| Hotline: 0983.970.780

Đưa khoai lang vươn thị trường quốc tế nhờ chữ 'tín' và 'tâm'

Thứ Sáu 20/01/2023 , 07:05 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Để đặt chân vào thị trường Nhật Bản, phải tuân thủ hàng loạt quy định, quy trình sản xuất ngặt nghèo. Người sản xuất phải có chữ 'tín' lẫn chữ 'tâm'.

Khát vọng vươn ra biển lớn

Tại tỉnh Lâm Đồng, Công ty Cổ phần Viên Sơn (xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản. Riêng năm 2022, doanh nghiệp này xuất khẩu 4.200 tấn khoai lang cấp đông qua thị trường Nhật Bản và khoảng 2.500 tấn sản phẩm khoai lang cấp đông, khoai lang tươi qua các thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Thái Lan. 

xuất khẩu khoai lang

Công ty Viên Sơn hiện liên kết với khoảng 200 hộ dân ở khắp các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum sản xuất khoai lang phục vụ chế biến, xuất khẩu. Ảnh: Minh Hậu.

Chia sẻ về quá trình "vươn ra biển lớn", ông Nguyễn Duy Đa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Viên Sơn kể: Năm 1991, sau khi tốt nghiệp đại học, ông vào làm việc cho một xí nghiệp sản xuất rau đóng trên địa bàn TP Đà Lạt (Lâm Đồng), sau đó chuyển qua làm ở bộ phận quản lý cho một công ty nông nghiệp hữu cơ chuyên sản xuất rau, hoa có vốn đầu tư Hà Lan. Sau này, khi đã có kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, ông thành lập công ty riêng.

Ông kể: "Thời điểm đó, tôi nghĩ mình có vốn kiến thức, có kinh nghiệm nên phải làm gì đó lớn lao hơn, không thể làm thuê mãi được. Đặc biệt, khát khao mở công ty kinh doanh sản phẩm khoai lang để hợp tác với nông dân, giúp họ có đầu ra ổn định và tăng nguồn thu nhập luôn thôi thúc tôi. Đến năm 2008, tôi quyết định nghỉ việc và về thành lập Công ty Viên Sơn".

Những năm đầu thành lập, một mình ông tìm kiếm thị trường cho sản phẩm khoai lang rồi lái xe đi khắp các vùng nông thôn trong huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng để thu mua. Về sau, khi thị trường được mở rộng, ông lại rong ruổi qua khắp vùng thôn quê ở Đắk Nông, Đắk Lắk thu mua khoai.

xuat khau khoai lang 2

Năm 2022, Công ty Viên Sơn xuất khẩu 4.200 tấn khoai lang cấp đông qua thị trường Nhật Bản và khoảng 2.500 tấn sản phẩm khoai lang cấp đông, khoai lang tươi qua các thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Thái Lan. Ảnh: Minh Hậu.

Ngày đó, việc buôn bán chủ yếu dừng lại ở mức thu mua khoai lang tươi của người dân mang về sơ chế, phân loại rồi bán ra thị trường và xuất khẩu sang các quốc gia như Thái Lan, Malaysia. Việc kinh doanh chủ yếu là sản phẩm tươi nên có thời gian sản phẩm bị hao hụt do hư hỏng. Đặc biệt, đối với mặt hàng tươi, doanh nghiệp chỉ lựa chọn được khoảng 40% sản phẩm có mẫu mã phù hợp để xuất khẩu, còn lại 60% là hàng vượt quá kích thước hoặc không đạt tiêu chuẩn, buộc phải bán ra các chợ.

Ông Đa thổ lộ: "Một khi hàng bán ra chợ thì giá trị không còn cao, không được bao nhiêu tiền. Mà mình kinh doanh không đạt lợi nhuận cao thì cũng không thể giúp nông dân thoát nghèo được. Vậy nên tôi nghĩ cần phải thay đổi kế hoạch, cần tập trung vào chế biến".

Năm 2012, sau thời gian suy nghĩ, từ khoản tiền tích góp và vay mượn với tổng cộng trên 20 tỷ đồng, ông Đa bắt tay vào xây dựng khu nhà máy chế biến, cấp đông khoai lang. Lúc bấy giờ, ông phải thuê chuyên gia từ Hà Lan qua thiết kế, xây dựng nhà máy và đào tạo nhân lực vận hành. Đến năm 2015, khi có trong tay mẻ khoai lang cấp đông đầu tiên, ông đã mang đi chào hàng, đặc biệt nhắm đến thị Nhật Bản để tiếp thị, tìm kiếm cơ hội.

Chữ "tín", chữ "tâm" đưa khoai lang đi Nhật

Năm 2015, sản phẩm khoai lang cấp đông của Công ty Cổ phần Viên Sơn có mặt tại thị trường Nhật Bản và lập tức nhận được sự quan tâm của khách hàng. Sau tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm, các doanh nhân Nhật Bản đã trực tiếp bay qua Việt Nam, đến tận khu nhà xưởng của công ty để nắm bắt thông tin về quy trình sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm.

