Theo báo cáo Đánh giá đa ngành nhu cầu phục hồi sau bão Yagi của Bộ NN-PTNT, Liên hợp quốc (UN) và Liên minh châu Âu (EU), tổng thiệt hại, tổn thất trong lĩnh vực nước sạch - vệ sinh sau bão Yagi được ước tính là 1.363 tỷ đồng.
Để khắc phục và tái thiết lập hệ thống cấp nước và dịch vụ vệ sinh bị hư hại, nhu cầu tài chính tổng thể được xác định là 1.500 tỷ đồng. Trong đó, các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh và Hải Phòng có nhu cầu lớn nhất do mức độ thiệt hại nghiêm trọng.
91 nghìn người chịu ảnh hưởng bởi gián đoạn dịch vụ nước
Theo đánh giá từ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) và UNICEF, 293 hệ thống cấp nước tập trung đã bị hư hại do bão Yagi, ảnh hưởng đến hơn 91.000 người. Trong số đó, các hệ thống có công suất nhỏ hơn 50m³/ngày chiếm đa số (183 công trình).
Hạ tầng và dịch vụ nước sạch - vệ sinh tại Việt Nam có sự khác biệt rõ rệt giữa đô thị và nông thôn. Trong khi đô thị sở hữu các hệ thống cấp nước tập trung đầy đủ, nông thôn lại phụ thuộc nhiều vào các nguồn nước tự chảy, giếng khoan và nước mưa. Các biện pháp xử lý đơn giản đôi khi không đủ để đảm bảo an toàn.
Lĩnh vực nước sạch - vệ sinh nông thôn ở các tỉnh bị ảnh hưởng gặp nhiều thách thức do cơ sở hạ tầng công cộng cũ và không được bảo trì đúng mức. Các trận mưa lớn, bão và lũ lụt trong năm qua làm trầm trọng thêm khi nhiều cơ sở hạ tầng cấp nước và vệ sinh không có khả năng chống chịu và phải ngừng hoạt động sau khi thiên tai xảy ra.
Các đầu tư đang được tiến hành trong ngắn hạn để khôi phục tạm thời dịch vụ; tuy nhiên, nhu cầu đầu tư bài bản nhằm tăng tính chống chịu và thích ứng trong dài hạn là vô cùng cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 về nước uống, vệ sinh và vệ sinh cá nhân.
Chiến lược cung cấp nước sạch dài hạn
Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam khẳng định: "Khi bão Yagi ập đến, đó thực sự là một khoảnh khắc đặc biệt khi tôi nhận ra tầm quan trọng của sứ mệnh của UNICEF trong việc bảo vệ các đối tượng yếu thế, bao gồm trẻ em trong mọi hoàn cảnh, bao gồm cả thiên tai".
Theo bà Silvia, UNICEF đã hành động nhanh chóng, cung cấp các vật tư cần thiết trong vòng ba ngày sau bão. Đến nay, với sự hỗ trợ của UNICEF, 140.000 người đã được tiếp cận với nước sạch, 78.000 trẻ em dưới năm tuổi được sàng lọc suy dinh dưỡng và 22.000 trẻ em nhận được đồ dùng giáo dục cứu trợ.
Ngoài ra, 3.725 người đã nhận được hỗ trợ tiền mặt không điều kiện. UNICEF hiện đang triển khai chương trình phục hồi kéo dài 9 tháng tại các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên và Yên Bái, đồng thời lên kế hoạch cho một chương trình dài hạn tăng cường khả năng chống chịu thiên tai, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững giai đoạn 2026-2030 để hỗ trợ các tỉnh dễ bị tổn thương nhất tại khu vực miền núi phía Bắc.
Từ những nỗ lực này, UNICEF cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác với Chính phủ, Bộ ngành, địa phương và các đối tác để thực hiện các ưu tiên chiến lược, đảm bảo thực hiện các chương trình hỗ trợ toàn diện nhằm bảo vệ và cải thiện cuộc sống cho nhóm yếu thế tại Việt Nam. Trong đó có Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng tới đảm bảo hơn 62 triệu người dân nông thôn có quyền tiếp cận các dịch vụ cấp nước và vệ sinh được quản lý an toàn.
Với vai trò lãnh đạo trong các lĩnh vực nước sạch - vệ sinh và dinh dưỡng, UNICEF tự hào đã đóng góp thiết thực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Vào tháng 10 vừa qua, tổ chức đã phối hợp với Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai hỗ trợ cấp phát tiền mặt cho 900 hộ gia đình bị thiệt hại nặng do bão số 3 tại huyện Bát Xát và Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.