| Hotline: 0983.970.780

Gần 50 tấn cá lồng chết do tảo độc, đẩy người nuôi đến chỗ vỡ nợ

Thứ Hai 12/09/2016 , 08:12 (GMT+7)

Rạng sáng ngày 8/9, hàng chục hộ dân nuôi cá lồng tại khu vực vịnh Ngọc, xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, hoảng loạn khi tai họa bỗng nhiên ập đến. Chỉ trong chốc lát, hàng trăm lồng cá đủ các loại chết như ngả rạ, bao nhiêu tiền của mất sạch trong nháy mắt.

Xã đảo hoang mang

Đến lúc này, chị Nguyễn Thị Liễu, trú tại thôn Trung Sơn, xã Nghi Sơn, vẫn chưa hết bàng hoàng. Giọng buồn bã, chị Liễu cho biết: “Gia đình tôi có tổng cộng 32 ô lồng, nuôi nhiều nhất là cá mú và cá hồng mỹ, còn lại là cá vược, cá đỏ và cá bớp.

12-57-37_4
Nhiều hộ khánh kiệt sau đợt cá chết lần này

 

Thú thật, nếu mọi việc tiến triển thuận lợi thì nghề nuôi cá lồng cho lợi ích kinh tế rất khá, nhưng khổ nỗi sự cố xảy đến liên tục nên giờ chỉ mong đủ ăn là tốt lắm rồi. Những năm gần đây hiện tượng cá chết đồng loạt thường xuyên xảy ra nhưng mức độ trầm trọng như vừa rồi thì chưa từng có”.

Theo chị Liễu, vào khoảng 5h sáng ngày 8/9, trong lúc kiểm tra, vợ chồng chị bỗng giật mình khi thấy nguồn nước có sự thay đổi khác thường, nước bỗng chuyển sang màu đỏ kèm theo váng nhầy. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì cá trong lồng thi nhau lao lên quẫy trên mặt nước rồi chết dần, phút chốc đã nổi trắng cả mặt nước.

“Diễn biến thật khó lường, loáng cái gần 1 tấn cá trong lồng chết sạch, bao nhiều tiền của, vốn liếng đổ hết vào đó, giờ biết lấy gì mà sống. Những năm gần đây cá chết thường xuyên, chỉ riêng từ đầu năm 2016 đến giờ đã 4 lần rồi. Ngay đến cá vược và hồng mỹ vốn dễ nuôi, sức đề kháng rất tốt cũng chịu chung số phận thì đúng là khó hiểu”.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đảo Nghi Sơn đã xuống hiện trường kiểm tra tình hình và thống kê thiệt hại. Trong ngày, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh bao gồm Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh, Sở TN-MT và Sở NN-PTNT (Chi cục Thú y, Phòng Nuôi trồng thủy hải sản, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản) cũng đã phối hợp, tiến hành lấy mẫu nước, mẫu cá về phân tích để tìm hiểu nguyên nhân sự việc.

Được biết, trên địa bàn xã đảo Nghi Sơn có tổng cộng 66 hộ nuôi thì có đến 21 hộ có cá bị chết với số lượng lên đến 47,45 tấn. Trong số này, hộ ít mất dăm bảy tạ, hộ nhiều lên đến hàng tấn, điển hình là gia đình ông Dương Công Bằng, Nguyễn Văn Hưng, Trần Văn Giáp…

 

Bày bán tràn lan không ai kiểm soát

Trưa 8/9, khu vực buôn bán tại xã đảo Nghi Sơn ồn ào, huyên náo hơn thường ngày, thông tin cá “nhiễm độc” nhanh chóng lan truyền. Ngay lập tức, cánh con buôn đã có mặt tiến hành giao dịch, gần 20 chiếc xe tải loại 2,5 tấn được điều đến “ăn hàng” gây huyên náo cả một vùng quê. Người mua được thể ép giá, người bán không còn tâm trí đâu để mà so đo, chẳng mấy chốc hàng chục tấn cá đã được chuyển đi.

Đợt này gia đình chị Liễu có 9 tạ cá bị chết, trong đó chủ yếu là cá mú và cá vược, các loại cho giá trị kinh tế rất cao, giá trị khoảng trên 200 triệu đồng. Để gỡ gạc lại đồng vốn, vợ chồng chị vớt cá lên bán tống bán tháo được… 58 triệu đồng. Mất mát lớn nhưng thiết nghĩ được đồng nào hay đồng ấy, bởi có phân chia hết cho người thân ăn cũng không hết, giữ lại phơi khô làm mắm thì chẳng đáng được bao nhiêu. Suy nghĩ của vợ chồng chị Liễu cũng chính là tâm lý chung của tất cả các hộ còn lại.

