Thực trạng giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long lại làm nóng lên không khí tranh luận trên diễn đàn Quốc hội, khi một số đại biểu đề nghị Chính phủ không nên thay đổi dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ hình thức đối tác công tư PPP sang hình thức đầu tư công.
Miền Tây Nam bộ là một vùng đất trù phú và đầy tiềm năng, nhưng vẫn đang gặp trở ngại trong việc kết nối giao thông với đô thị trung tâm TP.HCM.
Sau khi nhiều cây cầu dây văng lần lượt được xây dựng để xóa bỏ sự bất tiện của những chuyến phà, thì vấn nạn kẹt xe vẫn xảy ra thường xuyên. Điều ấy khiến nông sản khu vực này bị hạn chế khả năng cạnh tranh, và du lịch cũng loay hoay khó khăn.
Để miền Tây Nam bộ có cơ hội trỗi dậy, thì bài toán giao thông phải được giải quyết thấu đáo. Từ tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương vận hành vào năm 2010 đến nay, quốc lộ 1A vẫn quá tải khi phải gồng gánh một lượng phương tiện khổng lồ mỗi ngày di chuyển cung đường Tiền Giang về các tỉnh phía nam sông Hậu.
Hiện nay dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang tích cực thi công để có thể đưa vào sử dụng cuối năm nay. Còn dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vẫn còn nhiều vướng mắc.
Năm 2016, Thủ tướng từng phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức PPP cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tổ chức sơ tuyển mời thầu quốc tế vào năm 2018, nhưng lại bất ngờ tuyên bố hủy kết quả.
Tháng 4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ Giao thông Vận tải lập kế hoạch triển khai dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức đầu tư công, với mục tiêu thông xe kỹ thuật năm 2021 và khánh thành năm 2020.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là một bộ phận của trục cao tốc Bắc - Nam, góp phần hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ.
Với chiều dài 23 km, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có kinh phí khoảng 4.828 tỷ đồng. Nếu kêu gọi được nhà đầu tư mà không phải dùng ngân sách, thì quá lý tưởng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang phủ bóng đen lên nền tài chính toàn cầu, thì tìm kiếm doanh nghiệp tư nhân chịu bỏ vốn cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ không hề đơn giản. Nếu cứ kiên định ngồi chờ đáp án hoàn mỹ của bài toán PPP, thì cao tốc về miền Tây Nam bộ vẫn muôn trùng gập ghềnh.
Để ứng phó dư chấn của Covid-19 gây tê liệt các mô hình dịch vụ thương mại và thất nghiệp tràn lan, biện pháp kích hoạt kinh tế cụ thể nhất và mạnh mẽ nhất là Chính phủ phải tăng cường chi tiêu cho phát triển cơ sở hạ tầng. Bởi lẽ, các dự án quy mô có thể hấp thụ một số lượng lớn lao động có trình độ thấp.
Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép chuyển dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sang hình thức đầu tư công, là một quyết định đúng đắn và đáng ủng hộ.