| Hotline: 0983.970.780

'Vương quốc khoai lang' sống lại thời hoàng kim

Thứ Hai 02/01/2023 , 15:57 (GMT+7)

Nông dân trồng khoai lang tỉnh Vĩnh Long dần hướng đến sử dụng phân hữu cơ, liên kết sản xuất để nâng cao giá trị cây khoai lang trên đất lúa hướng đến xuất khẩu.

Empty

Nông dân Bình Tân xuống giống vụ khoai mới 2023. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thay đổi phương thức sản xuất

Nhờ lợi thế về thổ nhưỡng nằm bên bờ sông Hậu hiền hòa, người dân ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long trồng cây khoai lang xen canh trên đất lúa và trở thành nơi có diện tích trồng khoai lớn nhất vùng ĐBSCL. Kể từ đó, người ta còn phong cho vùng đất Bình Tân với danh xưng mỹ miều là "vương quốc khoai lang" hay "thủ phủ khoai lang".

Không hổ với danh xưng, theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, có thời điểm toàn huyện Bình Tân có trên 12.000 ha đất trồng khoai luân canh với lúa, và một số hoa màu khác, cung cấp cho thị trường khoảng 300 nghìn tấn khoai mỗi năm. 

Ít ai biết, đối với nông dân ở thủ phủ khoai lang, họ luôn tâm niệm rằng, trồng khoai lang theo nghiệp ông bà để lại, đời này nối nghiệp đời kia. Cho dù củ khoai lang có trải qua bao nhiêu chuyện thăng trầm, người nông dân vẫn luôn thể hiện tình yêu với cây khoai lang ở vùng đất mình. Để phát triển cây khoai lang bền vững và xuất khẩu, họ đã nhận thức bằng cách phải đổi mới phương pháp sản xuất truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật mới để thích ứng trong điều kiện mới cho củ khoai lang vương xa hơn.

Empty

Lúc cao điểm thủ phủ khoai lang Bình Tân có đến 12.000 ha diện tích đất trồng khoai luân canh với lúa và rau màu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Điển hình là xã Thành Trung nơi đây có hơn 1.100 ha trồng khoai lang lớn nhất của huyện Bình Tân, hầu hết nông dân ở đây gắn bó với nghề khoai gần ba, bốn thế hệ.

Trong đó gia đình ông Lê Văn Kháng, ở ấp Thạnh Hưng, xã Thành Trung có kinh nghiệm trồng khoai lang hơn 30 năm nay. Ông Kháng chia sẻ, ngoài căn nhà khang trang, chiếc xe, thì mảnh ruộng phía sau nhà, là do mấy năm trước trúng khoai rồi tậu thêm để làm của hồi môn cho con gái.

Và cách đây 3-4 năm, ông Kháng bán khoai được giá một tạ khoai (1 tạ= 60kg) 2 triệu đồng, được coi là cao kỷ lục lúc bấy giờ. Không riêng gia đình ông Kháng, nhà nào cũng có của ăn, của để rồi xây nhà tường, mua xe, cũng nhờ nghề trồng khoai lang.

Thời điểm hoàng kim, nông dân trồng 1 công đất khoai (1 công = 1.000m) lãi từ bằng đến hơn so với làm 10 công lúa là điều có thật ở vùng thủ phủ khoai lang.

Sau khi thông tin củ khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nông dân trồng khoai vui mừng. Những ngày này về huyện Bình Tân đi đến đâu cây khoai lang cũng là chủ đề nóng hổi, bàn tán của bà con xóm làng. Điều nông dân quan tâm lúc này, không phải là củ khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Họ đang suy nghĩ cách làm mới để sống bền vững với cây khoai lang Bình Tân.

Hiện nay, có người cũng khá thận trọng chưa xuống giống vụ mới, làm thêm vụ lúa, rồi đợi coi giá cả có rục rịch gì không. Có người lỗ mấy năm liền, nay cũng thấm đòn, nên họ chọn cách lên vườn trồng cây ăn trái hay chuyển sang trồng rau màu khác...

