Đợt mưa kéo dài từ ngày 10 - 13/9 với lượng mưa 355mm đã làm cho 3.500 ha lúa hè thu của huyện Yên Thành (Nghệ An) đang trong thời kỳ trổ ráo, chắc xanh bị ngập nặng.
Bị ngập khắp toàn huyện nhưng so với vùng Vách Nam, diện tích bị ngập của vùng Vách Bắc lớn hơn và ngập nặng hơn. Bị nặng nhất là các xã vùng sâu Long Thành, Vĩnh Thành, Nhân Thành, Phú Thành và Hồng Thành.
Điển hình như Long Thành, toàn xã gieo cấy được 540 ha thì có 460 ha bị ngập trong đó có trên 400 ha ngập nặng. Gia đình bà Nguyễn Thị Thành ở xóm Đông Yên - Long Thành gieo cấy được gần 1 mẫu, lúa sắp chín nhưng đã bị lũ nhấn chìm làm gãy đổ hết. Dự kiến trong 3.500 ha lúa bị ngập của huyện Yên Thành có khoảng 1.800 ha tập trung ở các xã Văn Thành, Hậu Thành, Lăng Thành, Đức Thành, Long Thành, Bảo Thành, Phúc Thành, Phú Thành, Vĩnh Thành, Hồng Thành, Công Thành và Viên Thành sẽ bị mất từ 30 - 70% sản lượng.
Ngay từ ngày 12/9, UBND huyện Yên Thành đã ban hành công điện khẩn huy động dân gặt lúa chạy lụt, kêu gọi nhân dân dùng mọi phương tiện, huy động mọi thành phần tham gia. Nhờ đó mà gặt chạy lụt trở thành phong trào, người người ra đồng, nhà nhà ra đồng. Huyện chỉ đạo không cào bằng mà ưu tiên gặt số lúa đã chín khoảng 80% trước. Từ 12 đến 15/9, chỉ trong vòng 4 ngày dầm trong mưa lũ, toàn huyện gặt được 750 ha lúa đã chín. Vùng Vách Bắc bị ngập nặng nhưng đến chiều 15/9 các xã trong vùng cũng đã cơ bản giải phóng xong khoảng 1.000 ha.
Ông Nguyễn Sĩ Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, cách xử lý đối với số lúa bị ngập nhưng chưa chín là hướng dẫn bà con tìm cách vén cây lúa đứng lên, không để gẫy gập trong nước gây úng thối, đồng thời tìm mọi cách tiêu thoát nước. Còn giải pháp sau thu hoạch, huyện đã kịp thời hướng dẫn bà con không đem lúa chất thành đống mà phải để khô ráo, thoáng gió, dựng gồi lúa thậm chí phải dùng cả quạt điện quạt cho ráo nước, tránh bị ủ nóng dễ mọc mầm.
Được biết, thời vụ sản xuất HT năm nay của Yên Thành chậm hơn so với các năm trước gần một tháng. Đầu vụ lại gặp hai cơn bão làm ngập úng gần 50% diện tích, 1/3 trong số đó phải gieo cấy lại. Vì thế nên lúa HT đã bị phân chia ra thành nhiều trà. Đến thời điểm này mưa lũ vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Riêng lúa hè thu Yên Thành đang đứng trước nguy cơ có 1.850 ha khả năng bị mất 30-70% và 346 ha có khả năng bị mất trên 70%. Ngoài ra có 116 ha ngô và rau màu vụ đông khả năng bị mất 30-70% và 60 ha khả năng bị mất trên 70%. Hiện các xã động viên nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa HT 2011 khi lúa chín từ 80% trở lên.
Huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) là một vùng có địa bàn thấp trũng nên đợt lũ vừa qua, huyện này cũng gánh chịu hậu quả mưa lũ khá nặng. Theo báo cáo của UBND huyện Hưng Nguyên, sau những trận mưa như trút nước, trên 1.420 ha lúa hè thu, lúa mùa bị ngập. Trong đó có 847 ha lúa hè thu muộn đang trổ và phơi mao và 579,7 ha lúa hè thu đang trong giai đoạn chín. Cùng với diện tích lúa nói trên, vùng bãi ven sông lam cũng bị ngập mất 120 ha rau màu, 5 ha lạc và vừng; 14 ha kê, 46 ha ngô, đậu.
