| Hotline: 0983.970.780

Gần 94% học sinh trên cả nước được đi học trực tiếp

Thứ Năm 17/02/2022 , 17:04 (GMT+7)

Bộ GD-ĐT thông tin, tính đến ngày 16/2, tổng số học sinh trên cả nước đi học trực tiếp là hơn 21 triệu em, đạt 93,71%.

 Tính đến ngày 16/2, 100% tỉnh/thành phố, Sở GD-ĐT đã xây dựng và thực hiện tiêu chí đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trực tiếp.

 Tính đến ngày 16/2, 100% tỉnh/thành phố, Sở GD-ĐT đã xây dựng và thực hiện tiêu chí đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trực tiếp.

Gần 94% học sinh trên cả nước được đi học trực tiếp

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tính đến ngày 16/2, 100% tỉnh/thành phố, Sở GD-ĐT đã xây dựng và thực hiện tiêu chí đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trực tiếp.

Đồng thời xây dựng kịch bản dạy học linh hoạt, an toàn cho trẻ em, học sinh tùy theo tình huống dịch bệnh; triển khai thực hiện Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học đến toàn thể cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

Chuẩn bị cơ sở vật chất, vệ sinh khử khuẩn để sẵn sàng đón học sinh đến trường; 100% tỉnh, thành phố đã có kế hoạch cho trẻ em mầm non, học sinh trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2/2022.

Tính đến ngày 16/2, 54/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp. 9 tỉnh, thành phố chưa tổ chức gồm: Hậu Giang, Trà Vinh, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hà Nội, Phú Yên, Đà Nẵng, An Giang, Tiền Giang.

59/63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học học trực tiếp. 4 tỉnh, thành phố chưa tổ chức gồm: Hậu Giang, An Giang, Đà Nẵng, Tiền Giang.

63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh THCS đi học trực tiếp, riêng TP. Hà Nội cho học sinh khối 1 đến 6 của 18 huyện, thị xã ngoại thành, khối 7 đến 12 các quận nội thành đi học trực tiếp.

63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho học sinh THPT đi học trực tiếp. Đối với các cơ sở giáo dục đại học, 100% các cơ sở đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp. Tổng số học sinh học trực tiếp là hơn 21 triệu em, đạt 93,71%.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn kiểm tra công tác tổ chức dạy học thích ứng linh hoạt, an toàn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại tỉnh Thanh Hóa ngày 14/2 vừa qua.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn kiểm tra công tác tổ chức dạy học thích ứng linh hoạt, an toàn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại tỉnh Thanh Hóa ngày 14/2 vừa qua.

Hiện nay, 3 tỉnh/thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang đã có kế hoạch cho trẻ em mầm non đi học trong tháng 2 nhưng chưa xác định được thời gian cụ thể.

Tỉnh Tiền Giang sẽ cho trẻ em mầm non 5 tuổi đi học trực tiếp từ ngày 21/2 và trẻ em dưới 5 tuổi đi học trực tiếp từ ngày 24/2. Học sinh khối lớp 1,2,5 của tỉnh sẽ đi học trực tiếp từ ngày 21/2 các khối lớp 3,4 học trực tiếp từ ngày 24/2.

Bộ GD-ĐT đánh giá, chủ trương kiên quyết mở cửa trường học đưa học sinh tới trường học trực tiếp nhìn chung được xã hội, nhà giáo, phụ huynh, các chuyên gia… ủng hộ, đồng tình, được đánh giá là đúng lúc và kịp thời. Lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương và đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Còn nhiều bất cập

Qua theo dõi thực tiễn và kết quả kiểm tra thực tế tổ chức dạy học thích ứng linh hoạt, an toàn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại một số địa phương, Bộ GD-ĐT cho biết hiện nay, một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Có nơi triển khai đồng loạt, có nơi thận trọng triển khai từng bước và có thí điểm thăm dò, đặc biệt là đối với cấp mầm non và tiểu học.

Một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1. Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp.

Một số địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm Covid-19 trước khi đến trường học trực tiếp, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả gây phản ứng không cần thiết. Về vấn đề này, các chuyên gia y tế, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế chỉ khuyến cáo xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và có yếu tố dịch tễ, không cần xét nghiệm 100% học sinh, đặc biệt không cần thiết xét nghiệm với trẻ em mầm non.

Khi tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục rất khó thực hiện việc giãn cách theo quy định vì số lượng học sinh đông, vẫn còn hiện tượng học sinh các lớp tương tác trực tiếp trong giờ nghỉ giải lao. Việc rà soát, phân loại học sinh để củng cố, bổ sung kiến thức khi học sinh trở lại trường gây khó khăn cho các trường trong việc bố trí giờ dạy, có thể phát sinh kinh phí…

Một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1.

Một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1.

Bên cạnh đó, việc thiếu giáo viên, đặc biệt ở cấp mầm non và tiểu học, đã tạo áp lực rất lớn cho các cơ sở giáo dục trong việc triển khai dạy trực tiếp. Việc tổ chức bán trú và học hai buổi còn rất khác nhau ở nhiều địa phương gây bức xúc cho phụ huynh và xã hội trong việc sắp xếp thời gian đưa đón con.

Một số phụ huynh học sinh còn chưa yên tâm cho con trở lại trường học trực tiếp, đặc biệt đối với cấp học mầm non và tiểu học vì hiện nay trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vacxin, trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Qua đó dẫn đến tỷ lệ trẻ mầm non đến trường thấp ở một số địa phương.

Một số cơ sở giáo dục chưa chủ động xây dựng kịch bản kết thúc năm học theo thẩm quyền được giao. Nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch (theo dõi, thống kê, báo cáo …). Kinh phí chi cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục (nước sát khuẩn, khẩu trang, máy đo thân nhiệt, kít xét nghiệm nhanh…) và vệ sinh khử khuẩn còn thiếu.

Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch ở một số địa phương.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để đánh giá tình hình dịch bệnh trong trường học, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo đối với các tình huống phức tạp xảy ra; sửa đổi hướng dẫn xử trí với các trường hợp F0, F1 trong trường học phù hợp với thực tiễn.

Cùng với đó, tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, hoàn thành kế hoạch năm học chất lượng, hiệu quả. Chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch năm học phù hợp với tình hình thực tiễn.

Xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình Y tế trường học trong các cơ sở mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025, tập trung việc rà soát, sắp xếp đội ngũ nhân viên y tế trường học (chuyên trách, kiêm nhiệm); xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ.

Tăng cường công tác truyền thông chủ trương mở cửa trường học của Chính phủ, Bộ GD-ĐT; tạo sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của phụ huynh học sinh trong việc sẵn sàng cùng với ngành Giáo dục đưa con em trở lại trường học an toàn.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.