Nhưng số đông nông dân qua những lần thất bại đã rút ra một điều kinh nghiệm, chất lượng củ khoai lang là yếu tố quyết định tất cả. Vì vậy, vụ khoai tới không riêng gì về gia đình ông Kháng và bà con trong xóm sử dụng phân hữu cơ để bón cho ruộng khoai nhà mình, để đảm bảo an toàn thực phẩm, lượng thuốc BVTV trong sản phẩm không bị dư thừa.

Bên cạnh đó, trong quá trình cây tạo củ, nông dân tận dụng dây khoai thừa và củ khoai sùng đã ủ trước đó làm phân hữu cơ phục vụ lại cho ruộng khoai, vừa tiết kiệm được chi phí, cây vừa xanh tốt và ít sâu bệnh. 

Empty

Hiện giá dây khoai giống tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long tăng gấp nhiều lần, khi nông dân chuẩn bị trồng vụ khoai mới để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Bình Tân, thời điểm hiện tại, thương lái đang mua khoai trên 2 triệu đồng 1 tạ (1 tạ = 60kg), giá tăng gần 10 lần so với năm trước. Với giá này, sau khi trừ hết chi phí nông dân vẫn còn lãi 180 triệu/ha.

Theo đó, khi khoai tăng giá nông dân có thói quen tăng vụ, dẫn đến thu hoạch, không đạt năng suất, đất bị bạc màu, cạn dinh dưỡng, cây sẽ nhiễm bệnh. Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân, một năm nên trồng một vụ lúa, hai vụ khoai và ngược lại, không nên tăng vụ.

Doanh nghiệp hỗ trợ 50% chi phí và bao tiêu củ khoai

Suốt mấy ngày nay, nông dân Nguyễn Hoàng Long ở ấp Thạnh Lộc, xã Thành Trung, tất bật chuẩn bị đi mua khoai giống để cuốc đất xuống vụ khoai hè thu.

Ngồi hút vội điếu thuốc, ông Long cho hay, hai năm qua ảnh hưởng của dịch bệnh, bà con còn nắm níu trồng khoai lang cũng thâm hụt hết dần đồng vốn. Vụ khoai năm nay ông Long quyết định vào hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp để ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra cho nông dân và cũng được doanh nghiệp đứng ra hỗ trợ 50% chi phí ban đầu như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiền mua cây giống cho nông dân nên bà con ai cũng phấn khởi và yên tâm.

Empty

Thời điểm này thương lái đang mua khoai lang tím Nhật với gia trên 1,2 triệu đồng/tạ (1 tạ =60 kg), nông dân trừ hết chi phí nông dân vẫn còn lãi 180 triệu/ha.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Là người thăng trầm với cây khoai lang, ông Long cho rằng, trước đây xóm ông mạnh ai nấy trồng, phun thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ, bón thừa phân đạm, chi phí tăng cao… rồi đến khi thu hoạch khoai không đủ điều kiện xuất khẩu bà con mới vỡ mộng. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ khoai lang trong nước bấp bênh.

Từ những vấn đề, trên ông Long chia sẻ thêm, muốn cây khoai phát triển bền vững nông dân phải tập thói quen “buôn có bạn, bán có làng” theo xu hướng chung. Tham gia vào hợp tác xã nông dân được liên kết, sản xuất theo hướng an toàn và từ đó sẽ giúp đầu ra củ khoai ổn định.

“Tôi tin rằng, cây khoai lang sẽ trở lại mạnh mẽ trong những năm tới, khi vào hợp tác xã chúng tôi được hướng dẫn sản xuất an toàn, đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, để xuất khẩu giá sẽ tăng đời sống sẽ ổn định hơn”, ông Long nói.