Sau hơn một tuần ngập úng, chúng tôi về xã Hưng Đạo, cả vùng lúa, cá sát hệ thống kênh tiêu Hưng Nguyên, nước lụt vẫn đang khiến hàng trăm ha lúa hè thu và lúa mùa chìm nghỉm trong nước. Chị Phan Thị Hoa, xóm 5B, xã Hưng Đạo than thở: Vụ HT này nhà tôi làm 6,5 sào lúa hương thơm HT và nếp 532 tại đồng Phù Khoách. Lúa mới trổ chưa kịp ngậm sữa đã bị chìm nghỉm trong nước. Bây giờ nước vẫn chưa rút hết, mà có rút thì cũng chỉ cắt lúa về cho trâu bò ăn thôi.
Ông Lưu Đức Hạnh, Trưởng ban Nông nghiệp xã Hưng Đạo nói với chúng tôi: Dân xã tôi sau lụt sẽ rất khổ! Hưng Đạo là xã thuần nông lại độc canh cây lúa, đất màu không có để làm cây vụ đông. Sự no đói của người dân đều dựa vào cây lúa nên khi thấy lúa hè thu ngập trắng đồng thì chắc chắn khó khăn, túng thiếu sẽ cận kề. Hết lụt là tất cả những người khoẻ mạnh đều phải khăn gói xuống TP Vinh hoặc lên đường vào miền Nam làm thuê để kiếm thêm thu nhập giúp gia đình cứu đói và dành dụm ít tiền để làm vụ xuân năm sau. Người già, trẻ con ở nhà lại chẳng có nghề gì mà làm.
Xuống xã Hưng Nhân, chúng tôi thấy khá nhiều bóng áo xanh đang cùng bà con gặt lúa trên ruộng. Anh Hoàng Đức Ân, Phó phòng NN-PTNT huyện Hưng Nguyên đi cùng cho biết: Để giúp dân gặt hết diện tích lúa đã chín còn sót lại trên đồng, Huyện uỷ và UBND huyện đã đề nghị lực lượng vũ trang huyện nhà xuống giúp dân gặt lúa miễn phí từ 3 - 4 ngày qua.
Thấy chúng tôi, bà Đậu Thị Tỵ, xóm 6, xã Hưng Nhân than thở: Khổ lắm các chú ơi! Lúa vừa chín đã ngập nước liền 4- 5 ngày, nay nhờ bộ đội đến gặt giúp để đưa về nhà cái đã. Tình trạng mưa, nắng sụt sùi như mấy hôm nay, thóc gặt về có ăn được hay không chưa biết ra sao. Khi lúa mới bị ngập, nhiều nhà thấy lúa đã chín bị chìm trong biển nước, xót ruột ra ngụp lặn để vớt lúa nhưng đưa được về nhà cũng bị mọc mầm hết. Nhà tôi có 3 sào lúa may mắn là chỉ ngập đến 1/3 bông nên nước vừa rút được khoảng 20 cm là phải gặt ngay đề phòng lại mưa tiếp thì coi như mất hẳn.
Ông Ân cho biết: Trong số 1.426,7 ha lúa hè thu muộn và lúa mùa bị ngập trong đợt mưa lũ này chủ yếu tập trung tại các xã vùng sâu trũng như: Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc, Hưng Trung, Hưng Nhân, Hưng Đạo, Hưng Châu… Trong tình hình hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo các địa phương phải khẩn trương thu hoạch ngay những diện tích lúa đã chín bị ngập nước để giải quyết khâu an ninh lương thực. Riêng diện tích lúa bị ngập không thu hoạch được thì chỉ đạo bà con làm bờ bao chuẩn bị thả cá vụ 3 để vớt vát một phần thiệt hại cho dân.