Trong số các hộ có cá chết, thiệt hại nặng nhất phải kể đến hộ anh Đồng Văn Tuân (xóm Trung Sơn). Cá nhà anh Tuân chết nhiều đến độ phải huy động trên chục người hì hục vớt mãi mới xong. Ngày thường, 1 kg cá mú dao động ở mức 250.000đ nhưng hôm đó 80.000đ đã là kịch kim, tương tự cá hồng mỹ tụt sâu từ 110.000 đ/kg xuống 45.000đ/kg.

12-57-37_1
Đợt này gia đình anh Đồng Văn Tuân có 3 tấn cá chết, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng

 

“10 năm rồi thiệt hại mới nặng nề đến thế, trong phút chốc gia đình tôi mất trắng gần 500 triệu đồng. Giá xuống thấp nhưng vẫn phải bán, nếu tiêu thụ muộn thì giá cả còn thê thảm hơn nữa”, anh Tuân chua chát nói.

Đồng tiền đi liền khúc ruột, việc các hộ nuôi xót của, gấp rút liên hệ tìm mối tiêu thụ là điều dễ hiểu. Thế nhưng, trong bối cảnh nguyên nhân cá chết vẫn chưa được làm sáng tỏ thì việc mua tống bán tháo như thế này sẽ tiềm ẩn rất lớn nguy cơ mất VSATTP. Lẽ ra với quyền hạn và trách nhiệm của mình, chính quyền địa phương xã đảo Nghi Sơn phải nhanh chóng có phương án hướng dẫn, thế nhưng các vị này chỉ xăng xăng “xuống hiện trường ghi chép, kiểm đếm cho xong nhiệm vụ” chứ không hề có biện pháp xử lý số lượng cá chết nói trên.

Trao đổi với PV NNVN, ông Trần Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn trả lời ráo hoảnh: “Sau khi cá chết, các hộ tự liên hệ thị trường để tiêu thụ”.

 

Tảo nở hoa có thể là nguyên nhân

Không riêng gì cá lồng, vừa qua trong quá trình đánh bắt hải sản ở vùng biển gần bờ khu vực Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, một số ngư dân xã Tĩnh Hải (huyện Tĩnh Gia) hết sức hoang mang khi phát hiện một số loài hải sản (cá bơn, cá thèn, ghẹ...) bị chết bất thường với khối lượng khoảng 100kg.

12-57-37_3
Anh Đồng Văn Tuân thẫn thờ vì cá chết

 

Trước tình hình này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát từ khu vực cảng cá Lạch Bạng, xã Hải Bình đến xã Nghi Sơn, tiến hành lấy mẫu nước, mẫu cá gửi Viện Tài nguyên và Môi trường biển ở Hải Phòng kiểm tra. Kết quả phân tích sơ bộ cho thấy: Mẫu nước lấy tại khu vực cá lồng bị chết (xã Nghi Sơn) phát hiện có loài tảo Hairoi – Creratium fuca nở hoa gây thủy triều đỏ với mật độ khoảng 8 triệu tế bào/lít nước biển.

Trong khi đó, mẫu nước lấy tại khu vực cảng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn phát hiện loài tảo Creratium fuca chiếm ưu thế với mật độ 500.000 tế bào/lít nước biển.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN-MT, NN-PTNT cử các chuyên gia, nhà khoa học vào kiểm tra thực tế, xác định cụ thể nguyên nhân cá chết, hướng dẫn cách xử lý hiện tượng tảo nở hoa; bổ sung điểm quan trắc chất lượng nước biển ven bờ khu vực cảng của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vào mạng lưới chương trình quan trắc môi trường quốc gia hàng năm...

Ghi nhận thực tế cho thấy, nghề nuôi cá lồng ở xã đảo Nghi Sơn dù cho thu nhập cao nhưng người dân lại thường xuyên phải đối mặt với rủi ro. Để có đồng vốn kinh doanh, các hộ nuôi đa phần phải vay mượn ngân hàng, bạn bè, chính vì thế nếu không may gặp sự cố thì nguy cơ vỡ nợ khó tránh khỏi. Nhiều gia đình vì không trụ nổi đành phải bán nhà cửa, chuyển nhượng lại lồng bè tìm việc khác kiếm kế sinh nhai, đó là trường hợp của ông Lưu Văn Bình, Nguyễn Thị Toàn (thôn Trung Sơn), Nguyễn Văn Luật (thôn Lam Sơn)…

 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.