| Hotline: 0983.970.780

GCF - Hành trình kiến tạo hơn 4.000ha rừng ngập mặn và gần 5.000 ngôi nhà

Thứ Ba 17/12/2024 , 15:55 (GMT+7)

Dự án GCF xây dựng 4.966 ngôi nhà an toàn, phục hồi 4.028ha rừng ngập mặn, nâng cao khả năng chống chịu cho cộng đồng ven biển Việt Nam trước biến đổi khí hậu.

Hội nghị tổng kết Dự án 'Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam' tại Hà Nội. Ảnh: Kiều Chi.

Hội nghị tổng kết Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam" tại Hà Nội. Ảnh: Kiều Chi.

Sáng 17/12, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống Thiên tai (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam" (dự án GCF).

Được triển khai từ năm 2017 đến 2024, mục tiêu dự án là bảo vệ và hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương thông qua các giải pháp tích hợp như xây dựng nhà an toàn, phục hồi rừng ngập mặn và tăng cường hệ thống thông tin rủi ro thiên tai tại 7 tỉnh ven biển dễ bị tổn thương, bao gồm Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, phát biểu khai mạc tại hội nghị tổng kết dự án. Ảnh: Kiều Chi.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, phát biểu khai mạc tại hội nghị tổng kết dự án. Ảnh: Kiều Chi.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Giám đốc dự án nhấn mạnh: "Dự án GCF này là minh chứng rõ ràng cho sự tham gia tích cực của cộng đồng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, vượt qua nhiều khó khăn để đạt được những kết quả đáng khích lệ. 4.966 ngôi nhà an toàn được xây dựng cho người dân vùng ven biển, 4.028ha rừng ngập mặn được phục hồi là những kết quả ấn tượng của dự án".

Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai hy vọng UNDP và các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục phối hợp để nhân rộng sáng kiến này trên toàn quốc, mang lại sự an toàn và bền vững cho người dân Việt Nam trước những diễn biến thiên tai ngày càng khắc nghiệt.

UNDP cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam để xây dựng những cộng đồng bền vững, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Kiều Chi. 

UNDP cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam để xây dựng những cộng đồng bền vững, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Kiều Chi. 

Theo Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, khi kết thúc dự án này, chúng ta được nhắc nhở rằng các cộng đồng ven biển Việt Nam đang phải đối mặt với những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu. Dự án đã cho thấy rằng, khả năng chống chịu không chỉ là một mục tiêu mà còn có thể đạt được thông qua sự hợp tác, đổi mới và cam kết không ngừng nghỉ của các bên liên quan.

Bà cũng khẳng định "UNDP cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam để xây dựng những cộng đồng bền vững, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu".

Cụ thể, dự án đã xây dựng 4.966 ngôi nhà an toàn, mang lại nơi ở vững chắc cho hơn 25.000 người dân tại các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ trong năm 2020. Những ngôi nhà này không chỉ bảo vệ tính mạng, mang lại nơi ở vững chắc cho người dân mà còn trở thành hình mẫu được lồng ghép vào Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.

Ngoài ra, tái sinh 4.028ha rừng ngập mặn, đóng vai trò như những "lá chắn tự nhiên" bảo vệ cộng đồng trước triều cường và bão biển, đồng thời hấp thụ hơn 1,1 triệu tấn CO2, góp phần tích cực vào cam kết của Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính, tạo vùng đệm chống chịu cao.

Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ phát triển các mô hình sinh kế bền vững như nuôi ong lấy mật tại Thanh Hóa, giúp người dân tăng thu nhập, đồng thời khuyến khích việc bảo vệ rừng ngập mặn. Trong tĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai, dự án đã thiết lập hệ thống cảnh báo sớm tại 24 xã có nguy cơ cao và tổ chức đào tạo cho hơn 62.000 cán bộ và người dân, trong đó gần 50% là phụ nữ.

Các chương trình trong dự án GCF góp phần nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng trong ứng phó với thiên tai, giúp giảm thiểu thiệt hại trong các tình huống khẩn cấp, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn xã hội môi trường và bình đẳng về giới.

Xem thêm
Tổng kết công tác tham mưu cấp ủy xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và các lĩnh vực tuyên giáo năm 2024

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tham mưu cấp ủy xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và các lĩnh vực tuyên giáo năm 2024, đồng thời triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Thu hồi 139 mã vùng trồng và 192 mã nhà đóng gói vi phạm quy định

Năm 2024, các cơ quan chức năng đã cấp 1.194 mã số vùng trồng, 175 mã số nhà đóng gói nhưng cũng thu hồi nhiều mã vùng trồng, nhà đóng gói vi phạm quy định.

Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê hữu Đà, hữu Hồng

UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6443/QĐ-UBND ngày 16/12/2024 về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở mái đê hữu Đà, hữu Hồng trên địa bàn huyện Ba Vì.