Theo trình bày của ông Lê Văn Thục, trú tại thôn Cao Sơn, xã Luận Thành, huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa), đến thời điểm này gia đình ông đã có 10 con lợn chết bất thường, tổng trọng lượng khoảng 800 kg.
Sự việc bắt đầu từ ngày 23/9/2021. Đàn lợn gồm 3 nái và 7 lợn thịt có thân nhiệt bình thường nhưng biểu hiện ốm yếu, di chuyển loạng choạng, kén ăn, một số con lười di chuyển.
Đến 22h ngày 25/9, sau khi đẻ non 14 con, con lợn nái trọng lượng 189 kg sùi bọt mép rồi chết. Một con lợn nái đẻ non vào ngày 23/9 có (12 con), trọng lượng 280 kg, một con đang có chửa, trọng lượng 250 kg và 7 con lợn thịt sau đó ít ngày cũng bị chết. Ngoài ra, hiện có 1 con lợn thịt cũng đang có biểu hiện ốm yếu.
Ông Thục cho biết, gia đình ông chăn nuôi lợn từ hàng chục năm nay nhưng chưa bao giờ thấy lợn chết bất thường như vậy. Thời gian 2 tháng gần đây, gia đình ông cũng không hề tiêm một loại thuốc nào cho đàn lợn.
“Lợn nái cho ăn bằng bã đậu và thức ăn tự đun nấu còn lợn thịt ăn cám công nghiệp. Chúng tôi cũng đã kiểm tra cám, không bị mốc; thức ăn cho lợn nái cũng được nấu chín vì vậy khả năng ngộ độc do thức ăn là điều khó xẩy ra. Gia đình chúng tôi rất hoang mang và đề nghị cơ quan chức năng làm rõ ” – ông Thục phân tích.
Sau khi phát hiện 1 con lợn chết bất thường, ông Thục đã trình báo sự việc lên UBND xã Luận Thành.
Ngày 26/9, UBND xã Luận Thành đã lập biên bản ghi nhận sự việc.
Tại biên bản làm việc này, ông Thục đã đề nghị cơ quan chức năng xác minh có hay không việc đàn lợn của gia đình ông bị kẻ xấu đầu độc.
Ngày 28/9/2021, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thường Xuân, UBND xã Luận Thành đã tiếp tục về làm việc với gia đình ông Thục. Văn bản của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thường Xuân có đoạn: “Qua những triệu chứng, biểu hiện lâm sàng, bệnh tích như trên, đoàn kiểm tra chẩn đoán đàn lợn không có dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm, có thể đàn lợn bị ngộ độc”.
Theo ông Thục, nếu lợn không phải chết do bệnh thì nhiều khả năng bị đầu độc. Trong thời gian qua, gia đình ông có mâu thuẫn với một gia đình trong thôn. Tuy nhiên, ông Thục không dám khẳng định việc ai là người đã đầu độc đàn lợn.
Ông Trịnh Văn Trường, Phó phòng Nông nghiệp huyện Thường Xuân cho biết, thời điểm huyện xuống nắm tình hình, do đàn lợn không có biểu hiện lâm sàng các loại bệnh nên đã không lấy mẫu xét nghiệm. Qua kiểm tra, đoàn công tác cũng ghi nhận thức ăn không ẩm mốc.
“Lợn sùi bọt mép là một trong những biểu hiện của ngộ độc. Vì thức ăn không nấm mốc; nguồn nước cho lợn lấy từ bể nước sinh hoạt gia đình nên nếu nói do thức ăn hay nguồn nước thì cũng không hợp lý. Nếu gia đình có yêu cầu thì huyện sẽ lấy mẫu xét nghiệm. Đoàn công tác đã đề nghị xã làm rõ nhưng nếu xã không làm rõ được thì phải có đề nghị để cấp trên vào cuộc” - ông Trường cho hay.
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Ngọc Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết: “Hôm nghe thông tin thì mới chết 1-2 con nhưng nay chết nhiều như thế thì tôi sẽ có ý kiến lại chỗ này. Tôi sẽ có ý kiến với đồng chí chủ tịch để có hướng xử lý, làm rõ vấn đề”.