp lực từ Mỹ và Anh đòi tịch thu hoàn toàn tài sản của Nga do lo ngại rằng một động thái quyết liệt như vậy sẽ không có cơ sở pháp lý.
Hồi tháng 4/2024, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã cảnh báo phương Tây về những hậu quả nghiêm trọng nếu họ xâm phạm vào các tài sản ở nước ngoài của Moscow. Ông Peskov cho rằng động thái như vậy sẽ tạo ra "một tiền lệ nguy hiểm dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống kinh tế phương Tây". Ông cũng lưu ý rằng điều này sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải cân nhắc kỹ trước khi rót tiền vào các quốc gia tịch thu tài sản của Nga.