Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 5 - 6 triệu tấn gạo sang rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ nhiều năm nay, về cơ bản không có nước nào ý kiến hay phản hồi chất lượng gạo của Việt Nam. Thương hiệu gạo Việt Nam đã được thị trường quốc tế chấp nhận và ngày một ghi nhận theo hướng cao hơn.
Ông Cường khẳng định, ở Việt Nam không có vùng sản xuất lúa nào chuyên cho xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa mà đều chung cánh đồng, chung nguồn nước, chung quy trình canh tác. Trừ một số lô gạo được sản xuất theo đơn đặt hàng riêng của một số đối tác châu Âu, Mỹ theo tiêu chuẩn hữu cơ, GlobalGAP, nhưng số lượng không đáng kể, mới đạt khoảng 28.000 tấn, trị giá khoảng 50 triệu USD, không đáng là bao so với giá trị kim ngạch xuất khẩu lúa gạo nhiều tỷ USD mỗi năm của Việt Nam.
Đặc biệt, ông Nguyễn Như Cường cho biết, trong những năm qua ngành lúa gạo Việt Nam được FAO cũng như nhiều tổ chức quốc tế đánh giá rất cao về những tiến bộ trong quy trình canh tác lúa, trong đó các quy trình quản lý sâu bệnh tổng hợp IPM, ruộng lúa bờ hoa, 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng đã được ngành nông nghiệp triển khai áp dụng đồng bộ trên hầu hết các vùng canh tác lúa của Việt Nam.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu gạo năm 2020 vẫn được coi là điểm sáng với sản lượng xuất khẩu tới 4,5 triệu tấn và 2,2 tỷ USD là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của người nông dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Do đó, khi có những nhận định về một ngành sản xuất quan trọng, nhạy cảm với người nông dân như lúa gạo, ông Cường lưu ý cần phải có những căn cứ, số liệu chính xác, khoa học, không nên có những nhận xét mang tính cảm tính bởi sẽ ảnh hưởng đến những thành công và phát triển vượt bậc của ngành lúa gạo Việt Nam đạt được trong giai đoạn vừa qua.