Giá khoai "sốt" nhưng đồng trống
Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, giá khoai lang tím Nhật liên tục tăng cao. Hiện nay, giá khoai lựa (trọng lượng 50g trở lên) là 1,1 triệu đồng/tạ; giá mua xô là 800.000 đồng/tạ.
Những ngày này, hầu hết các HTX, thương lái địa phương ở Vĩnh Long đều liên tục có cuộc gọi của các đầu mối mua khoai xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngồi trò chuyện với chúng tôi chưa đầy 10 phút mà điện thoại của ông Sơn Văn Luận, Giám đốc HTX Khoai lang Thanh Ngọc ở xã Thành Trung, huyện Bình Tân liên tục reo khiến cuộc trò chuyện phải tạm dừng vì các thương lái gọi cho ông để nhờ chỉ mối mua khoai.
Ông nói, hiện nay ngoài đồng hầu như không có khoai. Hộ nào trồng sớm lắm thì cũng mới được 2 tháng, khoai chưa thành củ, dẫu thương lái mua 2 triệu/tạ cũng không thể dỡ được. Riêng HTX, thương lái đặt hàng mỗi ngày 3 “công” (container - PV) mà không có khoai để bán. Hiện cả HTX chỉ có mỗi mình ông có được 30.000m2 khoai được hơn 1 tháng tuổi.
Ông nói, dịch Covid-19 khiến cho nông dân vùng này trắng tay, ai cũng lâm nợ rơi vào cảnh “trồng khoai bán đất”. Vụ trước, dỡ khoai xong ông cũng bán luôn 7.500m2 đất để trả nợ. Lứa khoai này là do người quen cho mượn tiền thuê đất để gầy dựng lại.
Hiện nay, củ khoai lang đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc kí nghị định thư cho phép nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này. Song, doanh nghiệp phải tuân thủ theo các điều kiện của Lệnh 248, Lệnh 249 như: khoai phải có vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói…
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, hiện nay vùng Bình Tân có khoảng 130ha khoai lang tím Nhật, đa số mới xuống giống. Bên cạnh đó, vụ đông xuân này, nông dân trồng lúa nhiều nên rất ít diện tích khoai được trồng. Dự kiến, sau thu hoạch lúa đông xuân, cuối tháng 2 nông dân sẽ xuống giống, diện tích khoai sẽ tăng trở lại.
Sắp tới, khoảng cuối tháng 4, vùng khoai lang Bình Tân sẽ có những lứa khoai đầu tiên được thu hoạch. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long đang lập hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng gửi Cục Bảo vệ thực vật tiếp 22 hồ và 4 hồ sơ trước đó đã Cục Bảo vệ thực vật cấp tạm. Tổng diện tích các vùng này khoảng trên 550ha.
“Hiện nay, các hồ sơ cũng đang chờ phía Trung Quốc xem xét. Trên tinh thần này, Chi cục cũng báo cáo với Cục Bảo vệ thực vật cho tỉnh Vĩnh Long chuẩn bị lễ xuất khẩu lô khoai lang chính ngạch đầu tiên vào thị trường Trung Quốc. Qua đó, thúc đẩy sự quan tâm của các ngành, các cấp, nông dân và doanh nghiệp cùng phối hợp khôi phục lại ngành khoai lang của địa phương”, ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long chia sẻ.
Cần cả vốn và giống
Tuy nhiên, tại vùng trồng khoai lang Bình Tân, nông dân cũng đang rất e dè, trông đợi chuyến xe khoai lang đầu tiên sang Trung Quốc. Bởi nông dân lỗ trắng tay nhiều vụ, hầu như không còn khả năng khôi phục sản xuất và rất trông chờ sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp cũng như ngân hàng.
Ông Sơn Văn Luận, Giám đốc HTX khoai lang Thanh Ngọc, nói: “Hiện nay, 10 hộ thành viên của HTX thì có đến 7 hộ có nguyện vọng khôi phục cây khoai lang bởi cây trồng này gắn bó với với bà con lâu nay. Chúng tôi kiến nghị hỗ trợ nguồn vốn để tái sản xuất”.
Bởi theo ông Luận, hiện nay bên cạnh khó khăn về vốn thì giống khoai cũng rất khan hiếm. Giá khoai giống đang ở mức rất cao, 1,2-1,3 triệu đồng/muôn (10.000 dây); cao gấp 2-3 lần so với trước. Mỗi công khoai trồng phải trồng 2 muôn nên chi phí này đã lên khoảng 2,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, chi phí vật tư nông nghiệp tăng cao nên giá thành sản xuất cũng tăng rất nhiều. Hiện, mỗi công khoai có chi phí đầu tư dao động từ 20-25 triệu đồng, tăng bình quân 5 triệu đồng so với trước.
Đối với vấn đề nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cho người dân, ông Nguyễn Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho biết: Vừa qua, đã có khoảng 20 doanh nghiệp đến các hợp tác xã để đặt vấn đề liên kết với nông dân. Một số đơn vị đã có hỗ trợ chi phí ban đầu để nông dân tái sản xuất.
Hôm nay (14/2), tại Lạng Sơn, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới. Tại hội nghị, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trao đổi về tình hình xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản, thực phẩm hai nước; cập nhật khó khăn, hướng dẫn thực hiện các quy định hiện nay theo Nghị định 248, 249 đối với sản phẩm thực phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt Trung Quốc chính thức mở cửa biên giới từ 8/1/2023 sau thời gian hạn chế vì dịch Covid-19. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan dự và chủ trì hội nghị.