Ghép cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng bưởi |
Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích sản xuất bưởi lớn trên cả nước. Đặc biệt có nhiều giống đặc sản chất lượng cao như: Bưởi Diễn, bưởi Đường, bưởi Quế Dương, bưởi Tam Vân… trong đó bưởi Diễn chiếm 60-65% diện tích.
Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học trong sản xuất nên năng suất chất lượng tăng cao, hiệu quả kinh tế 300-600 triệu đồng/ha. Bưởi được chọn là một trong 4 đặc sản trong Đề án Phát triển cây ăn quả đặc sản của Hà Nội.
Do hiệu quả kinh tế của việc trồng cây ăn quả, trong đó có cây bưởi đem lại nên có nhiều hộ gia đình đã chủ động tự mua trồng các giống bưởi trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc.
Khi cây cho sản phẩm năng suất, chất lượng quả rất kém nên nhiều hộ đã phải phá bỏ để trồng lại. Năm 2019 được sự hỗ trợ một phần kinh phí của Sở NN-PTNT Hà Nội, Trung tâm Phát triển nông nghiệp đã triển khai xây dựng mô hình ghép cải tạo thay thế bằng giống có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao như: Bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, bưởi Tam Vân. Qua đó rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản từ 2- 3 năm, năng suất đạt bằng 70% các vườn bưởi có 8 – 10 năm tuổi.
Ngay sau khi có kế hoạch được giao Trung tâm Phát triển nông nghiệp đã chủ động rà soát chọn điểm để thực hiện thực hiện mô hình tại các Xã Nam Phương Tiến, Trần Phú – huyện Chương Mỹ; xã Vân Nam – huyện Phúc Thọ với diện tích thực hiện 5 ha. Đây là những địa phương có diện tích trồng bưởi lớn của Hà Nội và cũng là nơi có nhu cầu ghép cải tạo cao.
Xác định công tác tập huấn, huấn luyện nông dân là tiền đề nâng cao nhận thức về quản lý, KHKT, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc triển khai các mô hình cây ăn quả, Trung tâm chủ động mời các cán bộ có trình độ, kinh nghiệm cao tại viện nghiên cứu rau, hoa, quả phối hợp với các Xã, HTX tổ chức tập huấn cho hơn 150 cán bộ, nông dân tại 3 HTX tham gia mô hình ghép cải tạo năm 2019.
Qua các lớp tập huấn kỹ thuật, quản lý đã giúp cán bộ, nông dân từng bước nâng cao nhận thức, tay nghề về lựa chọn giống, phân bón, kỹ thuật bón phân cho từng cây, từng giai đoạn sinh trưởng; nhận biết và phòng trừ sâu bệnh hại đạt hiệu quả cao; kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán, khoanh vỏ, kích thích ra hoa, chống rụng quả. Nắm rõ các chủ trương, định hướng của thành phố về sản xuất cây ăn quả hàng hóa chất lượng.
Kết quả, Trung tâm đã thực hiện đúng, đủ 100% diện tích theo kế hoạch được giao. Cụ thể xã Nam Phương Tiến 2 ha, xã Trần Phú 2 ha, xã Vân Nam 2 ha. Tỷ lệ ghép đạt được theo yêu cầu 85%.
Mô hình bước đầu đạt được các mục tiêu đề ra về diện tích, chất lượng và hiệu quả. Cán bộ và nông dân các địa phương tham gia thực hiện mô hình tin tưởng, phấn khởi và yên tâm phát triển sản xuất trong những năm tiếp theo.
Qua các hoạt động ghép cải tạo vườn cây ăn quả (bưởi) đã khắc phục được cơ bản việc phải phá bỏ vườn cây có năng suất, chất lượng kém do trồng phải giống kém chất lượng, tạo thu nhập cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện, ổn định đời sống và an sinh xã hội. Tạo thêm nhiều sản phẩm chất lượng cho thị trường.
Để cải tạo các vườn bưởi thoái hóa, Trung tâm đề xuất UBND TP, Sở NN-PTNT có định hướng trong thời gian tới hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ để duy trì, phát triển ổn định bền vững về năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tiếp tục hỗ trợ nông dân các vùng trồng mới, ghép cải tạo các vườn tap, vườn có năng suất, chất lượng kém để nâng cao thu nhập cho nông dân; Tăng cường công tác tập huấn, tham quan mô hình sản xuất tiêu biểu của các tỉnh bạn để nâng cao ý trình độ sản xuất, kinh doanh cho người dân.