Người Nhật cũng tổ chức các đoàn chuyên gia qua khảo sát trực tiếp tại vùng nguyên liệu của công ty, kiểm tra hàng loạt chỉ số về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hàng chục yếu tố khác liên quan đến chất lượng sản phẩm.

DSC_8391

Từ những nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, Công ty Viên Sơn nhận nhiều bằng khen, giấy khen và nhiều giải thưởng cao quý. Ảnh: Minh Hậu. 

"Các cuộc làm việc giữa 2 bên liên tục diễn ra và khi công ty đạt được những yêu cầu của đối tác Nhật Bản thì việc ký hợp đồng mới được thực hiện", ông Nguyễn Duy Đa chia sẻ và cho biết thêm, năm 2016, doanh nghiệp xuất khẩu 600 tấn khoai lang cấp đông đầu tiên qua thị trường Nhật Bản và đây là dấu mốc quan trọng, tạo bước ngoặt trong lịch sử kinh doanh. Đến năm 2017, doanh nghiệp tiếp tục đạt được hợp đồng và tăng đơn hàng lên 1.500 tấn, năm 2018 – 2019 tăng lên 2.000 tấn và hiện nay là 4.200 tấn khoai lang cấp đông.

Nói về Nhật Bản, ông Đa cho biết đây là thị trường tiềm năng và mang lại giá trị. Tuy nhiên, để bước chân vào thị trường này, người sản xuất phải có chữ "tín" lẫn chữ "tâm". Người sản xuất phải đưa tiêu chí chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất phải khoa học, bài bản từ khâu xuống giống, chăm sóc, thu hoạch đến việc sơ chế, chế biến.

Ông Đa chia sẻ: "Sản xuất phải có nhật ký nông dược, vùng trồng phải có định vị và sản xuất phải bám sát các quy định an toàn thực phẩm của họ. Nhà máy chế biến phải đảm bảo tuân thủ an toàn thực phẩm, hóa chất, kiểm soát vật lạ, tạp chất trong sản phẩm. Quy trình sản xuất phải theo từng công đoạn và thiết bị sản xuất phải hiện đại… Việc cân đong, đo đếm sản phẩm cũng phải chính xác. Nói chung phải tỉ mỉ từng ly từng tí và đội ngũ quản lý phải chuyên nghiệp".

Hiện nay, để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu sản phẩm khoai lang, Công ty Viên Sơn đã liên kết với khoảng 200 hộ dân ở khắp các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Vùng nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp này hiện khoảng gần 1.000ha với sản lượng khoai trung bình từ 9.000 đến 10.000 tấn/năm. Cùng với việc phát triển sản phẩm khoai lang, Công ty Viên Sơn cũng tập trung vào sản xuất ớt chuông công nghệ cao và liên kết với nông dân sản xuất cà tím, bí Nhật. Trong thời gian tới, doanh nghiệp này cung ứng ra thị trường sản phẩm rau, củ, quả hỗn hợp ăn liền và sản phẩm sấy. 

z3992270252657_a5aaa611acf9f2b516f6f761c46214d5

Cùng với khoai lang, doanh nhân Nguyễn Duy Đa đang mở rộng vùng sản xuất, mở rộng thị trường với các sản phẩm ớt chuông, cà tím, bí Nhật. Ảnh: Minh Hậu.

"Với tôi, để làm việc được với người Nhật thì phải đọc được suy nghĩ của họ, sản xuất phải đưa chất lượng lên hàng đầu. Hiện nay, công ty sản xuất, kinh doanh với tiêu chí "Thực phẩm chất lượng cho cuộc sống tốt đẹp hơn". Khi thực phẩm có chất lượng thì người sử dụng sẽ có sức khỏe và tạo ra giá trị cao hơn, chất lượng cuộc sống vì thế sẽ tốt hơn. Đặc biệt, việc kinh doanh vì thế cũng có lợi nhuận cao hơn và có thể giúp được nhiều bà con nông dân hơn", ông Đa chia sẻ.

Ông cho biết thêm, doanh nghiệp đang tập trung vào đa dạng hóa sản phẩm, liên kết với người dân các tỉnh Tây Nguyên mở rộng vùng nguyên liệu. Ngoài các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Thái Lan, công ty sẽ mở rộng sang thị trường các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Canada… Hiện nay, các sản phẩm của công ty này được sản xuất và chế biến dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế như FSSC 22000, GLOBALGAP, HALAL.

Mới đây, Công ty Cổ phần Viên Sơn được trao tặng giải thưởng Chất lượng Quốc gia (giải thưởng cao nhất trong hệ thống pháp luật về chất lượng, sản phẩm hàng hóa do Thủ tướng Chính phủ trao tặng). Doanh nghiệp cũng đạt giải thưởng Sao Vàng Đất Việt – Top 200 năm 2018; chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập” năm 2019. Nhiều năm liền, đơn vị được các cấp chính quyền công nhận là doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu và doanh nghiệp xuất khẩu uy tín.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.