| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng bản đồ rủi ro và thích ứng biến đổi khí hậu vào nông nghiệp

Thứ Ba 19/10/2021 , 15:36 (GMT+7)

CS-MAP sẽ giúp nông dân có kế hoạch sản xuất phù hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất và nước...

Ngày 19/10, Hội thảo tham vấn chính sách và ra mắt bộ ấn phẩm Bản đồ rủi ro và Kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu (CS-MAP) được tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh và bà Sabine Douxchamps, Đại diện của Chương trình Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp, và An ninh lương thực (CCAFS) Đông Nam Á, trưởng đại diện Liên minh Đa dạng sinh học và Trung tâm Quốc tế về Nông nghiệp nhiệt đới (CIAT) tại Việt Nam.

Hội thảo được Cục Trồng trọt và CCAFS tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến qua Zoom cho đại biểu các tỉnh và quốc tế. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm và tham gia của đại diện các cơ quan bộ, ngành liên quan, các đối tác tại 43 tỉnh thực hiện CS-MAP và các cơ quan, tổ chức từ các quốc gia khác.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh ra mắt tài liệu hướng dẫn xây dựng CS-MAP cho sản xuất lúa ở Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh ra mắt tài liệu hướng dẫn xây dựng CS-MAP cho sản xuất lúa ở Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Được xây dựng bởi Cục Trồng trọt và CCAFS Đông Nam Á, CS-MAP là một phương pháp tiếp cận có sự tham gia, tích hợp kiến thức địa phương với nghiên cứu khoa học để xây dựng bản đồ rủi ro và kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu cho sản xuất lúa, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

CS-MAP đã được triển khai có hiệu quả tại năm vùng sinh thái của Việt Nam nhằm giúp nông dân giảm thiểu và ứng phó với rủi ro khí hậu như lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, bộ ấn phẩm CS-MAP sẽ giúp nông dân có kế hoạch sản xuất phù hợp và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất và nước. Bên cạnh đó, các địa phương sẽ có thêm căn cứ để xây dựng kế hoạch sản xuất các mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó nâng cao sản lượng cũng như chất lượng nông sản tại địa phương.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định, Việt Nam rất hoan ngênh và đánh giá cao bộ ấn phẩm Bản đồ rủi ro Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu do Cục Trồng trọt, Chương trình Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và An ninh Lương thực (CCAFS) khu vực Đông Nam Á và các địa phương phối hợp xây dựng.

"Bộ tài liệu sẽ hỗ trợ các địa phương và người nông dân xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất cây trồng, hạn chế các thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất và nước", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết.

Cục trưởng Cục Trồng trọt, ông Nguyễn Như Cường giới thiệu về bộ ấn phẩm CS-MAP. Ảnh: Tùng Đinh.

Cục trưởng Cục Trồng trọt, ông Nguyễn Như Cường giới thiệu về bộ ấn phẩm CS-MAP. Ảnh: Tùng Đinh.

Để CS-MAP phát huy hiệu quả cao hơn trong sản xuất, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các đơn vị như Cục trồng trọt, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Tổng cục Thủy lợi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các viện nghiên cứu thuộc Bộ NN-PTNT nhân rộng bộ tài liệu đến các địa phương trong cả nước.

Từ đó, các địa phương căn cứ vào thông tin, phương pháp trong bộ tài liệu để bố trí thời vụ, cơ cấu cây trồng thích ứng với các điều kiện cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Tăng cường phối hợp, liên kết với các địa phương trong vùng và nhiều vùng với nhau để đem lại hiệu quả cao nhất.

"Cục Trồng trọt tiếp tục phối hợp chặt chẽ với CCAFS khu vực Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) và các tổ chức quốc tế để mở rộng áp dụng bản đồ CS-MAP trên toàn quốc. Đồng thời, thí điểm và mở rộng trên các đối tượng cây trồng khác và các lĩnh vực khác trong điều kiện phù hợp của từng địa phương", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh thêm.

Lồng ghép vào khung chính sách

Dựa trên Đề xuất về cách thức lồng ghép việc xây dựng và thực hiện CS-MAP vào khung chính sách của Bộ NN-PTNT do Cục Trồng trọt soạn thảo, tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận việc lồng ghép CS-MAP trong các chính sách và kế hoạch phát triển ngành ở cấp trung ương và địa phương.

Trong phần trình bày tài liệu chính sách, Cục Trồng trọt đã nêu rõ, CS-MAP có thể được lồng ghép vào các chính sách và kế hoạch của ngành và quốc gia, ví dụ như Kế hoạch Quốc gia Thích ứng với biến đổi khí hậu, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) để giảm thiểu biến đổi khí hậu trong ngành nông nghiệp, và Kế hoạch Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cả nước và vùng giai đoạn 2021 - 2025.

Ở cấp địa phương, CS-MAP đóng vai trò là một công cụ thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và đã được đề xuất đưa vào kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 và quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp (bao gồm chuyển đổi đất trồng lúa), cũng như các kế hoạch khác.

Trong phần tọa đàm chính sách, đại diện các cơ quan của Bộ NN-PTNT và chương trình CCAFS Đông Nam Á đã thảo luận chi tiết về các yếu tố thành công và ứng dụng tiềm năng của CS-MAP, cơ hội và rào cản trong việc tích hợp CS-MAP vào các chính sách và kế hoạch của chính phủ cũng như các ưu tiên về mặt chính sách, kỹ thuật, tài chính, nguồn nhân lực và hỗ trợ nâng cao năng lực.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh trao ấn phẩm CS-MAP cho đại diện Sở NN-PTNT Hà Nội. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh trao ấn phẩm CS-MAP cho đại diện Sở NN-PTNT Hà Nội. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ ấn phẩm CS-MAP

Cũng trong sự kiện này, các đơn vị đã chính thức ra mắt Bộ ấn phẩm CS-MAP – bao gồm một video giới thiệu CS-MAP, cuốn sách hướng dẫn CS-MAP, và 5 tập bản đồ CS-MAP cho 5 vùng sinh thái của Việt Nam. Đồng thời, chuyển giao cho các đối tác địa phương nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho các đơn vị thực hiện và đảm bảo phương pháp CS-MAP được áp dụng hiệu quả và bền vững.

Cụ thể, Cục Trồng trọt và CCAFS Đông Nam Á đã hợp tác xuất bản một cuốn sách hướng dẫn nhằm giúp các cán bộ kỹ thuật và cơ quan chuyên môn các cấp thực hiện và ứng dụng CS-MAP trong kế hoạch và chính sách địa phương.

CCAFS Đông Nam Á cũng đã sản xuất một video giới thiệu về CS-MAP. Với những hình ảnh minh họa đầy màu sắc, video là tài liệu tham khảo thú vị và dễ hiểu cho việc phát triển và thực hiện CS-MAP. Cuốn sách hướng dẫn và video giới thiệu đều có phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt.

Đồng thời, hội thảo cũng ra mắt và chuyển giao 5 tập bản đồ CS-MAP cho các vùng sinh thái nông nghiệp chính của Việt Nam, bao gồm: ĐBSCL, Trung du, đồng bằng Bắc Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, và bản đồ CS-MAP cho cây ăn quả.

Các ấn phẩm này cung cấp tất cả bản đồ sản xuất với kịch bản năm trung bình và năm cực đoan cho 43 tỉnh của cả nước.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.