Còn theo ông Bùi Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Thành Đông, toàn xã có 1.100 ha diện tích trồng khoai lang diện tích tuy có giảm so với trước đây. Nguyên nhân, do giá khoai lang tím Nhật đầu năm luôn ở mức thấp nên người dân hạn chế xuống giống trồng. Nông dân chuyển đổi sang trồng lúa và lên liếp trồng mới cây ăn trái. Hiện nay tính hiệu vui cây khoai lang chính thức đi đường chính ngạch sang Trung Quốc, cho nên trên địa bàn xã có một số doanh nghiệp xuống tận nơi xin liên kết với nông dân như: Công ty Song Toàn Phát, Công ty Nhật Thành và Công ty Hoa Cương ký kết bao tiêu đầu ra cho nông dân, với khoảng 127 ha và 230 hộ dân.

Để cây khoai phát triển bền vững chúng tôi, kêu gọi doanh nghiệp liên kết với dân sản xuất nông sản an toàn, để được cấp mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Nông dân cũng nên bỏ thói quen sản xuất riêng lẻ, sử dụng phân, thuốc BVTV theo danh mục khuyến cáo an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết: Đối với mã số vùng trồng hiện nay cho củ khoai lang, huyện cũng đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV chuẩn bị cấp cho nông dân và HTX trồng khoai lang trên địa bàn. Trên tinh thần chúng tôi cố gắng hỗ trợ để bà con, doanh nghiệp thuận lợi xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Sắp tới, huyện sẽ định hướng xây dựng phát triển vùng nguyên liệu khoai theo hướng có liên kết, không làm kiểu truyền thống, mạnh ai nấy làm nữa. Nếu khoai lang được xuất khẩu chính ngạch, thủ phủ khoai lang Bình Tân sẽ sớm sôi động trở lại.

Empty

Nông dân trồng khoai lang đã chuyển đổi sang trồng hữu cơ để thuận lợi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

"Dự kiến, Bình Tân đảm bảo diện tích khoai lang khoảng 10.000ha/năm. Cơ hội vực dậy vựa khoai lang lớn nhất cả nước sắp đến, doanh nghiệp và bà con nông dân cần đặt niềm tin vào nhau. Bên cạnh đó là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, các ngành chức năng để đưa cây khoai Bình Tân sống lại thời hoàng kim, là cây làm giàu cho mọi gia đình nơi đây.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã có 6 đơn vị đăng ký cấp mã số cơ sở đóng gói. Các cơ sở này đang hoàn thiện các điều kiện, yêu cầu từ phía nước bạn như: khu nhập liệu, khu phân loại, đặc biệt là dây chuyền làm sạch, một điểm mới và cũng là bước “gõ kẻng” đòi hỏi các cơ sở đóng gói phải đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công đoạn làm sạch sản phẩm, để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Tập thông tin.

Bà Huỳnh Kim Định, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long, chia sẻ, hiện nay, tỉnh Vĩnh Long đã cấp 38 mã số vùng trồng, trong đó cây khoai lang là 26 mã với hơn 500 ha. Sở NN-PTNT đã tổ chức  tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ tập huấn cho cán bộ địa phương, người dân thực hiện đúng những nội dung yêu cầu theo quy định. Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đang xây dựng hướng dẫn cụ thể các bước xây dựng mã số vùng trồng để người dân làm căn cứ thực hiện.

Trên cơ sở đó, bà Định kiến nghị Bộ NN-PTNT cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về việc cấp, quản lý mã số vùng trồng địa phương thuận lợi áp dụng, thực hiện hiệu quả nhanh nhất.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm Ba Lan

Rạng sáng 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ông Hồ Văn Hà làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X vừa tổ chức kỳ họp thứ 24 và bầu thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhằm kiện toàn công tác nhân sự.

Ba người đàn ông ở thung lũng trong mơ

Tròn mười năm tôi mới trở lại thung lũng trong mơ ấy, nếu không có Tạ Xuân Anh - cán bộ Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Ninh Bình dẫn vào thì đã lạc đường.