| Hotline: 0983.970.780

Gần 10 năm thúc đẩy nông nghiệp thông minh của CCAFS Đông Nam Á

Thứ Ba 26/10/2021 , 16:49 (GMT+7)

Các hoạt động của Chương trình CCAFS Đông Nam Á đã đúc rút những bài học kinh nghiệm cho ngành nông nghiệp và nông dân Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sau gần 10 năm hoạt động thành công, Chương trình Nghiên cứu CGIAR về Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và An ninh lương thực (CCAFS) đã tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình CCAFS Đông Nam Á vào ngày 26/10 tại Hà Nội.

Từ khi khởi động tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2013, CCAFS đã triển khai các hoạt động thúc đẩy nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA) để giải quyết tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị tổng kết Chương trình CCAFS Đông Nam Á. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị tổng kết Chương trình CCAFS Đông Nam Á. Ảnh: Phạm Hiếu.

Với sự điều phối của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), Chương trình đã phối hợp với các đối tác tại Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines và Thái Lan thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển mô hình nhằm chuyển đổi ngành nông nghiệp trong khu vực.

Tại hội nghị, Tiến sĩ Bjoern Ole Sander, Trưởng Đại diện IRRI tại Việt Nam đã chia sẻ các sáng kiến kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến giúp giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tăng năng suất và khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu. Các kỹ thuật này đã được nhân rộng ở vùng ĐBSCL, hỗ trợ hàng chục ngàn bà con nông dân trong sản xuất và nâng cao thu nhập.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh bày tỏ vui mừng khi các hoạt động của CCAFS tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đã đúc rút những bài học kinh nghiệm, khuyến nghị cho ngành nông nghiệp và nông dân Việt Nam trong ứng phó, giải quyết các thách thức biến đổi khí hậu thông qua phát triển và nhân rộng các giải pháp nông nghiệp thông minh, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tăng giá trị sản xuất trồng trọt và chăn nuôi.

Qua đó, góp phần xây dựng ngành nông nghiệp công nghệ cao, bền vững và có khả năng phục hồi trước những biến động của thị trường và khí hậu.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, một trong những thành công lớn của sự hợp tác giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Chương trình CCAFS Đông Nam Á là việc xây dựng và ứng dụng thành công Bộ bản đồ rủi ro và lập kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu (CS-MAP) cho 43 tỉnh thành trên cả nước.

Kết quả ứng dụng CS-MAP ở ĐBSCL cho thấy điều chỉnh lịch xuống giống đã giúp nông dân tránh được các tác động bất lợi của hạn hán, xâm nhập mặn thường diễn ra trong các vụ lúa đông xuân.

Bộ bản đồ CS-MAP được hoàn thiện và ra mắt thành công tại hội thảo ngày 19/10 vừa qua. Các địa phương đã đón nhận một cách rất tích cực và đề xuất tiếp tục phát triển đến cấp huyện, xã và mở rộng ra toàn bộ 63 tỉnh thành.

Bộ NN-PTNT cũng đã chia sẻ CS-MAP tại các đối thoại, diễn đàn quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Hệ thống lương thực thực phẩm (UNFSS) và dự kiến sẽ được giới thiệu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đối khí hậu (COP26) sẽ diễn ra vào tuần sau tại Vương quốc Anh.

Sau gần 10 năm hoạt động, CCAFS tại Đông Nam Á đã triển khai các hoạt động thúc đẩy nông nghiệp thông minh với khí hậu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sau gần 10 năm hoạt động, CCAFS tại Đông Nam Á đã triển khai các hoạt động thúc đẩy nông nghiệp thông minh với khí hậu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng bày tỏ, Bộ NN-PTNT ghi nhận thành công của Chương trình CCAFS Đông Nam Á trong việc xây dựng và phát triển mô hình làng nông thuận thiên. Các hoạt động từ mô hình này đã góp phần đáp ứng các mục tiêu về an ninh lương thực, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và khả năng phục hồi môi trường (đất, nước), đồng thời giảm khí thải nhà kính từ sản xuất nông nghiệp.

“Bên cạnh đó, Chương trình CCAFS Đông Nam Á cũng đã có nhiều hỗ trợ về chính sách, chiến lược cho Việt Nam, điển hình là hỗ trợ việc hoàn thiện và đệ trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trong lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp đầu vào cho Chiến lược Chuyển đổi nông nghiệp bền vững và Quy hoạch tổng thể về lúa gạo, đóng góp cho các đệ trình của Việt Nam vào Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực thực phẩm của Liên Hợp Quốc năm 2021”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chia sẻ.

Để ghi nhận đóng góp của Chương trình CCAFS Đông Nam Á cho ngành nông nghiệp Việt Nam, đại diện cho Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) và Chương trình CCAFS Đông Nam Á.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Chia sẻ cách tiếp cận liên ngành theo chuỗi về an toàn thực phẩm

THỪA THIÊN - HUẾ Các đại biểu đã cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu về an toàn thực phẩm từ Dự án 'Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một Sức Khỏe'.

Tân Lạc thu hoạch trên 1.000 tấn quýt Vân Sơn

HÒA BÌNH Mùa vụ này các nhà nông Mường Bi lại được mùa quýt Vân Sơn, sản lượng cho thu hoạch ước trên 1.000 tấn quả, đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.